Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 7)
Anh đi xem tiếp các khu vực tranh vẽ về khu Công nghiệp Việt Trì, khu Gang thép Thái Nguyên, các hợp tác xã ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Kiến An, ngoại thành Hà Nội quê tôi; cảnh đẹp ở Hồng Gai, Bãi Cháy, Hải Ninh, Trà Cổ... Anh khen tôi vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau, có những chất liệu anh chưa trông thấy bao giờ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Lê Lam
(tiếp theo)
Anh đi xem tiếp các khu vực tranh vẽ về khu Công nghiệp Việt Trì, khu Gang thép Thái Nguyên, các hợp tác xã ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Kiến An, ngoại thành Hà Nội quê tôi; cảnh đẹp ở Hồng Gai, Bãi Cháy, Hải Ninh, Trà Cổ... Anh khen tôi vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau, có những chất liệu anh chưa trông thấy bao giờ như khắc kẽm, khắc gỗ thớt. Anh tỏ ra thích thú các tranh thuốc nước (aquarelle) của tôi, anh bảo là: Trong trẻo quá. Đặc biệt, anh dừng lại lâu bên bức màu nước tôi vẽ ở Bãi Cháy - Hạ Long: "Long lanh sóng nước Hạ Long", xem, ngắm khi xa khi gần rồi bằng một giọng nói ấm áp nhẹ nhàng anh hỏi:
Chú Lê Lam có biết bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận không?
Dạ, thưa em không biết.
Vậy tôi đọc cho chú nghe:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Tôi lắng nghe những lời thơ, nhưng nói cho đúng là tôi đang ngắm không phải một đồng chí cựu Tổng Bí thư, một Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, mà là một Trường Chinh với tất cả sự mơ màng mê say từng lời, từng chữ trong bài thơ. Đọc hết bài thơ anh nói: "Cái hồi cách mạng chưa thành công tôi vẫn phải qua lại Hà Nội theo các bến đò ngang sông Hồng như Bến Sù, Bến Gạ và bên kia là chợ Bỏi, thôn Nhị, quê chú đấy, có cả một chi bộ đảng gồm các anh thanh niên lái đò rất khỏe mạnh, nhiệt tình, tận tụy. Đò nan ở thôn Nhị to, chắc chắn, an toàn, có thể chở hàng chục người, và có thể qua lại sông Hồng bất kể ngày đêm.
Một hôm, có hai anh chở tôi từ Bến Sù sang bên Võng La, thuyền phải dóng ngược theo bãi sông Hồng đôi bờ xanh ngắt nương dâu. Tôi ngồi trên thang thuyền cạnh cột buồm căng gió, đọc bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận cho các đồng chí ấy nghe... Con thuyền gặp gió nồm rẽ sóng, trời mây non nước thơ mộng làm sao!
Họa sĩ Mai Long lúc ấy cùng đứng với tôi nghe anh Trường Chinh đọc thơ, rất xúc động. Ngay hôm sau đến triển lãm, Mai Long nói với tôi: Hôm qua mình đã đến anh Huy Cận, kể cho anh ấy nghe, anh ấy rất cảm động và rất tha thiết muốn Lê Lam tặng cho anh ấy bức tranh làm kỷ niệm - một kỷ niệm vô giá đấy!
Sau triển lãm tôi đã đề tặng cho anh Huy Cận bức tranh. Thỉnh thoảng gặp tôi anh ấy vẫn nói: "Rất cảm ơn Lê Lam về bức tranh "Sóng nước Hạ Long", mình vẫn đang treo ở nhà!".
Mười bức vẽ về Liên Xô là phần kết thúc của triển lãm. Anh Trường Chinh xem rồi hỏi tôi:
Chú vẽ thiếu nữ, cụ già, em bé Liên Xô, mùa thu vàng, hàng bạch dương trong tuyết trắng đẹp và nhiều tình cảm ở trong tranh, nhưng tại sao lại bầy ít thế?
Thưa anh, nhà triển lãm nhỏ không cho phép bầy nhiều. Tôi ngần ngừ rồi nói tiếp: Em vừa mới ở nước "xét lại" về, anh em bảo cũng nên thận trọng.
Anh cười mủm mỉm rồi cùng dắt tay tôi ra chỗ bàn ghế đã bày sẵn. Anh hỏi tôi về chuyện gia đình, công tác từ khi ở Liên Xô về, việc làm bộ tranh Từ tuyến đầu Tổ quốc, bộ Hồ Xuân Hương, bộ Truyện Kiều... về bộ tranh Truyện Kiều anh Trường Chinh hỏi đi hỏi lại rất kỹ và nói với tôi cố gắng hoàn chỉnh để kịp tham gia Triển lãm kỷ niệm 200 năm Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Anh tỏ vẻ rất vui khi tôi trình bày rằng: Tôi làm 12 bản mà hỏng 11 bản là khi chuyển sang làm bản in kẽm chìm (eau forte + aquateint). Tranh trên giấy có màu sắc thì vẫn nguyên, tôi sẽ xem lại và có thể nâng cao, hoàn chỉnh thêm về mặt màu sắc, như vậy là có thể kịp vào tháng 11 kỷ niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Nhân không khí lúc đó rất thân tình, đầm ấm, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện có liên quan tới Truyện Kiều - minh họa Truyện Kiều do Nhà xuất bản Ngoại văn sẽ ấn hành vào dịp kỷ niệm 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Anh kể rằng: "Một ngày gần đây, có một anh ở Nhà xuất bản Ngoại văn đến xin ý kiến tôi về một vấn đề. Sau khi làm việc xong tôi hỏi anh ấy: Những minh họa Truyện Kiều do Nhà xuất bản Ngoại văn đưa lên cho tôi xem để xin ý kiến cuối cùng, tôi đã xem kỹ và có góp ý kiến một số vấn đề về những minh họa đó. Tôi có đề nghị sửa chữa một số điểm và cho tôi xem lại lần cuối cùng trước khi đưa đi nhà in. Anh ở Nhà xuất bản cho biết là: Những minh họa đó có sự tham gia ý kiến của họa sĩ Trần Văn Cẩn, anh Đặng Thai Mai, và anh Tố Hữu. Các anh ấy nói là được và không có vấn đề gì, vì vậy những minh họa đó vẫn không sửa chữa gì... Việc đó làm cho tôi suy nghĩ, suy nghĩ nhiều. Tôi cho rằng: ông họa sĩ vẽ cô Kiều xấu quá, mặt mày, tóc, áo quần rộng thùng thình, có thể nhét cả con gà vào nách áo và vài quả ổi vào cổ áo, toàn bộ hình thù cô Kiều là cô gái nhà quê, cô gái trung nông... Mà ở đây là "thường thường bậc trung" phải hiểu là thuộc tầng lớp trung lưu, quan lại nhỏ, chứ không thể là trung nông. Cô Kiều là con nhà quan, quý phái chứ không phải là cô gái trung nông... về nhân vật Từ Hải - nhân vật rất quan trọng trong Truyện Kiều. "...Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn vũ rạch đôi sơn hà"... cơ mà, rồi:
"Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Kém gì cô quả, kém gì bá vương!
Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần..."
Đó mới là Từ Hải chứ! Tại sao họa sĩ lại vẽ Từ Hải chít khăn tai chó, như một anh chọc tiết lợn, một tên đồ tể. Tôi cho rằng không thể dựng một hình tượng Từ Hải như vậy.
(còn nữa)