Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 11)
Anh Trường Chinh dặn dò tôi nên tiếp tục nâng cao toàn diện tác phẩm này, nâng cao về nội dung tư tưởng, về hình thức thể hiện sao cho xứng đáng với tầm vóc của chủ đề. Đây là một chủ đề có ý nghĩa rất lớn lao, chỉ xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng oanh liệt của nhân dân miền Nam. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Lê Lam
(tiếp theo)
Ớn chớ cậu, chị nói liền, tụi nó rất đông, quần áo rằn ri từ đầu đến chân, súng đạn đầy người; tên nào tên nấy mặt đỏ ké như gà chọi, có tên đen như nhọ nồi trôn chảo. Trên trời thì trực thăng bay rầm rầm đinh tai, dưới đất xe tăng, xe bọc thép gầm rú ầm ầm, xịt khói đen khói trắng đầy đồng. Làm sao mà không ớn... Nhưng cậu biết không, giận quá, giận sôi lên, vì lúa má hoa màu đã đến ngày thu hoạch, thế mà bầy đàn nhà chúng nó chà lên thì còn gì nữa. Thế là chị vụt đứng lên lúc nào không biết, hai tay khoát thật mạnh lên trời, dập xuống, miệng thì la hét: "Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại!". Lúc đó chị không còn biết ớn là gì, biết chết là gì. Khi thấy chúng nó dừng lại hỏi chị: "Bà kia, làm gì?". Chị trả lời, tay vừa chỉ xuống lúa má, hoa màu vừa nói: "Lúa má, hoa màu, đậu phộng để người ta ăn". Chị chỉ tay vào mồm rồi nói: "Các ông đi xe đè lên thế này thì dân lấy gì mà ăn". Rồi chị phẩy tay ra phía lộ bảo rằng: "Ra phía lộ mà đi, ra phía lộ mà đi". Sau khi đã hiểu qua tên thông ngôn người Việt, tên sĩ quan Mỹ đeo kiếng liền ra lệnh cho bọn chúng lùi lại và đi ra phía lộ....
Anh Trường Chinh nói ngay: "Câu chuyện rất hay, rất đúng lôgic tư duy của con người. Con người khi muốn chống lại một thế lực lớn mạnh hơn mình thì thường e sợ, nhưng khi do một động cơ vì sự tức giận hoặc lòng căm thù thì người ta vùng lên có khi rất liều lĩnh, không biết cái chết là gì... Đó chính là lôgic của bao nhiêu cuộc nổi dậy, khởi nghĩa, cách mạng của loài người".
Anh Trường Chinh dặn dò tôi nên tiếp tục nâng cao toàn diện tác phẩm này, nâng cao về nội dung tư tưởng, về hình thức thể hiện sao cho xứng đáng với tầm vóc của chủ đề. Đây là một chủ đề có ý nghĩa rất lớn lao, chỉ xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng oanh liệt của nhân dân miền Nam.
Khi chuyển sang xem bức sơn mài cỡ lớn "Đường Trường Sơn" diễn tả cảnh tàn phá ác liệt của chiến tranh. Những thân cây bị xé nát, tủa lên trời như những gươm đao, phía xa xa mặt trời đỏ lặn xuống rừng núi Trường Sơn trùng điệp.
Anh Trường Chinh nhìn bức tranh rồi nói: "Hùng vĩ và thơ mộng quá". Tôi nói thêm: "Những người thanh niên xung phong đang đẩy những chiếc xe thồ lên dốc cũng giống như dân tộc ta nhỏ bé nhưng vẫn đang đẩy cuộc kháng chiến đến đỉnh cao thắng lợi".
Tiếp theo, anh Trường Chinh, anh Trần Văn Cẩn, anh Huỳnh Văn Thuận, anh Diệp Minh Châu đều bàn tán xôn xao và sôi động về vấn đề phải sáng tác, dựng nên những tác phẩm có tầm cỡ xứng đáng với lịch sử dân tộc trong mấy chục năm trở lại đây. Chiến tranh mới qua đi được dăm bảy năm, các tác giả vẫn đầy ắp hoài bão sáng tạo, những chứng tích lịch sử chiến tranh, những cảnh tàn phá tan hoang do tội ác của bọn xâm lược gây nên hầu như còn nguyên vẹn. Phải lãnh đạo, tổ chức, đầu tư để làm cho được, đừng để mất thời cơ. Nếu để qua đi trong mươi mười lăm năm nữa thì sẽ là một sai lầm khó bề sửa chữa nổi.
