'Những ký ức không thể quên': Những câu chuyện đời thường của lính bay (Kỳ 18)
Đoàn bay 358 chúng tôi, nếu nói ra thì cũng lắm cái thiệt thòi. Lúc đi học 100 người, sau khóa huấn luyện L29 cuối năm 68 còn lại 65 học viên, 35 người bị loại. Theo yêu cầu của phía Việt Nam 35 học viên được chuyển sang học MiG 21, số còn lại học lái MiG 17.
Đoàn MiG 21 do Đại úy Trương Tấn Điền là trưởng Đoàn. Đoàn học bay MiG 17 do cựu phi công MiG 17 Nguyễn Thái Hoàn là trưởng Đoàn. Sau khi bay xong chương trình của MiG 21 (cuối năm 1969). Theo thỏa thuận của 2 Bộ Quốc phòng ta và bạn, chúng tôi ở lại bay thêm 1 năm để học thêm các kỹ thuật bay trong mọi thời tiết, kỹ năng chiến đấu, gọi là bay Để cao. Tháng 10 năm 1970, chúng tôi tốt nghiệp khóa bay Đề cao, nhận Bằng Tốt nghiệp về nước. Như vậy là thời gian chúng tôi học bay ở Liên Xô là ba năm rưỡi (từ tháng 5 năm 1967 đến tháng 10 năm 1970).
Tại Liên Xô và các nước XHCN, thời gian học để trở thành phi công chiến đấu như chúng tôi thường kéo dài từ 5 đến 6 năm. Còn chúng tôi thì chỉ mong chóng kết thúc khóa học để về tham gia chiến đấu với bọn Mỹ. Điều này nung nấu trong tâm khảm của từng học viên khi sang học lái máy bay chiến đấu.
Về nước, rồi biên chế về các đơn vị chiến đấu, chúng tôi cũng được nghe kể ở Đoàn 3 - MiG 21, khi tham gia chiến đấu nhiều anh cũng chỉ mang quân hàm binh nhất. Anh Phạm Phú Thái khi nhẩy dù, bị thương, các dân quân hỏi anh cấp bậc gì anh nói binh nhất, mọi người tưởng anh giễu cợt phải hỏi đi hỏi lại vài ba lần. Nhưng cũng có Đoàn bay tốt nghiệp về nước, sau vài ba tháng được phong ngay quân hàm thiếu úy. Đối với chúng tôi, điều này không quan trọn, mà mong mỏi nhất là được bay ngay đề hồi phục kỹ thuật bay chiến đấu.
Khi về nước, chúng tôi được phát quân phục sĩ quan, nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp theo phẩm hàm binh nhất, binh nhì, hạ sĩ. Chắc mọi người còn nhớ khi đó trợ cấp cho Binh nhì, binh nhất là 5 hay 6 đồng gì đó. Còn hạ sĩ là gần 10 đồng. Thành ra khi được phép ra ngoài doanh trại, đi chơi với bạn hữu cũng không thật dư dật.
Ngày 22 tháng 12 năm1970, tất cả anh em trong đoàn được phong quân hàm Thượng sỹ, Phụ cấp lúc này được trên 20 đồng. Việc chi tiêu cũng rủng rỉnh hơn. Mặc dù trong Lễ trao quân hàm, Chính ủy trung đoàn có nhấn mạnh: “Đây là sự quan tâm sâu sắc của cấp trên trên đối với các đồng chí. Nhưng hầu hết Anh em chúng tôi đều cảm thấy tâm tư, vì chúng tôi vẫn chưa được là sĩ quan. Cá nhân tôi, có mấy cậu bạn cùng nhập ngũ ở các binh chủng khác, bây giờ chúng đều là Trung úy, thượng úy, làm công tác chính trị. Có đứa hỏi tôi: “mày bị kỷ luật hay sao mà chỉ được phong quân hàm thượng sĩ”. Tôi phải xẵng giọng: “mày không biết à, lớp đàn anh của bọn tao, chiến đấu nhẩy dù rồi mà vẫn đeo lon binh nhất đấy”.
