Những lần kiss cam 'tóm sống' cảnh ngoại tình gây chấn động

Kiss cam được số đông coi là một kiểu giải trí vui nhộn, nhưng mặt trái của nó liên quan đến quyền riêng tư và sự đồng thuận trong những tình huống khó xử.

CEO công nghệ bị "tóm sống" cảnh ngoại tình với nhân viên cấp dưới bởi kiss cam tại concert của Coldplay đang trở thành câu chuyện gây sốt toàn cầu. Nam chính là người đứng đầu của Astronomer, Andy Byron, và người phụ nữ được ông ôm từ phía sau là Kristin Cabot, giám đốc nhân sự công ty.

Dù chưa chính thức lên tiếng, hai cá nhân đã lập gia đình có hành động thân mật khiến người xem khẳng định họ đang ngoại tình. Vợ của Byron cũng có động thái xóa họ của chồng khỏi tên trên trang cá nhân và khóa tài khoản mạng xã hội sau vụ bê bối của bạn đời nổ ra.

Bryon và Cabot không phải những người duy nhất hoảng hốt khi lọt vào tầm ngắm của kiss cam - hoạt động giải trí phổ biến, khi camera lia xung quanh để "bắt" lấy một cặp đôi, chiếu họ lên màn hình lớn và mong chờ họ trao nhau một nụ hôn hay có hành động lãng mạn.

Trong khi kiss cam vẫn được số đông coi là một kiểu giải trí vui nhộn trong giờ giải lao của các trận đấu thể thao, hoặc ngay thời gian chính của các buổi hòa nhạc, mặt trái của nó cũng được nhiều người bàn luận. Thực tế, không phải khán giả nào cũng thoải mái khi bị hàng chục nghìn người nhìn chằm chằm, bị hối thúc bày tỏ thân mật nơi công cộng khi không sẵn sàng.

Những lần "lia cam" gây xấu hổ

Kiss cam đã trở thành một phần không thể thiếu trong các trận đấu thể thao trong gần 4 thập kỷ. Không ai xác định được nguồn gốc của kiss cam, nhưng màn hình video tại các sân vận động thể thao đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 tại Sân vận động Dodger (Mỹ) và không lâu sau đó, khái niệm này ra đời.

Sự phổ biến của các màn "lia cam" đã tạo ra vô số tình huống khuấy động không khí và cũng đi kèm không ít khoảnh khắc ngượng ngùng, nhất là khi nó phanh phui các vụ ngoại tình.

Tháng 1/2020, trong trận đấu bóng đá giữa Barcelona SC và Delfin ở Ecuador, camera lia tới một cặp đôi đang ôm nhau tình tứ trên khán đài. Anh chàng sắp sửa hôn cô gái, nhưng rồi vội vã gỡ tay cô ra khi phát hiện hình ảnh của hai người đang được chiếu trên màn hình lớn. Khoảnh khắc gượng gạo làm dấy lên tin đồn cả hai ngoại tình, Fox Sports đưa tin.

Anh chàng bị bóc mẽ ngoại tình trên kiss cam. Ảnh: Fox Sports.

Anh chàng bị bóc mẽ ngoại tình trên kiss cam. Ảnh: Fox Sports.

Trước áp lực dư luận, anh chàng tên Deyvi Andrade đã lên Facebook, thừa nhận đã không chung thủy với vợ của mình.

Nhưng phản ứng của Andrade khiến dân mạng càng giận dữ. Anh ta cho rằng mình đang bị chỉ trích quá mức, trong khi nhiều phụ nữ khác nếu bị bóc phốt ngoại tình sẽ không bị chế giễu nhiều như anh.

"Không ai có thể làm hỏng hình ảnh của tôi và những người phụ nữ chỉ trích tôi, tôi biết họ cũng đã lừa dối nhưng họ vẫn bình luận mỉa mai như thế", anh hùng hồn bày tỏ.

