Những lai căng lố bịch
Hãy mở trang youtube mà thử tìm kiếm nội dung 'Beck'stage', có thể bạn sẽ cảm thấy thích thú với những màn đấu rap của các rapper Việt underground trong một cuộc chơi được tài trợ của một hãng bia mới tham gia thị trường được vài năm.
Nếu chỉ dừng ở cuộc chơi đó, có thể chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực với những cuộc đấu rap (rap battle). Nhưng nếu tò mò hơn, đi sâu hơn vào các nội dung liên quan đến đấu rap underground, bạn sẽ thất kinh thực sự khi chứng kiến một bộ phận tuổi trẻ Việt (khoảng từ 15 đến 20 tuổi) đang hào hứng với thứ gì.
Trong sự dẫn dụ của youtube sau khi xem một nội dung đấu rap nào đó, chắc chắn bạn sẽ lần mò tới Dissneeland, một kênh youtube của một đấu trường rap underground ở phía Bắc. Đây là một đấu trường có tiếng của giới trẻ, với mật độ sinh hoạt rất đều cùng các tên tuổi như Phúc Du, Đại Vũ, Hazel…
Và tất cả các nội dung ấy đều tục tĩu một cách kinh khủng. Trong cách chơi chữ để đấu rap của mình, các rapper underground sử dụng mọi ngôn từ mạnh nhất, tục nhất, bậy bạ nhất miễn chỉ để chứng minh mình "chất". Họ dùng cả các từ nặng và cấm kị miêu tả bộ phận sinh dục một cách thản nhiên, thường xuyên và… thích thú.
Thậm chí, ngay cả những rapper nữ trẻ tuổi cũng không ngại dùng lời tục tĩu một cách không ngượng mồm. Điển hình là nội dung có tên "Linh Thộn vs Queen B" mà trong đó, rapper nữ là Queen B. Cô gái này có lẽ nên là rapper ở chợ cá hơn là một rapper underground với cái danh được khoác là "nghệ sỹ".
Thực tế, các cuộc đấu (battle) là một nét văn hóa đặc trưng của giới hip-hop và rapper và nó tồn tại mạnh mẽ như một dòng chảy dồi dào song song với dòng chảy chủ lưu của nhạc rap. Và cái cách dùng ngôn ngữ bẩn thỉu để đấu với nhau cũng là một đặc thù của các cuộc đấu rap. Song, đặc thù đó chủ yếu là của giới rapper Mỹ gốc Phi.
Còn giới rapper Mỹ trắng thì hạn chế sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trong cách đấu rap của mình hơn. Có thể nói, đọc rap tục chính là một bản sắc riêng của giới rapper Mỹ gốc Phi. Chỉ có điều, đa số những rapper nổi tiếng thế giới đều là những người gốc Phi và chính vì cách làm của các thần tượng ấy đã khiến giới rapper trẻ của Việt Nam học theo. Và đó là cách học theo này phải được khẳng định là thứ văn hóa lai căng đầy lố bịch.
Trong một thế giới rộng mở và giao thoa như hôm nay, việc một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân ở một khu vực, một vùng nào đó học hỏi theo một cá nhân, cộng đồng ở một khu vực hay vùng khác là chuyện bình thường. Đây chính là tiếp biến văn hóa và chính nhờ sự tiếp biến này mà văn hóa của nhân loại mới phát triển đa dạng.
Song, tiếp biến khác hẳn với việc copy lố lăng và sao chép một cách thiếu chắt lọc. Văn hóa của người Việt nói riêng, và người Á đông nói chung, là nền nã, ý nhị và dùng ẩn ý nhiều hơn là trực diện. Bởi vậy, nếu thực sự khéo léo để tiếp biến văn hóa rap và đấu rap của thế giới, ngôn ngữ đấu của rap Việt có thể vẫn giữ chất gay gắt, thẳng thắn nhưng không thể nào sử dụng sự tục tĩu để tạo ra cái chất ấy. Song, điều đáng tiếc là rapper Việt lại không đủ nền tảng kiến thức về văn hóa xã hội để có thể hiểu thế nào là tiếp biến có điều chỉnh và sao chép một cách kệch cỡm và lố bịch.
Điều đáng nói là số lượng theo dõi các kênh youtube của các bản rap tục tĩu kiểu này là rất lớn, ít nhất cũng lên tới hàng trăm ngàn lượt xem. Và ngay cả nhãn hàng tài trợ cho cuộc đấu rap công khai cũng không có hạn chế kiểm duyệt với nội dung mà các đấu thủ tham gia sử dụng.
Ví dụ như cuộc đấu rap được nhắc tới ở phần đầu chẳng hạn. Dường như quy định "không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu" chỉ trưng ra để làm màu mà thôi. Trong rất nhiều cuộc đấu, các từ tục tĩu vẫn được văng ra một cách thoải mái như không hề có một hạn chế nào.
Hãy nhớ, lực lượng khán giả chủ yếu của các nội dung này hiện nay chính là cộng đồng hip-hop Việt, ở lứa tuổi "teen". Đây là lứa tuổi dễ học đòi nhất, dễ biến mình thành bản copy của thần tượng nhất. Nếu không có sự kiểm soát và điều chỉnh kịp thời, lực lượng khán giả này rồi sẽ góp phần đẩy dòng chảy "rap tục" mạnh mẽ hơn, và nguy cơ bộ mặt văn hóa trẻ đô thị Việt trở thành bộ mặt lai căng lố bịch, kệch cỡm trong tương lai gần là có thật.
Văn Đoàn
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-lai-cang-lo-bich-578406/