Vào ngày 14/6, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ và tài liệu liên quan cho biết chính phủ nước này đang xem xét thông tin về rò rỉ ở Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Mỹ có động thái trên sau khi Công ty Framatome (Pháp) sở hữu một phần nhà máy và hỗ trợ vận hành đã cảnh báo về “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra” tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn.
Trước sự việc này, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) ra thông cáo vào ngày 13/6 khẳng định “các chỉ dấu môi trường của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và khu vực lân cận là bình thường”. CGN không đề cập đến bất cứ sự cố hay vụ rò rỉ nào tại nhà máy trên.
Trước vụ việc này, người dân thế giới từng lo lắng, bất an khi xuất hiện thông tin rò rỉ phóng xạ tại một số nhà máy điện hạt nhân ở các nước. Cụ thể, vào tháng 6/2020, các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan phát hiện một lượng rất thấp phóng xạ nhân tạo. May mắn là nó không động tới sức khỏe con người và môi trường.
Sau khi thực hiện tính toán nhằm tìm ra nguồn gốc các hạt phóng xạ, Viện nghiên cứu quốc gia về sức khỏe cộng đồng và môi trường của Hà Lan (RIVM) cho hay, các hạt phóng xạ đến từ phía tây nước Nga. Các chuyên gia của RIVM cũng cho rằng, không có quốc gia cụ thể nào được xác định là nguồn gốc của khí lạ trên bầu trời châu Âu.
Trước thông tin này, chính phủ Nga tuyên bố không có sự cố nào được ghi nhận tại nhà máy điện hạt nhân Leningrad và nhà máy điện hạt nhân Kola ở phía tây nước này. Hai nhà máy này đều hoạt động bình thường. Nhờ vậy, công chúng không còn lo lắng, bất an.
Vào tháng 10/2017, Tập đoàn Điện Hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Wolseong tại Đông Nam Hàn Quốc - đưa ra thông báo về việc một trong số các lò phản ứng tại nhà máy điện này bị rò rỉ chất làm nguội và sẽ tạm dừng hoạt động.
Theo thông tin của Tập đoàn Điện Hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc, mặc dù không bị rò rỉ chất phóng xạ nhưng có khoảng 110 kg chất làm nguội bị rò rỉ tại lò phản ứng số 3 trong nhiều ngày.
Sau khi phát hiện sự việc này, Tập đoàn Điện Hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc báo cáo vụ việc tới Ủy ban An toàn Hạt nhân Hàn Quốc.
Theo quy trình xử lý sự cố, đơn vị vận hành bắt đầu giảm công suất của lò phản ứng. Sau khi biết thông tin, một bộ phận dư luận hoang mang, lo lắng. Thông qua việc thông tin về sự cố và cách khắc phục, giới chức trách Hàn Quốc giúp người dân ổn định tâm lý, không còn hoang mang, lo lắng.
Mời độc giả xem video: Vì sao giá điện tăng?. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)