Ở thời điểm Mỹ đang đánh bom miền Bắc, do nhu cầu chiến đấu các anh bay MiG 21 ở đoàn 1,2,3, khi về nước, các anh được đưa vào bay hồi phục, bay để cao ngay để có thể thực hiện nhiệm trực ban chiến đấu. Khi chúng tôi về nước, thì Mỹ lại dừng ném bom. Có lẽ vì lý do này Đoàn chúng tôi 25 người tốt nghiệp, về trung đoàn không được bay phục hồi ngay, đặc biệt là bay đề cao để học tập kỹ thuật chiến đấu của các anh phi công đàn anh lớp trước. Những người anh đã từng trải trong chiến đấu với các phi công Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong cất hạ cánh, kỹ năng chiến thuật, cách tránh tên lửa địch. Việc làm chủ yếu của chúng tôi thời gian này là học chính trị, đi lao động, những công việc hoàn toàn không liên quan đến kỹ thuật bay. Không chỉ riêng chúng tôi, Đoàn học viên 358 tốt nghiệp MiG 17 ở Liên Xô có một số anh thôi bay do không đáp ứng nhu cầu bay lâu dài, nhận nhiệm vụ khác. Số còn lại cũng đi lao động. Tiếc cho các anh tốt nghiệp L29, có thể là lực lượng dự trữ chuyển loại cho các loại máy bay khác cũng nhận nhiệm vụ mới như chuyển sang pháo phòng không. Một đặc trưng của nghề bay, kể cả các thầy giáo dạy bay của chúng tôi ở Liên xô, khi các thầy nghỉ bay 1-2 tuần, nếu muốn bay lại phải có người bay kèm để lấy lại cảm giác bay.
Có một chuyện bây giờ nghĩ lại thấy cũng vui. Phần thưởng đầu tiên trong đời lính của tôi, phi công lái máy bay tiêm kích chiến đấu MiG 21 không liên quan đến nghề nghiệp lính bay là Giấy khen có Nội dung: Có thành tích xuất sắc trong phong trào lao động chống bão lụt năm 70/71. Câu chuyện cụ thể là thế này: Chắc mọi người còn nhớ, cuối tháng 10 năm 1970 xảy ra cuộc tập kích của Mỹ vào Sơn Tây để giải cứu phi công. Tiếp theo đó là trận lũ lụt cuối năm 1970. Nếu không phá đê sông Hồng ở đoạn Hưng Yên Hải Dương thì chắc Hà Nội đã chìm trong biển nước. Sau này, tôi lấy vợ quê ở Thanh Miện Hải Dương, huyện nằm sát với Ân Thi, Hưng Yên, được nghe bố vợ kể lại trận lũ lụt lịch sử đó. Đoạn đê ở Hưng Yên phải bị phá để cứu Hà Nội, nước lũ cuồn cuộn tràn về. Lúc đó, do phương tiện thông tin quá hạn chế, bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề. Ngay nhà vợ tôi cách sông Hồng 30 - 40km nước ngập khá sâu, đi trong sân và vườn, nước ngập đến ngang ngực. Cả vùng đất rộng mênh mông chìm trong nước lũ. Đi lại chủ yếu bằng những phương tiện tự chế và cái đói hoành hành cũng gần 2 tháng.
Vì không có việc gì làm, nên Trung đoàn bay cho anh em phi công mới về đơn vị đi chống lũ...Với lời thề danh dự của người lính: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua....” Anh em vui vẻ lên đường. Kết quả sau đợt chống lũ đó, tôi được anh em bình bầu là cá nhân xuất sắc, trên tặng giấy khen với nội dung như đã viết ở trên. Tôi sinh ở Vính Linh, Quảng Bình, nơi nắng cháy da, mỗi lần gió Lào về như lửa hun đúc. Lại thêm khó khăn ở vùng chiến sự, nên lao động tay chân đối với tôi cũng đã thấm vào máu thịt, không ngần ngại.
Sau này anh em cùng đoàn bay tôi hy sinh nhiều, ngẫm lại giá những tháng ngày đi lao động chúng tôi được bay đề cao, học tập được kỹ thuật và kinh nghiệm của các lớp phi công đã dầy dạn trận mạc có lẽ tổn thất sẽ ít hơn.
