Những lần 'chạm mặt tử thần' của 2 ca mắc COVID-19 nặng ở Hà Nội
Bệnh nhân thứ nhất là bác gái bệnh nhân 17 từng 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim, phải can thiệp ECMO do suy hô hấp nặng. Bệnh nhân thứ hai là cụ bà 88 tuổi trải qua khoảng 30 ngày thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Ngoài bệnh nền là xuất huyết não, liệt cứng nửa người trái, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp.
Bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng thứ nhất là bác gái bệnh nhân 17 (64 tuổi, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) hiện đã được cai thở máy, tháo ống thở. Bệnh nhân cũng đã tự thở, tự ăn và liên tục cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho hay, nếu không có gì thay đổi, vài ngày tới bệnh nhân sẽ được công bố khỏi bệnh. Hiện tại, bệnh nhân đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm, sức khỏe đã tốt lên. Bệnh nhân không chỉ ăn, uống được mà còn nói chuyện tốt.
Đây là bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng đầu tiên trong số 271 bệnh nhân COVID-19 phát hiện ở nước ta, thậm chí liên tục trong nhiều tuần điều trị được tiên lượng nguy kịch.
Phát hiện bệnh và vào viện từ nửa đêm 6/3, bác gái bệnh nhân 17 từng được chỉ định thở máy rồi chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) trong vòng 17 ngày (từ 19/3 đến 4/4) do tình trạng suy hô hấp rất nặng. Sau khi vừa cai ECMO được 3 ngày, 1h sáng 8/4 bệnh nhân đã xuất hiện cơn sốc tim, 3 lần ngừng tuần hoàn. May mắn, nhờ giám sát, theo dõi cấp cứu kịp thời của các bác sĩ nên bệnh nhân này đã thoát được "cửa tử".
Đến thời điểm này, đây là bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị lâu nhất ở nước ta, đã gần 2 tháng kể từ khi nhập viện. Trước đó, sau khi vào viện hơn 10 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở máy sau đó do tình trạng suy hô hấp tăng nặng, phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Quá trình chạy ECMO kéo dài từ ngày 19/3 đến 4/4 thì được cai máy, quay trở lại thở máy. Tuy nhiên, đến 1h sáng 8/4, bệnh nhân xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim, may mắn được các bác sĩ theo dõi sát sao, hội chẩn xuyên đêm để cứu thành công bệnh nhân này qua cơn nguy kịch. Thậm chí, có lúc bác sĩ đã "đặt lên bàn cân" xem xét đặt lại ECMO cho bệnh nhân này.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến khả quan hơn, dần dần bỏ thuốc vận mạch, tập cai dần máy thở. Hơn 10 ngày trước, bệnh nhân được đánh giá phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.
Bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng thứ hai là bệnh nhân 161. Đây là cụ bà 88 tuổi, quê Hưng Yên. Bệnh nhân mắc COVID-19 sau thời gian điều trị xuất huyết não tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) hôm 25/3, với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái.
3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, nữ bệnh nhân này phải thở ô xy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó bệnh nhân được chỉ định thở máy.
Đến nay, bệnh nhân COVID-19 nhiều tuổi nhất Việt Nam này đã trải qua khoảng 30 ngày phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Ngoài bệnh nền là xuất huyết não, liệt cứng nửa người trái, bệnh nhân còn phát hiện bị tăng huyết áp.
Hiện bệnh nhân còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua, bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy; Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường; Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm.
Dù không có biểu hiện xuất huyết nhưng chỉ điểm đông máu của bệnh nhân còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước.
Trong cuộc Hội chẩn quốc gia đối với các bệnh nhân nặng mới đây nhất, các chuyên gia hàng đầu về Hồi sức tích cực, cấp cứu, truyền nhiễm... đánh giá bệnh nhân tiên lượng nặng, thống nhất với điều trị hiện tại. Đồng thời, các chuyên gia đề nghị cấy virus nếu kết quả âm tính có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tiếp phục hồi tai biến mạch máu não.