Những kỷ vật thời chiến tranh
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), các cựu chiến binh, thương binh huyện Bến Lức đã trao lại những kỷ vật từng gắn bó với mình trong quá trình tham gia kháng chiến cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện Bến Lức. Những kỷ vật góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và một thời chiến đấu oanh liệt của cha ông.
Cặp áo gối trong tù
Dù tuổi đã cao nhưng ký ức về những năm tháng ở “địa ngục trần gian” của bà Phan Thị Lớn (SN 1942, ngụ ấp Phước Tĩnh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn còn nguyên vẹn. Bà Lớn hoạt động cách mạng từ năm 1963 - 1975. Lúc đầu, bà tham gia công tác giao liên ở xã Thanh Phú, từ năm 1964 - 1969, làm y tá của Huyện đội Bến Thủ. Tháng 01/1969, bà bị bắt giam ở nhà tù Long An và tháng 12/1969 bị đưa ra nhà tù Côn Đảo.
Bà Lớn chia sẻ, ngày đó, Chi bộ Đảng trong tù và các đảng viên, những cán bộ kiên trung đã làm nòng cốt đấu tranh đòi quyền lợi thiết yếu cho tù nhân nữ như đòi được cho thăm nuôi, được tiếp tế đồ dùng vệ sinh phụ nữ,... Nhờ đó, những chiếc khăn tay, vỏ gối, kim, chỉ,... được giấu trong đồ tiếp tế từ bên ngoài đưa vào tù. Chị em tự hướng dẫn nhau làm nên những bức tranh thêu.
Ở nhà lao, mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê hương, bà lại lấy vải, kim, chỉ ra thêu. Bà Lớn đã thêu cặp áo gối và quạt tay. Đôi áo gối được bà thêu xuyên suốt trong 3 tháng với những đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, khéo léo. Những họa tiết như dòng chữ “mừng ngày đoàn tụ” và “gia đình hạnh phúc” thể hiện mong muốn hòa bình để về gặp lại gia đình. Ngoài ra, trên đôi áo gối, bà còn thêu căn nhà, khóm trúc, cặp hươu,... thể hiện một niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Cặp áo gối được bà sử dụng đến ngày nay, mặc dù đã phai màu nhưng kỷ niệm mà đôi áo gối để lại còn nguyên vẹn. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bà Lớn đã trao tặng Phòng truyền thống BCHQS huyện Bến Lức.
Ba lô và mũ cối - kỷ vật một thời gắn bó
Ngoài chiếc áo gối của bà Lớn, vừa qua, ông Đặng Phước Nào (SN 1965, ngụ ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) là thương binh hạng 2/4, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Yên cũng tặng Phòng truyền thống BCHQS huyện Bến Lức 1 ba lô và mũ cối. Đây là những kỷ vật đã gắn bó với ông trong suốt quá trình làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.
Chia sẻ về quá trình công tác, ông Nào kể, tháng 3/1984, ông nhập ngũ chiến trường Campuchia, ở đơn vị Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 250, Sư đoàn 309 thuộc mặt trận 479 để làm nhiệm vụ quốc tế. Năm 1987, ông bị thương khi làm nhiệm vụ. Sau khi xuất ngũ, ông trở về chăn nuôi, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình.
Ông Nào kể: “Chiếc ba lô và mũ cối được tôi cất giữ mấy chục năm nay. Những khi nhớ về quá khứ, tôi lại lấy ra xem. Nay được Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh ấp 2, xã Mỹ Yên - Võ Văn Ba vận động, tôi quyết định tặng lại cho Phòng truyền thống BCHQS huyện Bến Lức với mong muốn góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Đó là một điều ý nghĩa nên tôi sẵn sàng tặng lại Phòng truyền thống”.
Sau bao năm gìn giữ, bà Lớn và ông Nào quyết định trao tặng những kỷ vật cho BCHQS huyện Bến Lức lưu giữ để giáo dục truyền thống cách mạng thế hệ trẻ sau này. Trung tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó BCHQS huyện Bến Lức, cho biết, những kỷ vật này rất quý đối với Huyện đội.
Ngày nay, các kỷ vật không còn nhiều, việc thu thập cũng rất khó. Anh mong thế hệ trẻ hiểu được những khó khăn, gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh mà sống có ích và trách nhiệm hơn với cộng đồng, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh./.
Hiện nay, Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức lưu giữ và trưng bày hơn 60 kỷ vật trong 2 cuộc chiến tranh. Đây là kho tàng lịch sử quý báu nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, lực lượng vũ trang, cán bộ, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân Bến Lức về truyền thống đấu tranh bất khuất của đất nước, của dân tộc; đồng thời, tôn vinh, trân trọng những cống hiến của thế hệ cha anh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-ky-vat-thoi-chien-tranh-a139176.html