Những lần Apple chậm hơn đối thủ
Dù có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường di động, đôi khi Apple rất chậm chạp trong việc đổi mới công nghệ. Minh chứng rõ nhất là sự tồn tại quá lâu của cổng Lightning trên iPhone.
Kết nối USB-C. Cổng USB-C đã xuất hiện trên thiết bị di động từ năm 2015 nhưng iPhone đến nay vẫn mắc kẹt với Lightning, ra đời vào năm 2012. Điều này có thể vẫn chưa thay đổi cho đến 2024, khi Liên minh châu Âu yêu cầu tất cả thiết bị di động bán ra tại khu vực này phải dùng USB-C. Để chuẩn bị, nhiều khả năng Apple sẽ dùng kết nối USB-C trên thế hệ iPhone ra mắt vào năm sau. Như vậy, họ đã đi sau đối thủ 8 năm. Điều khó hiểu là Apple đã trang bị USB-C cho các thiết bị khác từ rất lâu, gồm MacBook 12 inch vào năm 2015 và dòng iPad Pro từ 2018. Ảnh: Ars Technica.
Công nghệ gộp điểm ảnh. Sau nhiều năm dùng cảm biến 12 MP cho camera chính của iPhone, Apple chuyển sang dùng cảm biến Quad Bayer, độ phân giải vật lý 48 MP với khả năng gộp 4 điểm ảnh thành một, cho bức ảnh nhiều chi tiết hơn. Trước đó, Nokia 808 PureView đã được trang bị camera 41 MP, kế đến là Huawei P20 và Mate 20 vào năm 2018. Huawei P20 Pro lần đầu giới thiệu cảm biến Quad Bayer hoàn toàn mới trên lĩnh vực di động, nhưng mất thêm 4 năm iPhone mới được trang bị công nghệ này. Ảnh: PCMag.
Mạng 5G. Năm 2019, dòng iPhone 11 vẫn sử dụng modem 4G LTE. Phải đến iPhone 12 xuất hiện vào năm tiếp theo, Apple mới trang bị kết nối 5G cho smartphone của họ. Trong khi đó, từ đầu năm 2019, đối thủ lớn nhất của Táo khuyết đã giới thiệu Galaxy S10 5G. Trong vòng 18 tháng Apple chậm chân, hàng loạt nhà sản xuất điện thoại Android liên tiếp tung ra smartphone 5G của họ. Vấn đề cung cấp modem 5G cho Apple cũng gây ồn ào trong một khoảng thời gian. Có thông tin cho rằng giữa Apple và Qualcomm xảy ra tranh chấp về một số bằng sáng chế. Cuối cùng, để giải quyết vấn đề, gã khổng lồ xứ Cupertino đã dàn xếp được hợp đồng với Qualcomm, đẩy bộ phận phát triển 5G của Intel đến bước giải thể. Ảnh: GSM Arena.
Màn hình luôn bật. Apple là công ty tiên phong về tấm nền màn hình LTPO vì họ cần kích hoạt chế độ Always-On Display cho Apple Watch Series 5 vào năm 2019. Tuy nhiên, tính năng tương tự không khả dụng trên iPhone cho đến đầu tháng này, khi iPhone 14 Pro và 14 Pro Max xuất hiện. Trước đây, một số điện thoại phổ thông có thể chuyển màn hình LCD sang chế độ chờ, có thể đọc được thông tin cơ bản nhưng rất tiết kiệm điện. Ngoài ra, nhiều smartphone kỳ lạ như YotaPhone, có màn hình e-Ink luôn bật ở mặt sau. Các đối thủ lớn gồm Samsung, LG cũng có smartphone màn hình luôn bật từ nhiều năm trước. Ảnh: GSM Arena.
Sạc không dây. Tương tự màn hình luôn bật, sạc không dây xuất hiện trên Apple Watch từ năm 2014, nhưng 3 năm sau chiếc iPhone hỗ trợ giao thức này mới có mặt trên thị trường. Trước đó, smartphone đầu tiên có sạc không dây là Palm Pre, ra đời vào năm 2009. Sang 2012, đến lượt Nokia Lumia 920 và Google Nexus 4 có tính năng này. Sau đó, hàng loạt smartphone hỗ trợ sạc không dây ra đời và thống nhất theo chuẩn Qi. Đến 2017, iPhone X có tính năng sạc không dây. Apple hoàn thiện bằng chuẩn MagSafe (bổ sung nam châm để giữ iPhone trên đế sạc) vào năm 2020, trên thế hệ iPhone 12. Ảnh: GSM Arena.
Màn hình khuyết đỉnh. Nhiều người vẫn nghĩ rằng Apple đã phát minh ra kiểu màn hình khuyết đỉnh (notch). Tuy nhiên, thực tế vai trò của Apple là tạo ra trào lưu trên thị trường. Trước khi iPhone X ra đời khoảng 3 tháng, Sharp Aquos S2 và Essential Phone là 2 thiết bị đầu tiên sử dụng kiểu thiết kế màn hình này. Cả 2 đều đưa viền màn hình sát cạnh trên, khoét một lỗ hình bán nguyệt để chứa camera trước. Tầm ảnh hưởng lớn của Apple trên thị trường di động giúp cho màn hình notch trên iPhone X trở thành một trào lưu, song song đó là loại bỏ cảm biến vân tay thay bằng nhận dạng khuôn mặt. Nhiều nhà sản xuất điện thoại Android cũng học theo Apple trong vài năm, trước khi từ bỏ và quay trở lại với cảm biến vân tay dưới màn hình. Ảnh: GSM Arena.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-lan-apple-cham-hon-doi-thu-post1357071.html