Những ký ức không chịu ngủ yên

Đây chính là tiêu đề tập hồi ức của nhà văn Tô Hoài. Và không riêng gì Tô Hoài, miền ký ức vẫn thảng hoặc níu kéo các nhà văn về với những tháng ngày thơ mộng của mùa xuân cuộc đời. Trong đó, tết là mùa xuân sum họp.

Nhà văn Tô Hoài người có hàng trăm trang sách viết về phong tục tập quán, người đã để lại một gia sản văn chương và văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” của ông với những bài viết “Đón giao thừa”, “Những ngày áp tết”, “Đêm giao thừa”, “Hội làng”, “Pháo”, “Giỗ tết”, “Khai bút”, “Chơi chùa”, “Tảo mộ” ta sẽ hiểu điều đó. "Chợ Bưởi có ba phiên chợ tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán" (Những ngày áp tết). Ở những phiên chợ, thể nào “tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay”, “u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới”; “cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, đầu mới để ăn tết”.

Hay là thói quen “Khai bút đầu xuân” đã được ông duy trì nhiều năm. Những năm còn xa xôi với nghề văn, ông “khai bút loăng quăng vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ”, và sau này “đến khi làm nghề văn thì mỗi năm khai bút bằng viết một truyện ngắn”: “Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa cho đến quá nửa đêm. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cũng là cái nửa đêm mới nhất của hai năm nối nhau...”. Có vẻ như càng gần tết, người ta lại càng nghĩ về truyền thống, về những giá trị tưởng cũ xưa song lại vô cùng đẹp.

Hà Nội ngàn năm văn hiến, vì thế tết cũng nhiều sắc màu hơn. Vũ Bằng nhớ về tết ở Hà Nội với biết bao nhiêu kỷ niệm còn đọng lại. Trước hết, ấy là sự sắm tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, những quần áo mới, đồ nấu tết, vật dụng trang trí đã được sắm sửa dần dần. Từ hoa chưng tết, có thể là cành đào, cây mai, là chậu cúc, cụm hồng hay hoa đỗ quyên, và cách chăm sóc, cắt tỉa cầu kỳ cho hoa thủy tiên nở đúng ngày, đúng giờ như là nét riêng tết Hà Nội.

Phong tục tết, tâm thế của người đón tết cũng vậy. "Bao nhiêu thù oán xếp lại, tình đoàn kết được đề cao, sự lo buồn lộn xộn quẳng đi một xó. Người ta thăm hỏi nhau, kiêng mắng chó chửi mèo, kiêng hốt rác, rồi trồng nêu, vạch vôi vẽ cung tên, chẳng qua chỉ để hy vọng năm sắp tới bản thân mình, gia đình mình, làng nước mình sẽ khôn ngoan hơn, khỏe mạnh hơn, sinh sản nhiều hơn”. Và rồi trong cái ngày đầu tiên, sáng ngày mùng một tết, "nằm ở trên giường mở mắt thì nhìn thấy cả cái nhà mình mới hẳn ra, cửa vẫn đóng kín mà lại sáng như cái động. Thì ra đèn nến ở trên các ban thờ để suốt đêm không tắt, nhang vòng vẫn cháy đưa ra một mùi thơm ngạt ngào hòa với hương hoa, hòa với gió đàn của những cánh đồng bao la lùa qua cửa sổ, hòa với tiếng đàn của mùa xuân về trong ý nhạc lời thơ"... Cái đặc trưng xứ Bắc “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh” cộng thêm với đầy đủ sắc, thanh và hương đã tạo nên phong vị riêng của Hà Nội.

Chẳng cứ gì tết Bắc hay tết Nam, đã là người Việt, nếu có đi làm nơi đâu xa, thì khi tết đến, cái lệ “về quê ăn tết” như là điều phải làm. Về quê ăn tết là về với cội nguồn, với tinh thần lạc quan, tình yêu thương và những kỷ niệm thân thuộc quanh mình.

Bởi thế mà mỗi vùng đất đón tết trong không khí chung nhưng lại có tình riêng. Nhà văn Y Phương “cắm cúi” viết 2 cuốn sách “Tháng giêng, tháng giêng, mọt vòng dao quắm”, “Fừn nèn củi tết” chỉ với mong muốn được giữ lại các phong tục tập quán từ đời này truyền sang đời khác, các lễ hội mùa xuân rồi tới mùa thu, các lề thói ứng xử trong quan hệ trong họ ngoài làng, thậm chí với cả cây cỏ, trời đất, súc vật. “Một năm mười hai tháng, với người Tày Nùng chúng tôi, hầu như tháng nào cũng có tết. Mỗi tháng một tết, như cây tre mười hai đốt. Nhưng tết tháng Giêng là tết to nhất. Tết anh cả. Tết đứng đầu trong năm”. “Ngày này người ta kiêng nói to, hoặc bẳn gắt. Trong nhà không được làm ồn. Không phơi phóng. Không quét tước. Không sang nhà người khác. Ai cũng nở nụ cười vui vẻ thường trực. Ai có lỡ tay làm vỡ cốc chén, nhỡ miệng nói tục, ông bà, cha mẹ cũng không lừ roi mắng mỏ. Mùa xuân ăn xong. Mùa xuân lại ngủ”... “Mùa xuân là mùa làm người. Cho nên, cây cỏ trên rừng thường e thẹn. Cây cỏ hay đỏ mặt. Đỏ mặt làm thành hoa”.

