Những lầm tưởng dễ gặp về hôn nhân

Để không bị vỡ mộng khi xây dựng gia đình, cả hai cần tỉnh táo để nhận ra những điều dối trá, ảo tưởng về hôn nhân.

Các cặp vợ chồng trẻ thường cố gắng xây dựng tổ ấm của mình theo những mô hình lý tưởng và họ nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn họ đến hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi câu chuyện tình đều có kết thúc tuyệt vời. Vì vậy, trước khi kết hôn, cả hai cần tỉnh táo để nhận ra những điều dối trá, ảo tưởng về hôn nhân như dưới đây:

1. Kết hôn là hết cô đơn

Khi còn yêu, ai cũng luôn thấy mong nhớ người yêu mình cho dù không gặp mặt có một ngày. Với những cặp đôi, thì việc ở bên nhau chừng ấy thời gian chưa bao giờ là đủ. Họ luôn mong được kết hôn, để có thời gian nhiều hơn bên nửa của mình, hoặc để lấp đầy thời gian cô đơn trước đó.

Tuy nhiên, quan niệm này đã không còn đúng. Bởi khi yêu nhau, ít có thời gian bên nhau, các cặp đôi thường cố gắng nhường nhịn để làm vừa lòng người kia. Chính vì vậy, các tật xấu, thói quen không tốt được che giấu. Chỉ tới khi đã kết hôn, ở cùng nhau, cả hai mới thấy được sự thực được phơi bày và cảm thấy thất vọng về bạn đời của mình. Điều này khiến họ cảm thấy còn cô đơn hơn ngay cả khi đang yêu.

Nhưng kết hôn không phải là chuyện nay thích mai thôi, vì thế, cho dù có thất vọng hay thấy cô đơn thì cả hai nên biết cách thay đổi để mọi chuyện vợ chồng trở nên tốt đẹp nhất.

2. Chồng làm việc còn vợ chăm sóc gia đình

Trong trường hợp này, gia đình thường chỉ bền vững trong những năm đầu tiên. Quên đi công việc và sự nghiệp, người vợ trở thành một bà nội trợ đúng nghĩa. Trong thời gian người phụ nữ còn phải tập trung vào việc nuôi dạy con cái, cô nhận thấy ý nghĩa vai trò của mình. Nhưng khi con cái trưởng thành và bắt đầu cuộc sống độc lập, người phụ nữ sẽ cảm thấy mình là người thừa. Điều này sẽ khiến cô thất vọng, trầm cảm.

Thường người phụ nữ có suy nghĩ như vậy luôn đau khổ vì không tự tin vào chính mình từ trước khi kết hôn. Họ luôn có mặc cảm tự ti.

3. Có thể sex bất cứ khi nào

Trước khi kết hôn, các cặp đôi thường giấu giếm chuyện "vượt quá giới hạn" và chuyện gì càng phải giấu thì càng ham muốn. Bởi vậy mà không ít cặp đôi chỉ muốn nhanh chóng kết hôn để hợp thức hóa "chuyện ấy" hay có thể quan hệ bất cứ lúc nào mà không bị gièm pha, soi mói.

Tuy nhiên, sự ham muốn và tần số sex phụ thuộc vào khả năng tương thích và sự hợp tác từ hai phía. Có những cặp đôi trước khi kết hôn "chuyện ấy" rất hòa hợp nhưng sau khi kết hôn, do nhiều yếu tố tác động làm cho mọi chuyện không như ý nữa, thậm chí cả hai còn không muốn "gần gũi" nhau.

4. Con cái sẽ cứu vãn hôn nhân

Nhiều phụ nữ đã lường trước một điều là hôn nhân không phải màu hồng và những cãi vã, bất đồng, thậm chí ngoại tình, hay suy nghĩ muốn ly hôn... hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy vậy, trong số đó không ít chị em cho rằng tất cả các rắc rối hôn nhân đó hoàn toàn có thể khắc phục nhờ con cái. Vợ chồng có cãi nhau nhưng khi thấy con cái sẽ nín nhịn, hay hàn gắn.

Nhưng trên thực tế, khi một mối quan hệ trở nên bế tắc, con trẻ sẽ trở thành gánh nặng. Cặp vợ chồng không hạnh phúc phải chịu trách nhiệm về số phận của đứa trẻ. Trong trường hợp này, người ta hy vọng rằng sự thay đổi hoàn cảnh bên ngoài sẽ giúp củng cố mối quan hệ gia đình. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng chính xác.

