Những lá đơn xin... thoát nghèo ở huyện vùng cao Lạng Sơn

Tại huyện vùng cao Đình Lập (Lạng Sơn), có những hộ dân tình nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Lý do của họ vô cùng đơn giản: 'Chúng tôi còn sức lao động, còn cơ hội vươn lên nên… xin nhường sự trợ giúp cho những hộ còn khó khăn hơn mình'.

Người dân bên rừng thông khai thác lấy nhựa tại Lạng Sơn.

Người dân bên rừng thông khai thác lấy nhựa tại Lạng Sơn.

Chúng tôi tìm về huyện vùng cao Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu về cách địa phương này thực hiện các chính sách để giảm nghèo. Lãnh đạo huyện hồ hởi giới thiệu cả đoàn về xã Châu Sơn với… chỉ dẫn: Đây là nơi rất đặc biệt khi hồi năm 2023 có tới gần 20 hộ dân chủ động làm đơn… xin thoát nghèo. Theo các đồng chí lãnh đạo huyện, đó chính là minh chứng sống động, khẳng định chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo đã, đang thực sự được triển khai hiệu quả tới từng người dân, xã, bản.

Đón chúng tôi ở thôn Ke Pặn Ngọn – một trong những điểm xa xôi nhất xã Châu Sơn, anh Dương Kim Thiền không giấu được sự ngượng ngùng khi được hỏi về quyết định… chẳng giống ai của mình.

Chia sẻ với phóng viên, anh Thiền cho biết: “Nhà tôi có một ít đất rừng nhưng lại thiếu vốn để sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao. Thành ra, làm vất vả quanh năm mà vẫn chẳng đủ ăn, cuộc sống rất khó khăn”.

Nhiều hộ dân tại huyện Đình Lập đã có nhà cửa khang trang nhờ rừng thông.

Nhiều hộ dân tại huyện Đình Lập đã có nhà cửa khang trang nhờ rừng thông.

Bước ngoặt đã tới Thiền cách đây 5 năm khi anh được các cán bộ xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn trồng rừng. Suy nghĩ vài đêm, người đàn ông Ke Pặn Ngọn quyết tâm… đánh liều khi mạnh dạn vay 50 triệu đồng để… khởi nghiệp.

Cầm số tiền lớn trong tay, anh và gia đình đầu tư trồng thông trên rừng cũ với diện tích lên tới 4ha. Như một duyên lành, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ sau 4 năm, rừng đã cho thu hoạch, với sản lượng ổn định đạt mức 3-4 tấn nhựa/năm.

Cũng từ đây, gia đình anh Thiền có thu nhập bền vững, trả được nợ cũ và tiết kiệm được một khoản khấm khá để xây nhà, dựng cửa. Tới năm 2023, sau khi cuộc sống được cải thiện cơ bản, Dương Kim Thiền đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.

Người dân huyện Đình Lập chăm sóc vườn thông.

Người dân huyện Đình Lập chăm sóc vườn thông.

Đồng chí Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Sơn cho biết, ngoài hộ anh Dương Kim Thiền, năm 2023, Châu Sơn còn có 9 trường hợp khác viết đơn xin thoát nghèo. Chính quyền địa phương luôn xác định rõ, công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trăn trở phải làm sao để mỗi người dân có ý chí, động lực, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Do đó, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng của địa phương để phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ kịp thời về cây giống, con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, xây dựng các mô hình trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… qua đó hạn chế nguy cơ tái nghèo”, đồng chí Hoàng Văn Hạnh nhấn mạnh.

Những lá đơn xin thoát nghèo đã tạo sự lan tỏa, giúp các hộ nghèo khác dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, từ đó nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của các địa phương.

Những lá đơn xin thoát nghèo đã tạo sự lan tỏa, giúp các hộ nghèo khác dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, từ đó nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của các địa phương.

Riêng năm 2023, toàn huyện Đình Lập có 15 hộ viết đơn xin thoát nghèo, trong đó, 10 hộ thuộc xã Châu Sơn và 5 hộ thuộc xã Thái Bình. Huyện đã tiến hành rà soát, thẩm định để đánh giá, phê duyệt, công nhận các hộ thoát nghèo. Tất cả các lá đơn xin thoát nghèo đều đã được chấp thuận. Hết năm 2023, toàn huyện chỉ còn 267 hộ nghèo, giảm 171 hộ so với năm 2022, vượt 55,4% kế hoạch đề ra.

Chuyện những lá đơn xin… thoát nghèo như tại Đình Lập thực tế không hề hiếm gặp ở Lạng Sơn. Tại Ái Quốc, huyện Lộc Bình, thậm chí ngay từ năm 2019, những lá đơn “tiên phong” đã được gửi đến các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đáng chú ý,

Tại Ái Quốc, xã đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình, thậm chí đây là xã đặc biệt khó khăn với gần 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Ái Quốc có gần 10.000ha đất tự nhiên, trong đó 8.000ha đất lâm nghiệp, hơn 300ha đất nông nghiệp. Phát huy lợi thế tự nhiên, nhiều năm qua, đồng bào Ái Quốc đã đẩy mạnh kinh tế đồi rừng, chú trọng phát triển các mô hình như trồng thông, bạch đàn, keo, cây ăn quả và chăn nuôi.

Người dân xã Ái Quốc làm đơn xin... thoát nghèo.

Người dân xã Ái Quốc làm đơn xin... thoát nghèo.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn thông của gia đình, anh Hoàng Thắng, thôn Quang Khao không giấu được niềm phấn khởi: “Trước năm 2010, gia đình tôi có 5 nhân khẩu, cuộc sống khó khăn vô cùng. Được cán bộ xã, bản tuyên truyền về trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao nhưng phải kiên trì, tận tâm, tôi cùng gia đình đã bàn bạc, vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng diện tích trồng rừng”.

Trong thời gian đó, mỗi khi có thông tin về các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, các chuyến đi học tập kinh nghiệm của huyện, xã, anh Thắng đều tích cực đăng ký tham gia. Đêm về, anh lại chong đèn tham khảo kiến thức từ sách vở, ti vi, mạng Internet… Cũng có những lúc mệt mỏi, hoang mang, nhưng rồi cả gia đình lại động viên nhau, phải cùng cố gắng vì cuộc sống tốt đẹp sau này, để con cái có cuộc sống đầy đủ, đỡ vất vả hơn.

Sự chăm chỉ, cần cù ấy đã được đền đáp. Giờ đây, gia đình anh Thắng đã có 10ha thông, cho thu hoạch từ 5-6 tấn nhựa thông/năm. Đời sống có nhiều cải thiện, lại nghĩ rằng, mình có sức khỏe, phải cố gắng lao động hơn nữa nên năm 2019, gia đình anh Thắng đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng, Ái Quốc đã có hơn 10 hộ làm đơn thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng chuyên canh với hơn 7.000ha rừng thông, 14ha trồng trà hoa vàng… Góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho bà con từ 80-300 triệu đồng/hộ/năm. Hết năm 2023, Ái Quốc chỉ còn 76 hộ nghèo, chiếm 14,9%, giảm tới 8,76% so với năm 2022.

Những lá đơn xin thoát nghèo ở vùng cao Lạng Sơn là một minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả xóa đói, giảm nghèo bền vững khi chính quyền và người dân chung tay cùng hướng tới mục tiêu bền vững. Đây cũng là thông điệp lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chịu thương, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế của bà con, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tạo nên một động lực mới trong hành trình thoát nghèo ngoạn mục của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn...

MỸ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-la-don-xin-thoat-ngheo-o-huyen-vung-cao-lang-son-post854222.html