Những kỳ vọng từ Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh ở ĐBSCL
Chiều 15.11, tỉnh Đồng Tháp có cuộc tọa đàm Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số trong thời đại 4.0 và hội thảo chuyển đổi xanh trong nông nghiệp ở ĐBSCL.
Trọng tâm của tọa đàm và hội thảo là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo. Đây là chủ đề lớn của tỉnh Đồng Tháp trong chuỗi sự kiện "Diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long 2024".
Tại cuộc tọa đàm, khoảng 300 thanh niên, đoàn viên, sinh viên… các tỉnh thành ĐBSCL tham gia. Ở đây các diễn giả là những đoàn viên thanh niên, những lãnh đạo doanh nghiệp trẻ đã có sự khởi nghiệp thành công, có những kinh nghiệm thành-bại sâu sắc về những năm tháng khởi nghiệp; trăn trở trước những khó khăn của bản thân, gia đình.
Ông Nguyễn Thế Tùng, chủ trang trại Queen Farm, Chủ tịch Công ty Công nghệ Of Arm Tech cho biết ông đã khởi nghiệp trong hai lĩnh vực: nông nghiệp và công nghệ số. Với nông nghiệp, ông đầu tư nông nghiệp hiện đại với trang trại 55ha đất trồng sầu riêng ở Tây Nguyên. Trang trại quy mô nhưng chỉ cần 13 người canh tác, quản lý bởi chủ yếu áp dụng khoa học công nghệ. Cây sầu riêng trong trang trại của ông hiện nay đã 4-5 năm tuổi. Vào mùa khô năm 2024, trang trại đã trải qua hạn hán khủng khiếp 6 tháng 9 ngày liền không có mưa. Tuy nhiên, nhờ trang trại áp dụng khoa học công nghệ và quản lý bằng phương pháp khoa học nên cây vẫn có đủ nước để tồn tại qua mùa hạn hán.
Theo ông Tùng, nông nghiệp xanh và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp là hai lĩnh vực gắn bó mật thiết với nhau trong khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Nguyễn Hữu Ân, nhà sáng lập, giám đốc điều hành Công ty TESO cho biết, tuổi trẻ của ông từ vùng quê, lớn lên học phổ thông, những từ ngữ về tin học, công nghệ thông tin là những từ khá xa lạ. Tuy nhiên, cái duyên đã đưa đến, ngày nay ông là Giám đốc Công ty công nghệ số. Tất cả nhờ vào tinh thần học tập, phấn đấu và khởi nghiệp sáng tạo.
Tại cuộc hội thảo Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp ở ĐBSCL có nhiều báo cáo khoa học. Trong đó đáng chú ý nhất là TS Nguyễn Thanh Mỹ với báo cáo "Chuyển đổi kép ở ĐBSCL: Cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp và thủy sản".
Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, ĐBSCL thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Chính vì thế tôm chế biến xuất của vùng này đi thị trường các nước rất lớn, trong đó đáng chú ý là thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, dư lượng kháng sinh và một số vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của vùng ĐBSCL cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Về cây lúa, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp đang là vấn đề thời sự. Theo xu hướng của thế giới, canh tác lúa theo đề án phù hợp với cam kết và tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để đề án có kết quả tốt và được nông dân hưởng ứng là rất quan trọng. Vấn đề khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp hiện nay là vấn đề nóng. Từ phân bón, thuốc trừ sâu, phân hữu cơ và quản lý dịch bệnh theo hướng tận dụng những thiên địch trong tiêu diệt sâu rầy đảm bảo môi trường, đảm bảo lúa gạo an toàn là những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Những bài tham luận tại tọa đàm và hội thảo tập trung vào các vấn đề: Những chính sách về chuyển đổi xanh; thuận lợi và khó khăn đối với thanh niên trong khởi nghiệp, sáng tạo; chuyển đổi số trong nông nghiệp; thách thức đối với nông nghiệp trong chuyển đổi xanh về vốn, khoa học công nghệ và sự manh mún trong ruộng đất của nông dân; thị trường thế giới và những rào cản đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam... Các ý kiến thắc mắc về chính sách, về công nghệ được diễn giả giải đáp thấu đáo tại tọa đàm và hội thảo.
Diễn đàn lần này được kỳ vọng là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực, nỗ lực của cả khu vực công và khu vực tư nhân; là nơi kết nối, hợp tác trong nước, quốc tế; thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh truyền thống của vùng để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp và kinh tế ĐBSCL.
Về khởi nghiệp xanh, hướng đi của nền kinh tế trong tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng: “Chúng tôi thúc đẩy khởi nghiệp không chỉ nói suông mà mở ra nhiều không gian kết nối, hỗ trợ, trực tiếp động viên từ lúc các bạn khởi phát ý tưởng đến lúc hiện thực bằng những mô hình kinh doanh, nghiên cứu. Đồng Tháp mong muốn truyền đi thông điệp mọi người hãy tự tin để vươn lên cùng khởi nghiệp, không ngại, không trông chờ và cũng không chủ quan. Chúng ta đặt niềm tin với nhau, kết nối, cập nhật bối cảnh và diễn biến chính sách, thực tiễn quốc tế, trong nước cho các lãnh đạo và cán bộ tỉnh về xu hướng chuyển đổi xanh - bền vững và những nhiệm vụ, bài toán đặt ra với các địa phương khu vực ĐBSCL”.