Sau đó, mọi người ngồi vào bàn đàm đạo những vấn đề về sáng tác mỹ thuật, đặc biệt những sáng tác về mỹ thuật thời kháng chiến chống Mỹ là cấp thiết nhất và các họa sĩ ta cũng có nhiều tiềm năng nhất, gây cho mọi người một lòng tin tưởng lạc quan vào tiền đồ mỹ thuật của nước nhà.
Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng việc anh Trường Chinh dặn dò các phóng viên, báo chí và truyền hình đưa tin về cuộc gặp gỡ này.
Một phóng viên vẫn thường đi theo anh Trường Chinh để đưa tin nói cho tôi biết: Đây là cuộc gặp chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm một triển lãm của một cá nhân họa sĩ vì họa sĩ Lê Lam đã được anh Trường Chinh biết đến từ lúc họa sĩ còn là một liên lạc của Trung ương Đảng ở Đông Anh - (An toàn khu) ngoại thành Hà Nội - từ những năm 1944 - 1945.
Tháng 12-1987 - Cuộc gặp lần thứ bảy
Từ cuối năm 1986, anh Trường Chinh đã nghỉ không giữ chức Tổng Bí thư của Đảng nữa. Tôi và gia đình tôi thấy có điều kiện được đến thăm anh và chuyện trò với anh một cách thân tình.
Một buổi sáng tháng 12-1987, tôi, Ngọc Lan vợ tôi, cháu Bạch Dương, cháu Bạch Liên, cháu Quốc Việt đến nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân, tại phòng tiếp khách của anh chỉ khoảng hơn chục mét vuông chỉ có một bức chân dung Bác Hồ treo trên tường. Hôm ấy trời mùa đông nhưng nắng ấm dễ chịu, chúng tôi ngồi đợi vài ba phút rồi thấy anh đi ra từ phòng bên.
Khuôn mặt anh vẫn sáng như xưa nhưng tóc đã bạc nhiều. Anh ôm tôi, các cháu và bắt tay nhà tôi. Anh hỏi thăm sức khỏe mọi người. Chị Trường Chinh lúc đó đem kẹo ra tiếp và chia kẹo cho các cháu. Tôi nói với anh rằng: "Chúng em mừng lắm, biết anh bây giờ rộng thời gian hơn trước nên hôm nay đến thăm anh chị, thấy anh chị vẫn mạnh khỏe là chúng em mừng".
Tôi mở một số tranh đem theo đủ các thể loại để mời anh xem. Một cuộc triển lãm rất thân tình và đầm ấm: tranh được bày ra bàn, xem xong xếp lại rồi bày tiếp những bức khác, thích bức nào có thể dừng lại xem lâu và nói sang các chuyện khác tùy hứng thú rồi lại quay về xem tranh. Khi đã xem hết tranh, anh nói với tôi một cách thân tình mà trang trọng: "Tôi biết chú từ khi chú còn là một chú bé liên lạc, chú bé liên lạc ấy đã trở thành một người được học hành nghề họa đến nơi đến chốn ở trong nước và ở Liên Xô, tôi vẫn nhớ cái đêm trắng ở Lêningrát, tôi đã gặp chú và anh Nguyễn Văn Mươi. Rồi chú lại vào Nam chiến đấu cả chục năm trời. Tôi đã xem tranh của chú nhiều lần. Tranh của chú đã có tiếng vang ở trong nước và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam yêu thích tranh của chú, đó là một phần thưởng lớn đối với người nghệ sĩ. Tranh của chú là tranh hiện thực xã hội chủ nghĩa đấy, tôi không nịnh chú đâu!".
Trong buổi gặp mặt đó, tôi và gia đình tôi có nhã ý tặng anh một tranh khắc đá chân dung của anh nhưng anh từ chối và nói rằng: "Trong phòng này tôi chỉ có thể treo tranh Mác - Lênin, Bác Hồ và không thể thêm một ai khác", vẻ mặt anh thật tươi tắn, thân tình và trang trọng làm cho tôi không thể nói được gì hơn nữa.
Trước khi ra về, gia đình tôi cùng chụp ảnh chung với anh chị để làm kỷ niệm, anh cầm một quyển lịch và nói: "Chỉ có quyển lịch này là đẹp nhất tặng cô chú và các cháu".
Gia đình chúng tôi chẳng ai ngờ rằng đây là lần gặp mặt cuối cùng với anh Trường Chinh vì đến tháng 9 năm 1988 anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng./.