Khi Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc, Đoàn chúng tôi có 23 người trực tiếp tham gia chiên đấu thì chỉ trong một thời gian ngắn đã có 5 - 6 anh em hy sinh. Nhiều anh em phải nhảy dù trong quá trình chiến đấu. Nguyên nhân chính là do trình độ kỹ chiến thuật còn non yếu, giờ bay ít, chưa tích lũy được kinh nghiệm. Thử hỏi một anh phi công mới ra trường, toàn bộ số giờ kể cả thời gian học bay ở Liên Xô mới gần 300 giờ mà phải đối đầu với những thằng phi công trên 1000 giờ bay thì làm sao mà có kết quả tốt đẹp được. Các anh phi công lớp trước đã dầy dạn kinh nghiệm, mặc dù xuất kích nhiều nhưng tỷ lệ hy sinh ít hơn. Theo tôi, đây cũng là bài học sâu sắc cho cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp, để chuẩn bị lớp phi công chiến đấu cho tương lai. Tiền nhân đã dạy, muốn tránh chiến tranh thì phải tích cực chuẩn bị cho chiến tranh.
Tôi muốn gửi gắm những lời tâm huyết với lãnh đạo quân đội hiện nay, chúng ta cần chuẩn bị một lực lượng quân sự hùng hậu, đề phòng bị tập kích một cách bất ngờ. Trong chiến tranh hiện đại ngày nay, lực lượng xung kích sẽ sử dụng không quân, tên lửa, hải quân đánh phủ đầu trên biển. Còn lục quân sẽ sử dụng sau khi đã nắm ưu thế trên biển để cắt đứt đường tiếp vận của ta. Vì thế xây dựng lực lượng không quân hiện đại, tinh nhuệ và số lượng phi công chiến đấu đủ để đánh lâu dài, tiêu hao lực lượng bến cảng, sân bay của đối phương. Nên đa dạng hóa các chủng loại máy bay chiến đấu, nên có cả máy bay của phương Tây, Mỹ để đề phòng mọi bất trắc.
Nói về sự thăng tiến của các thành viên Đoàn bay chúng tôi thì nhiều anh cũng thấy tâm tư. Những lần Đoàn bay tổ chức gập mặt theo lịch trình hàng năm để thăm hỏi nhau, anh em cũng tâm tình với nhau, âu cũng là do cái số, cái mệnh. Đoàn bay chúng mình nhiều anh bắn rơi máy bay, nhiều anh có khả năng, cũng được đào tạo thêm tại Liên Xô, nhưng không có anh nào lên tướng cả. Mặc dù cũng có anh lên tới cấp sư đoàn, Trung Đoàn, là nòng cốt của các đơn vị chủ lực e 921, e 927 có năng lực, trình độ, nhưng hơn cả là đã từng trải qua các cuộc chiến đấu trực tiếp với không quân Mỹ.
So với các anh Đoàn 1,2,3 thì không dám so vì các anh xứng đáng như. Nhưng, các lớp đàn em chúng tôi, khi về nước và về đơn vị, chúng tôi còn phải kèm cặp, cũng đã có nhiều vị lên cấp tướng ở các cấp Quân chủng, cấp Bộ QUỐC PHÒNG với quân hàm Thiếu tưởng, Trung tưởng và có anh lên cấp Thượng tướng. Đoàn chúng tôi (358), có anh thì mới quân hàm Thiếu tá, Trung tá đã nghỉ hưu. Số còn lại cũng phấn đấu kiên cường nhưng rồi chỉ ở những cấp vừa phải. Nhiều anh đeo quân hàm Đại tá 8~10 năm rồi nghỉ hưu ở tuổi 55 - 56.
Cá nhân tôi mang quân hàm Đại tá từ năm 46 tuổi, lại tham gia xuất kích trực tiếp chiến đấu với Mỹ trong những ngày tháng khốc liệt nhất trên bầu trời. Mặc dù không là tướng nhưng tôi cũng luôn cảm thấy vui khi kể lại cho các con, các cháu những những trận chiến đấu mà tôi đã tham gia, những ngày tháng cha ông chúng ngầng cao đầu đánh Mỹ. Chúng tôi luôn cảm thấy vui khí gặp lại các lớp đàn anh hay các lớp phi công sau mình. Họ đều có thiện cảm và trân trọng, đó là điều đáng quý rồi.