5. Việc nhà là của vợ, đàn ông chỉ lo việc… đàn ông

Những suy nghĩ như thế này thuộc về các ông chồng gia trưởng. Trước kia, những suy nghĩ kiểu này là hợp lý. Thời nay, trách nhiệm trong gia đình được phân chia tùy vào khả năng và nguyện vọng của mỗi người. Ví dụ, chồng có thể thích nấu ăn còn vợ thì đóng đinh, sửa chữa.

Trong các gia đình có nếp sống gia trưởng, những suy nghĩ khác đi sẽ gây nên mâu thuẫn lớn. Ví như người vợ thích tự mình chăm sóc việc nhà, nhưng người chồng lại muốn thuê người giúp việc, người vợ có thể cho rằng chồng chê bai mình. Bên cạnh đó người chồng không biết đóng đinh sẽ bị coi là người chồng tồi.

6 . Những giây phút "ngoài chồng, ngoài vợ" - kẻ thù của cuộc sống gia đình

Thực tế, cơn say nắng nhẹ có thể giúp tăng cường sự gắn bó hôn nhân, làm tăng khả năng ham muốn tình dục của vợ chồng. Mọi việc chỉ tồi tệ đi khi để việc đó đi quá xa. Một chút ghen tuông, nghi ngờ sẽ làm mối quan hệ lứa đôi trở nên tươi mới. Trong mức độ này ý thức về gia đình sẽ kiểm soát được mức độ "say nắng".

7. Chồng/vợ phải là người bạn tốt nhất

Trong trường hợp này, người vợ/chồng sẽ đòi hỏi ở đối phương sự chân thành, hỗ trợ lẫn nhau. Kiểu tư duy này hoàn toàn sai. Trong tình yêu và tình bạn các cơ chế tâm lý hoàn toàn khác. Khi một người mong đợi sự ràng buộc tuyệt đối, họ sẽ cảm thấy mình bị phản bội với bất kỳ tình cảm nào của đối phương dành cho người khác.

Mối quan hệ mang màu sắc tình bạn là đặc trưng của những người trẻ tuổi chưa lập gia đình. Những cố gắng chuyển chúng sang quan hệ gia đình thường thất bại. Ngoài sự hỗ trợ lẫn nhau và tôn trọng, vợ chồng rất cần đến sự chín muồi của cảm xúc yêu đương và lãng mạn.

Ngoài ra, trong gia đình mỗi người lại những suy nghĩ rất riêng của mình. Đôi khi họ nghĩ giống nhau, đôi khi hoàn toàn đối nghịch với nhau. Không có gì là đáng sợ nếu gia đình của các bạn cũng xảy ra trường hợp như vậy. Cùng với thời gian, tự mỗi người sẽ nhận ra sai lầm của mình. Những suy nghĩ linh hoạt sẽ giúp cả hai thay đổi.

8. Có thêm tiền để chi tiêu

Bạn đừng nghĩ khi có gia đình đồng nghĩa với việc có hai nguồn thu nhập thì bạn sẽ không cần lo lắng về tài chính. Khi lập gia đình cùng là lúc người phụ nữ sẽ về làm dâu nhà người khác với những trọng trách và nhiệm vụ mới như: con dâu, chị dâu, em dâu, cháu dâu... và ở bất kỳ cương vị nào bạn cũng phải có một số trách nhiệm nhất định.

Khi yêu, các bạn gái thường thấy "cuộc đời màu hồng" và không hề lường trước những gì mình phải đối mặt khi chính thức làm vợ chồng. Bạn kết hôn không có nghĩa là bạn chỉ lấy anh chàng mà mình yêu mà bạn sẽ phải có trách nhiệm gánh vác gia đình cùng chàng.

Tất nhiên là hai nguồn thu nhập sẽ tốt hơn là thu nhập của mình bạn nhưng lúc này bạn sẽ phải đóng góp nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, thậm chí còn phải chi cả cho những thứ không phải dành cho mình hay chồng mình. Vì thế, bạn đừng nghĩ kết hôn là cách giảm bớt áp lực tài chính mà đây là bài học cho bạn để làm sao cả hai cùng chi tiêu tốt, hợp lý trong cuộc sống gia đình.

Theo Eharmony, Staymarried/Ngoisao

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nhung-lam-tuong-de-gap-ve-hon-nhan-20140311023512470.htm