Những lá thư thời chiến tôn vinh phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, những bức thư thời chiến mà cuốn sách 'Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế' giới thiệu đã góp phần tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

 Cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”

Cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”

Sáng 14/2/2024, tức mùng 5 Tết Giáp Thìn, tại Phố Sách Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Giới thiệu, ra mắt sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế. Đây là tác phẩm được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, hướng tới chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhằm tôn vinh truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam.

Dự sự kiện có bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và đông đảo độc giả.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (thứ 4 từ trái sang) tại buổi giới thiệu, ra mắt sách

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (thứ 4 từ trái sang) tại buổi giới thiệu, ra mắt sách

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo với cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế"

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo với cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế"

Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành. Tác phẩm sưu tầm, tập hợp, giới thiệu tới bạn đọc những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần làm rõ, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Đó là những lá thư thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm những yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư. Những trang thư tràn đầy tâm tư tình cảm, nỗi niềm nhớ thương nhưng vô cùng chân thực và xúc động, thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu của những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc; cũng là nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các mẹ, các chị.

Trong lời tựa cho cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - viết: "Cả trăm bức thư thời chiến mà cuốn sách tuyển chọn và tập hợp được đã góp phần tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, yêu chồng, thương con, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì Tổ quốc. Những dòng thư tay viết vội ấy đã trở thành những dòng hồi ức tồn tại mãi mãi với thời gian, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người đi qua cuộc chiến, góp phần giáo dục học tiếp bước con đường đầy gian nan, thử thách nhưng vô cùng vinh quang của dân tộc".

Lật giở từng trang sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế, độc giả không chỉ thấy những dòng cảm xúc chứa chan, mà còn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được tái hiện qua từng câu chữ. Bao trùm những khó khăn, gian khổ, nỗi buồn mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy phải chịu đựng là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc. Đây chính là những minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Có thể kể đến những bức thư của Nguyễn Thị Ngọc Toản - y sĩ cứu thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ dành cho người yêu được viết trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1973. Những lá thư phản ánh câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống của hai người chiến sĩ trong giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt, họ chưa một lần tách biệt với tình yêu và trách nhiệm với công việc, với Đảng.

Hay như, những bức thư giữa nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ. Mặc dù cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vợ chồng Trần Hoàn - Thanh Hồng mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy, những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tràn ngập mỗi trang thư là nỗi nhớ gia đình, những lời động viên, an ủi và mong gia đình sẽ được sum họp, đoàn tụ.

Hoặc bức thư gửi mẹ của nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần gửi mẹ chỉ 5 ngày trước khi chị cùng 9 đồng đồng đội của mình anh dũng hy sinh trong trận bom ác liệt nơi Ngã ba Đồng Lộc. Dù trong đau thương, mất mát, cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng tinh thần lạc quan, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ vẫn còn sống mãi qua lá thư được viết vội ngay tại chiến trường, trong điều kiện thiếu thốn, không có thời gian và giấy viết để viết nháp, trau chuốt từng câu chữ.

Các diễn giả giao lưu tại buổi giới thiệu, ra mắt sách (từ trái sang): nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng; Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng.

Các diễn giả giao lưu tại buổi giới thiệu, ra mắt sách (từ trái sang): nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng; Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng.

Phát biểu tại buổi giới thiệu ra mắt sách, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật, chia sẻ, thời gian càng lùi xa, những kỷ vật ấy càng nhiều giá trị, đã trở thành kỷ niệm vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc. Ông tin rằng, cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế sẽ là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước, và để mỗi chúng ta hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay.

Tại chương trình, độc giả còn được tham gia giao lưu, chia sẻ cùng 3 vị diễn giả: bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng; nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Các diễn giả đã chia sẻ những thông tin xúc động, thú vị về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến nói riêng và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cũng như giá trị, ý nghĩa của cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thếđối với thế hệ hôm nay, đặc biệt là bạn đọc trẻ.

Song song với bản sách giấy truyền thống, bạn đọc có thể đọc bản điện tử cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế trên trang https://sachquocgia.vn.

P.V

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-la-thu-thoi-chien-ton-vinh-pham-chat-cua-nguoi-phu-nu-viet-nam-20240214123136767.htm