Đầu tháng 11-1972, sau khi trực ở sân bay với anh Soát về, ăn cơm xong tôi xách cái xô đi tắm, lúc đó hơn 7 giờ tối rồi. Anh Soát bảo: “Tắm nhanh về, tối nay phi đội tổ chức rút kinh nghiệm”. Anh Soát lúc đó quyền phi đội trưởng, vì anh phi đội trưởng trước đó đánh nhau, nhảy dù phải đi nằm viện điều trị. Tôi vội vàng tắm giặt qua loa, vì lúc đó rất hiếm xà phòng. Tiêu chuẩn phi công hàng tháng vẫn có, nhưng chỉ mươi - mười lăm ngày đã hết sạch, tắm giặt chủ yếu là xà phòng 72%. Theo thói quen, tôi để nguyên quần đùi ướt, tay trái cầm áo may ô, tay phải xách hơn nửa xô nước để sử dụng sáng mai. Về đến chân dốc, theo lối mòn, tôi đi lên cửa hầm số 2 của phi đội, phát hiện có ánh đèn pin đi ngược về phía mình. Khi chỉ còn cách nhau khoảng 3 mét, thì ánh đèn pin chiếu thẳng vào người, và một giọng nói rất quen thuộc “Á Kiền đấy à, đi tắm về hả”. Tôi vội vàng đáp lễ ngay “Ôi chào chính ủy - thủ trưởng đi đâu mà tối thế này”. Ông tiến sát lại gần, tôi rất ngại khi đang ở trong tư thế như thế này. Tôi đang định thanh minh thì ông đã xua tay và nói “không sao”. Ông nói với tôi “Tớ vừa ở trong hầm phi đội ra, bây giờ không vào trong kia nữa”, vừa nói ông vừa mở cặp ra lấy ra một tờ giấy và đưa cho tôi. “Tớ thay mặt Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn, trao quyết định phong quân hàm từ Thiếu úy lên Trung úy cho cậu. Trong thời gian qua, một số anh em phi công trẻ đã có rất nhiều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung đoàn đề nghị phong quân hàm trước niên hạn, chúc mừng cậu, cậu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp theo nhé”. Lúc này thì tôi hơi sửng sốt một tí, vì chuyện đến qua đột ngột. Tôi vội đặt xô nước xuống và hai tay đỡ lấy tờ giấy quyết định. Xong việc, ông đi ngay. Còn mình thì đứng lặng nhìn theo ông và ánh đèn pin đi về phía chiếc xe con đang chờ để đưa ông về Sở chỉ huy.
Tôi bước vào cửa hầm, định đưa tờ quyết định cho anh Soát xem. Nhưng khi đưa tay lên thì chẳng thấy nó đâu cả. Giữa hai ngón tay cái và tay trỏ chỉ còn lại một góc tờ giấy quyết định. Tôi vội vàng quay ra ngoài tìm, thì nhìn thấy nó nằm bên cạnh xô nước mà mình mới xách về. Vì nó là loại giấy poluya rất mỏng được sao in lại từ quyết định chung và được đóng dấu của trung đoàn - nên khi bị thấm nước rất dễ bị rách.
Anh Soát giục tôi “mau thay quần áo đi rồi ra đây”. Tôi chưa kịp đọc quyết định ra sao, mặc vội quần áo bay ra với anh em. Tất cả lính cũ và mới còn lại chỉ vẻn vẹn có 7 - 8 anh, em. Số còn lại thì đang cơ động trực ở các sân bay khác. Một vài trường hợp đang điều trị ở bệnh viện không quân dã chiến chưa về. Nhưng chúng tôi vẫn quây quần xung quanh dãy bàn. Giữa bàn có hai đĩa kẹo và bánh bích quy, thêm ít chai nước chanh. Chắc các anh vừa xuống bếp bay xin và mang lên. Anh Soát tuyên bố lí do chúc mừng số anh em được thăng quân hàm trước niên hạn trong đợt này. Buổi liên hoan tuy giản đơn, nhưng chứa đầy chất lính, tình cảm anh em đồng đội. Trong chiến tranh luôn bên nhau, kề vai sát cánh, chia bùi sẻ ngọt. Đúng 10 giờ tối, tất cả đi nghỉ, để chuẩn bị cho ngày mai trực chiến, chuẩn bị cho những trận không chiến tiếp theo.
Những chuyện trên tuy giản đơn, nhưng đối với tôi, đây là những kỉ niệm mà tôi nhớ mãi trong đời làm phi công chiến đấu của mình.
(Còn nữa)
L.V.K.
Trái tim người lính