Không sinh ra ở Tây Bắc, nhưng suốt thời trai trẻ Tô Hoài gắn bó với miền đất ấy. Đọc “Truyện Tây Bắc", một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với âm vang của tiếng khèn, tiếng sáo, những phong tục tập quán độc đáo hiện ra. Đó là khung cảnh rộn ràng: "Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy, “Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn“hay” các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn"... Những sắc màu sặc sỡ là đặc trưng cái tết của người vùng cao.

Từng trang hồi ký “Tầm xuân và Những ký ức muộn”, “Hoài niệm và mộng du” của PGS. Đặng Anh Đào mở ra đưa người đọc ngược dòng thời gian hòa cùng với năm tháng tuổi trẻ, trong đó không thể không kể tới khoảng thời gian mà “cuộc kháng chiến đã đẩy đứa bé Hà Nội dạt về tận một làng gần núi Nưa, Thanh Hóa”. Núi Nưa với sắc chàm pha màu gio. Ngôi trường làng trắng toát in trên nền cây xanh, núi chàm, với những nhành tầm xuân gai góc, rực rỡ, mùi hoa dẻ hoang dại. Những năm tản cư ở Thanh Hóa “nằm trong chăn, nghe gió thổi heo hút, nhớ ánh điện và thành thị”, song đó cũng là những năm thơ mộng nhất "đêm đêm mang đàn đi dọc theo bờ Nông giang hát những bài tình ca ướt át, cặp mắt lơ mơ: Dư âm, Cô láng giềng, Trương Chi...". Và để đến khi thất thập cổ lai hy rồi, ký ức về món “chè lam phủ Quảng” cứng như đá, miếng vuông vắn, màu mật, điểm những hạt lạc trắng ngà được chọn kỹ; món bánh đa nướng phết mật mía cô đặc; món bánh cuốn nhân tôm; bánh rơm làm bằng khoai lang thái chỉ, tẩm bột sắn rán vàng thành từng ổ sợi vàng ươm như tổ chim, trên có rắc đường... vẫn cứ ám ảnh. Bởi “những món ăn thuở nhỏ là những thứ ngon nhất còn lại của cả đời người”.

Nhà thơ Thanh Thảo trong hồi ký “Lang thang qua chiến tranh” dành nhiều trang viết về cái tết. Ông nhớ rất rõ cái chiều 30 tết năm 1971, ông cùng với những người lính lên đường vào Trường Sơn đã có cuộc liên hoan cuối cùng với các bọ, các mẹ trong làng Cự Nẫm (Quảng Bình): Tôi nhớ cái màu trời chiều 30 tết, nhớ những mái nhà lợp lá gồi, lợp tranh nhỏ thấp, nhớ những mẹ già cũng thấp nhỏ dưới khung trời xám, nhớ cái không khí cuối cùng của đất Bắc mà chúng tôi sẽ không còn được thấy nữa vào đúng 6 giờ tối 30 tết.

Và sáng mùng một tết (ở trạm 5, đất Lào, tỉnh Tà-ven-oọc (mặt trời mọc), “không có pháo đốt, chúng tôi đã bắn mấy phát súng mừng xuân. Trước khi hành quân, chúng tôi đã có 15 phút để ăn tết trên Trường Sơn với đủ cả khóc cười. Khóc nhớ nhà và cười vui như một chuyến đi phượt. Dù chiến tranh có bộ mặt đáng sợ như thế nào chẳng bao giờ nó dập tắt hết được những tiếng khóc và những nụ cười”.

Bộ mặt chiến tranh rõ nhất là những mất mát. Tết Bính Thìn 1976 cũng là dịp để nhà văn Bảo Ninh nghĩ về đời mình, về cuộc đời của thế hệ mình. “Trước giao thừa, hội lớp tôi ra Bờ Hồ trẩy hội, đi bộ, ngắm đèn, ngắm người là cái lệ, là nếp quen từ xưa của tuổi trẻ Hà Thành”. Trong khi được hưởng tình thân ái của bạn học, nhà văn chợt nhận ra: “Tất cả bọn con trai đều đã lên đường ra trận, sao bây giờ chỉ có một tôi có mặt ngồi đây cùng bọn con gái?” (Tết năm ấy, sau cuộc chiến).

Với cái nhìn ngoái lại, người đọc nhận ra, ký ức chính là ân huệ mà cuộc sống ban tặng cho con người nói chung, và cho các nhà văn nói riêng. Trong tâm thức của mỗi người Việt, tết là sự đoàn tụ, sum họp, thăm hỏi, chúc tụng. Bởi thế, thơ ca hay truyện ngắn, hồi ký viết về tết không ít. Chúng ta đã đọc Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên và mãi nhớ về những câu đối đỏ, hình ảnh ông đồ; Vân Đài với cách Đợi tết quê Nam đặc tả cảnh chợ có thúng đầy cam đỏ gánh mùa xuân cùng trẻ con mặc áo mới xem mẹ ngồi xên chảo mứt gừng. Hay sự thấu cảm của Nguyễn Bính: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều”.

Mỗi khi xuân ngập ngừng gõ cửa, ngoài hiên mưa phùn lây phây, cái rét ngọt càng khiến con người ta dễ vấn vương, nghiêng nghiêng trong nỗi nhớ da diết về tết xưa. Thay vì những lo âu nặng trĩu thường nhật, ngày tết ngồi lại nhấp chén trà, thưởng thức những trang văn ngọt ngào, ấy là mùa xuân đã ở trong lòng ta.

THƯ NGUYỄN

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-ky-uc-khong-chiu-ngu-yen/206510.htm