Trước đó không lâu, trên kiss cam trong trận hockey giữa đội New York Islanders và đội New Jersey Devils ở Mỹ, một anh chàng đã khiến bạn gái thấy ê chề khi có màn cầu hôn giả.

Máy quay lia quanh đấu trường để tìm kiếm những cặp đôi hạnh phúc, anh chàng nhanh chóng hôn bạn gái khi camera dừng lại ở mình. Sau đó, anh quỳ xuống bằng một chân khiến bạn gái anh hét lên kinh ngạc, nghĩ rằng anh sắp cầu hôn. Nhưng sau khi giả vờ thọc tay vào túi quần, anh lại cúi xuống buộc dây giày và ngồi về chỗ.

Người bạn gái đổi sang vẻ mặt tức giận, giơ tay lên trời vì bất mãn trong khi camera lia sang nơi khác. Dân mạng sục sôi cho rằng đó là màn "kiss cam đáng xấu hổ nhất tuần". "Thế là mối quan hệ của họ kết thúc... trên truyền hình", một người bình luận.

Mặt tối của kiss cam

Trong bài phân tích trên tờ The Ringer, cây viết tự do về thể thao và văn hóa Frankie de la Cretaz, đã bàn luận về mặt trái của kiss cam trong một thế giới đang phát triển - đang có những cuộc thảo luận phức tạp và tinh tế về phân biệt giới tính, quyền tự quyết và sự đồng thuận. Theo tác giả, "những gì có vẻ như là một trò đùa thường lệ trong trận đấu có thể ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn".

Kiss cam không chỉ nhắm vào hai người giống một cặp tình nhân, mà hướng vào cả những đôi bạn cùng giới, cặp khán giả lệch tuổi, hoặc anh chị em ruột. Và dù họ là ai, khán giả đều cổ vũ họ hôn nhau. Đây thực sự là sức ép lớn với người hướng nội, hoặc không thích bày tỏ tình cảm nơi công cộng. Khi từ chối hôn, họ sẽ nhận về phản ứng tiêu cực vì khiến đám đông thất vọng.

 Không phải ai cũng thoải mái khi thành tâm điểm giữa đám đông. Ảnh: Shutterstocks.

Không phải ai cũng thoải mái khi thành tâm điểm giữa đám đông. Ảnh: Shutterstocks.

Cretaz lấy vì dụ về tình huống khó xử của Adam Shprintzen, giáo sư lịch sử Mỹ tại Đại học Marywood ở Scranton, Pennsylvania, khi ông lọt vào kiss cam nhưng với một phụ nữ xa lạ nhiều năm về trước.

Khi đó, ông không biết người ngồi cạnh mình đã phản ứng thế nào, bởi ông không thể nhìn thẳng vào cô ấy. Shprintzen chỉ nhìn thẳng, lắc đầu chờ camera di chuyển sang nơi khác. Ông bối rối xin lỗi người phụ nữ, sợ rằng có thể khiến cô xấu hổ vì không hôn cô trên kiss cam như đám đông kỳ vọng.

Sau 10 năm, Shprintzen không còn nhớ ai thắng, ai thua trong trận đấu. Điều ông nhớ duy nhất là cảm giác bối rối tột độ về tình huống kiss cam. Trong khía cạnh giao tiếp xã hội, sự phấn khích và thúc giục của đám đông khiến nhiều người khó khăn để từ chối hôn, thấy bị ép buộc phải chạm vào người bên cạnh bất kể có quen thân hay không.

Kiss cam có vẻ là một chiêu trò nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa bên trong là một áp lực và thông điệp văn hóa sâu hơn. "Bạn đang tạo ra một tình huống xã hội mà trong đó người ta kỳ vọng phải có sự tiếp xúc - cả đột ngột lẫn công khai", Melissa A. Fabello, một nhà nghiên cứu tình dục học chuyên nghiên cứu cách con người tìm ra ý nghĩa cho những trải nghiệm của họ với sự tiếp xúc, cho biết.

