Những làn gió thuận

Đông Nam Á sắp khép lại năm 2019 với nhiều 'làn gió thuận' trong bối cảnh thế giới phải chứng kiến những cơn gió ngược ở một số khu vực.

Không phải quá lời khi gọi 2019 là một năm bầu cử đối với Đông Nam Á. Các cuộc bầu cử đầy kịch tính từ Indonesia, Thái Lan cho tới Philippines đã tạo nên những điểm nhấn cho bức tranh chính trị của khu vực.

Tại Indonesia, cuộc “siêu bầu cử”, đồng thời cũng là một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới, chứng kiến sự rượt đuổi quyết liệt tới tận phút chót giữa hai “kỳ phùng địch thủ” là đương kim Tổng thống Joko Widodo và một cựu tướng lĩnh quân đội có quan hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị Indonesia. Phải tới hơn hai tháng sau đó, khi kết quả chính thức cuối cùng được công bố thì cuộc đua giành “ghế nóng” mới ngã ngũ với chiến thắng một lần nữa gọi tên ông Joko Widodo-vị tổng thống “ngoại đạo” đầu tiên trong lịch sử quốc gia vạn đảo.

Đối với Thái Lan, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên nhằm khôi phục chính quyền dân sự kể từ sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 5 năm cũng đánh dấu lần đầu tiên sau 8 năm cử tri xứ Chùa Vàng mới lại có cơ hội thực hiện quyền công dân của mình sau khi cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2014 bị Tòa án Hiến pháp tuyên vô hiệu. Luật Bầu cử mới giúp hầu như đảng nào tham gia cuộc chạy đua cũng đều “có phần”, nhiều cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu hoặc còn thái độ phân vân chính là những nhân tố khiến cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan vốn từng bị trì hoãn nhiều lần vì nhiều lý do trở nên khó đoán định. Không dừng lại ở đó, việc không đảng nào giành đủ số ghế cần thiết đã đẩy chính trường Thái Lan vào tình thế các đảng phái phải mặc cả quyết liệt với nhau trong nỗ lực hình thành liên minh để lập chính phủ mới theo quy định. Trước khi kết quả cuối cùng xướng tên Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, sự kịch tính còn tiếp diễn cho tới tận phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan hơn hai tháng sau tổng tuyển cử khi các nghị sĩ tranh luận từ sáng tới gần nửa đêm mới bắt đầu bỏ phiếu bầu thủ tướng thứ 30 của xứ Chùa Vàng.

Trong khi đó, tại Philippines, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lại là cuộc sát hạch tín nhiệm đối với vị tổng thống có phong cách chính trị “phi truyền thống” Rodrigo Duterte sau 3 năm cầm quyền. Với Hạ viện chủ yếu gồm các đồng minh, Thượng viện Philippines được xem như là “thành trì” cuối cùng thách thức quyền lực của Tổng thống Rodrigo Duterte. Việc liên minh Đảng Dân chủ Philippines-Quyền lực Nhân dân (PDP-Laban) cầm quyền và Đảng Dân tộc (NP) giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội mang lại cho Tổng thống Rodrigo Duterte sự ủng hộ cần thiết để thông qua những dự luật quan trọng-tiền đề cho kế hoạch cải cách sâu rộng mà nhà lãnh đạo này theo đuổi.

Sau những màn rượt đuổi đầy kịch tính, kết quả 3 cuộc bầu cử tại Indonesia, Thái Lan và Philippines tiếp tục phản ánh sự tín nhiệm của cử tri dành cho các quyết sách trong thời gian qua của những “gương mặt cũ”. Việc “chọn mặt gửi vàng” đối với Tổng thống Joko Widodo, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hay Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đồng thời thể hiện sự kỳ vọng của cử tri vào việc hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng vẫn còn dang dở, từ tầm nhìn “Indonesia tiến lên”, duy trì hòa bình và trật tự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tại Thái Lan cho đến cải tổ toàn diện Hiến pháp, chống tội phạm ma túy không khoan nhượng và trấn áp khủng bố tại Philippines.

Trong năm 2019, những làn gió thuận tại Đông Nam Á không chỉ được thể hiện ở kết quả các cuộc bầu cử nói trên. Đây còn là thời điểm ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tích cực của ASEAN khi tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc của mình, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Cùng với đó, ASEAN và Trung Quốc cũng khẳng định sẽ nỗ lực sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ gia tăng, ASEAN đã cam kết đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ. Với việc thông qua Tài liệu quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm và khả năng chủ động trong những biến động đan xen ở khu vực.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN ký hiệp định thương mại tự do đã đạt được đột phá lớn khi các nước hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn và kết thúc về cơ bản việc đàm phán mở cửa thị trường để hướng tới ký kết hiệp định trong năm 2020. Không chỉ có vậy, quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác còn được tăng cường thêm về chất với việc Mỹ đưa ra sáng kiến “Mạng các điểm xanh” về các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong khi Trung Quốc đề xuất mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 1.000 tỷ USD và đầu tư đạt 150 tỷ USD vào năm 2020…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hành trình một năm qua của Đông Nam Á không chỉ trải đầy hoa hồng do ảnh hưởng từ những cơn gió ngược bên ngoài. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực có xu hướng chậm lại do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Đó còn là nguy cơ bất ổn an ninh khi chủ nghĩa khủng bố “Đông tiến”, vươn “vòi bạch tuộc” sang khu vực Đông Nam Á...

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chừng nào các quốc gia trong khu vực vẫn duy trì đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh, chừng đó một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển sẽ còn vững bền!

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nhung-lan-gio-thuan-605360