Những kỳ tuyển sinh riêng dự kiến tổ chức 2025
Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học dự kiến tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào năm 2025.
Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội (TSA)
Năm 2025, kỳ thi TSA dự kiến tổ chức trong 3 đợt vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3 - 4 kíp thi tại 30 điểm thi. Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi, thông tin cụ thể các đợt thi như sau:
Đợt 1: Ngày thi 18-19/1/2025, ngày mở đăng ký 1-6/12/2024
Đợt 2: Ngày thi 8-9/3/2025, ngày mở đăng ký 1-6/2/2025
Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025, ngày mở đăng ký 1-6/4/2025
Về cấu trúc đề thi, Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định như năm qua, với ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là ba phần thi độc lập, câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh, không kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào.
Hình thức thi TSA là trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học (tùy trường). Hiện có khoảng 40 trường đại học sử dụng kết quả bài thi TSA trong xét tuyển đầu vào, trong đó có nhiều trường top đầu như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Dược Hà Nội, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại…
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA)
Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi HSA năm 2025 gồm 6 đợt, bắt đầu từ tháng 3, dự kiến có khoảng 85.000 lượt thi. Về địa điểm, kỳ thi sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Địa điểm thi từng đợt sẽ được công bố sau.
Cấu trúc đề thi HSA năm 2025 gồm ba phần, trong đó hai phần bắt buộc là Toán học và Xử lý số liệu, Văn học - Ngôn ngữ, tương tự hiện tại.
Phần Toán học và Xử lý số liệu gồm 50 câu hỏi, kéo dài 75 phút. Nội dung thuộc lĩnh vực đại số, giải tích, hình học và đo lường, thống kê và xác suất. Phần Văn học - Ngôn ngữ gồm 50 câu trắc nghiệm, thí sinh làm trong 60 phút. Các câu hỏi sử dụng ngữ liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống như văn học, ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, nghệ thuật...
Ngoài ra, thí sinh có phần lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Với phần Khoa học, các em chọn 3 trong 5 chủ đề là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Mỗi chủ đề có 17 câu hỏi. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu trắc nghiệm, được thiết kế để tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.
Đây là một trong những kỳ thi riêng lớn nhất cả nước. Khoảng 90 trường đại học sử dụng điểm thi này để xét tuyển đầu vào.
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM (V-ACT)
Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất cả nước, với gần 107.000 thí sinh tham gia vào năm ngoái. Hơn 100 trường sử dụng kết quả này để xét tuyển. Trong năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức thi kỳ thi với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và 1/6 tại 25 tỉnh/thành phố.
Trước đó vào ngày 12/11, Đại học Quốc gia TP.HCM đã ban hành cấu trúc và mẫu đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025. Đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi.
Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM, cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như SAT (Mỹ), PET (Israel) hay GAT (Thái Lan). Đề thi hướng tới đánh giá năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp.
Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT)
Đây là kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính lần đầu tổ chức vào năm 2023, do 4 trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Sài Gòn và Đại học Mở TP.HCM phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT tổ chức. Đến nay, kỳ thi được 18 trường dùng để xét tuyển, với chỉ tiêu dự kiến khoảng 10-40%.
Kỳ thi V-SAT tổ chức 7 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 7 môn. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính.
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm TP.HCM
Năm 2025, Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực tại TP.HCM, Long An, Đà Nẵng, Gia Lai. Kỳ thi sẽ gồm 6 bài thi độc lập: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trong đó, đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.
Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở ba phần: đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Phần viết đoạn văn ngắn là nội dung mới so với đề các năm trước. Với môn Tiếng Anh, cấu trúc đề thi giữ nguyên, gồm bốn phần nghe, nói, đọc, viết. Ngữ liệu được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung đề sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó phần kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70-80%, còn lại là kiến thức lớp 10, 11.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP.HCM được tổ chức lần đầu năm 2022 với khoảng 2000 lượt thí sinh. Đến năm nay, con số này tăng lên hơn 8000 lượt. Kết quả kỳ thi được nhiều trường sư phạm dùng xét tuyển đầu vào, gồm: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, các trường sư phạm trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Vinh.
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực trong năm 2025. Theo đó, thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Dự kiến trong quý IV năm 2024, trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ rà soát, chỉnh sửa cấu trúc, ma trận đề thi cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt và nội dung cốt lõi của chương trình GDPT 2018. Đồng thời, thực hiện quy trình bổ sung câu hỏi mới để cập nhật bộ câu hỏi nguồn cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025, tiến tới xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn trong các năm tiếp theo.
Kỳ thi riêng Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Theo thông báo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 2025, ngoài việc tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội và kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM, trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Đại diện nhà trường cho biết, trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án tổ chức kỳ thi này. Đó sẽ là bài thi theo hướng đánh giá năng lực, dự kiến tổ chức từ 1-2 đợt trong năm, diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Các trường quân đội
Kể từ năm 2025, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội. Thí sinh làm bài thi trên máy tính. Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh đó, các trường công an cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và lấy kết quả bài thi này để xét tuyển đầu vào. Bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an gồm cả phần thi trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm ngoài nội dung môn học còn kiểm tra tư duy logic, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống, gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù của ngành công an. Phần tự luận kiểm tra kiến thức hai môn Toán và Ngữ văn.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-ky-tuyen-sinh-rieng-du-kien-to-chuc-2025-ar907503.html