Có thể dễ dàng coi sự khó chịu này là thoáng qua và không có gì to tát, nhưng Fabello nói rằng không phải lúc nào cũng vậy. Khoảnh khắc xấu hổ mà một người có thể nhanh chóng quên lãng có thể lại khiến người khác tổn thương.

"Khi chúng ta cảm thấy bị ép buộc hoặc dụ dỗ phải chạm vào ai đó, ngay cả khi chỉ là để vui vẻ theo cách vô hại, chúng ta cũng có thể cảm thấy không thoải mái", Fabello nhấn mạnh.

 Kiss cam ngày càng phổ biến, nhưng cũng gây ra những tình huống khó chịu. Ảnh: The Ringer.

Kiss cam ngày càng phổ biến, nhưng cũng gây ra những tình huống khó chịu. Ảnh: The Ringer.

Vai trò của kiss cam tại các sự kiện thể thao trải dài từ mục đích giải trí thuần túy đến trả nội dung cho tài trợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa hiện tại, việc xem xét kiss cam từ nhiều góc độ khác nhau là rất quan trọng.

Sức hấp dẫn của Kiss Cam bắt nguồn từ việc mọi người thích nhìn thấy chính mình trên màn ảnh. Marcel Danesi, giáo sư ký hiệu học và nhân chủng học ngôn ngữ tại Đại học Toronto và là tác giả của cuốn The History of the Kiss (tạm dịch: Lịch sử nụ hôn), tin rằng kiss cam xuất hiện do nhu cầu xã hội ngày càng tăng muốn được chú ý.

Ông ví điều này với sự trỗi dậy của cái gọi là "phương tiện truyền thông chú ý", chẳng hạn như các nền tảng mạng xã hội. "Dường như ngày nay, nếu một thứ gì đó không được ghi lại bằng hình ảnh - Snapchat, Instagram... thì nó không có giá trị hay thậm chí là không có thực".

Kiss cam ban đầu được thiết kế để giải trí trong trận đấu - những gì diễn ra trong đấu trường sẽ được giữ nguyên và những người duy nhất nhìn thấy bạn trên màn hình là người có mặt trên khán đài.

Giờ đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội, 10 giây trên màn hình kiss cam trận đấu có thể được hàng triệu người xem. Thậm chí còn có các ứng dụng nhận dạng khuôn mặt được thiết kế để nhận diện người hâm mộ xuất hiện trên camera trong đấu trường.

Một trong những vấn đề của kiss cam là khán giả dường như không có quyền chọn lên sóng hay không lên sóng. Nếu đến sân để trực tiếp xem ngôi sao mình hâm mộ, ai cũng có nguy cơ xuất hiện trên màn hình lớn mà không được hỏi trước.

Thiếu sự đồng thuận từ khán giả có những lần biến kiss cam thành thảm họa. Năm 2015, sự cố tại một trận bóng đá của Đại học Syracuse đã khiến Steve Port phải viết một lá thư phản ánh cho biên tập viên của Syracuse.com.

Port viết rằng một người phụ nữ lắc đầu nói "không" khi cô ấy xuất hiện trên kiss cam, nhưng sau đó bị "không dưới 6 cánh tay từ những ghế xung quanh ấn khuôn mặt không muốn của cô ấy" áp chặt vào khuôn mặt của chàng trai trẻ ngồi bên cạnh.

Port nói với Associated Press vào thời điểm đó rằng ông không bài trừ kiss cam, nhưng ông muốn nếu ra vấn đề nghiêm trọng mà ông chứng kiến. Ông thấy rằng kiss cam dường như đi ngược lại với những cuộc tranh luận về sự đồng thuận và vấn đề bạo lực tình dục. "Ôi Chúa ơi, cô gái này đã nói không và điều đó chẳng quan trọng", ông mô tả.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-lan-kiss-cam-tom-song-canh-ngoai-tinh-gay-chan-dong-post1569615.html