Những lầm tưởng phổ biến về thẻ Căn cước công dân gắn chip, xem ngay để tránh rắc rối!
Đây là 5 lầm tưởng phổ biến nhất về thẻ Căn cước công dân gắn chip mới. Người dân nên tham khảo ngay để tránh những rắc rối trong thủ tục hành chính, cũng như làm mất thì giờ khi đi làm thẻ.
Toàn dân bắt buộc phải đi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip mới
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định:
- Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
- Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD gắn chip.
Ngoài ra, Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định các trường hợp công dân được cấp lại, đổi thẻ CCCD gồm:
- Thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau đây:
Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được.
Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng.
Xác định lại giới tính, quê quán.
Có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại.
Khi công dân có yêu cầu.
- Thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
Bị mất thẻ Căn cước công dân;
Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Tóm lại, công dân đã được cấp thẻ CCCD, CMND 9 số trước ngày 23/01/2021 thì thẻ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Đồng nghĩa công dân KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI đổi thẻ CCCD mã vạch, CMND 9 số đang còn thời hạn sử dụng sang thẻ CCCD gắn chip.
Làm căn cước có gắn chip mới ở đâu cũng được, không nhất thiết phải về nơi thường trú
Giải thích cho vấn đề này, thực chất vẫn có thể không cần về nơi thường trú để làm CCCD gắn chip nhưng chưa phải bây giờ và cũng như tùy loại thẻ mà bạn đang dùng.
Theo Thông tư 07/2016/TT-BCA, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân, việc cấp CCCD gắn chip hầu hết phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, nếu công dân đã được cấp CCCD hoặc Chứng minh nhân dân 12 số thì thông tin công dân đã được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp này có thể đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp tỉnh ở bất cứ tỉnh, thành nào để làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD. Trường hợp mới được cấp CMND 9 số hoặc chưa từng được cấp CMND/CCCD thì phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm CCCD gắn chip.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD đã đi vào vận hành thì công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý CCCD nào để làm thủ tục cấp CCCD.
Thẻ Căn cước công dân gắn chip mới không an toàn, nếu làm mất thì sẽ bị đánh cắp thông tin
Bộ Công an đã có câu trả lời về bảo mật của thẻ CCCD gắn chip mới như sau:
Chip sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo đảm tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Trên thực tế, chỉ những cơ quan chức năng mới được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng để trích xuất thông tin. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm rằng, nếu như có bị mất Căn cước công dân gắn chip, thì người nhặt được cũng khó có thể đọc được thông tin của người mất mà chip trên thẻ đang lưu giữ.
Khác với chip, mã QR lại dễ dàng có thể quét được, chỉ cần dùng Ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, trên mã QR không chứa đựng quá nhiều thông tin cần “bảo mật” như trên chip.
CCCD có gắn chip sẽ có thời hạn sử dụng đến 15 năm như CMND
Bộ Công an ban hành mẫu thẻ CCCD gắn chip mới căn cứ theo Luật Căn cước công dân 2014, theo đó, tương tự như mẫu thẻ cũ thì tại mặt trước của thẻ vẫn sẽ in trực tiếp thời hạn sử dụng theo nguyên tắc tại Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014:
- Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA và Luật Căn cước công dân 2014:
CMND, CCCD mã vạch đã cấp trước khi địa phương triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Vì vậy, người dân có CMND, CCCD đã cấp theo mẫu cũ nếu chưa hết hạn thì không bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip.
Nhật Linh
Theo TGDĐ