Những lần TikTok bị thế giới phạt
Sự phát triển chóng mặt của TikTok đã mang đến nhiều quan ngại, nghiêm trọng nhất trong số đó là vấn đề liên quan đến thuật toán phân phối tự động của ứng dụng.
Trong buổi họp báo chiều 6/4, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin & Truyền thông đã chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam và kế hoạch kiểm tra, xử lý nền tảng này trong thời gian tới.
Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng từng xử phạt và cấm TikTok hoạt động do những vi phạm tương tự.
Bị cấm ở nhiều nước
Mới đây ngày 4/4, chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm sử dụng cũng như cài đặt TikTok trên tất cả thiết bị sử dụng cho công việc của chính phủ. Nguyên nhân là nước này lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng kéo theo những rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Với quyết định này, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (bao gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ.
Trước đó, kể từ tháng 11/2022, hơn 20 bang tại Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp phát và nhiều đại học cũng chặn TikTok khỏi mạng WiFi trong khuôn viên trường. Ứng dụng này cũng đã bị cấm trên các thiết bị của chính phủ Mỹ được sử dụng bởi Quân đội, thủy quân lục chiến, Không quân và cảnh sát biển.
Lý giải lệnh cấm, phía Washington bày tỏ nghi ngờ ứng dụng này có liên quan đến việc dữ liệu người dùng Mỹ lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.
Hiện tại, TikTok thậm chí còn có nguy cơ bị chặn hoàn toàn tại Mỹ nếu công ty mẹ ByteDance không chịu bán cổ phần. Dù đã có cơ hội xóa bỏ nguy cơ thông qua các phiên điều trần, phần thể hiện của CEO Shou Chew có vẻ như không làm hài lòng các quan chức Mỹ.
Trong gần 5 giờ đồng hồ, các nghị sĩ Mỹ liên tục chất vấn lãnh đạo TikTok về an ninh quốc gia cũng như các vấn đề khác của ứng dụng này tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Chew chỉ có thể bác bỏ các cáo buộc TikTok chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu của Bắc Kinh, nhưng lại không thể trả lời rõ ràng để giải tỏa mối quan ngại của giới lập pháp.
"Thật đáng lo khi CEO TikTok không thể thừa nhận những gì chúng tôi đã biết là đúng. Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok", nghị sĩ McCarthy thuộc đảng Cộng hòa chia sẻ.
Trao đổi với ABC News, Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ Mike Gallagher cho biết: "Thay vì xoa dịu những lo ngại của các nhà lập pháp, sự hiện diện của ông Chew trước Quốc hội lại gia tăng khả năng cấm ứng dụng TikTok".
Trước đó, tại những quốc gia châu Á như Bangladesh, Indonesia hay Ấn Độ, TikTok cũng bị cấm với lý do thu thập thông tin trái phép, nội dung độc hại và gây chết người.
Cụ thể, đầu tháng 7/2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này do chứa nhiều nội dung khiêu dâm và không phù hợp. Giữa tháng 2/2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.
Năm 2020, TikTok đã bị gỡ bỏ trên nền tảng Google Play và App Store ở Ấn Độ do không phù hợp với văn hóa nước này cũng như là nguyên nhân dẫn đến một số cái chết thương tâm.
Thuật toán phân phối độc hại
Theo các chuyên gia tại Bloomberg, trong các vấn đề trên, lý do khiến TikTok bị lên án nhiều nhất vẫn là thuật toán tạo ra xu hướng độc hại, gây nghiện và câu view bằng mọi giá của nó.
Cụ thể, khác với các nền tảng như Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động, thuật toán của TikTok luôn ưu tiên đưa nội dung "câu view, giật tít" lên đầu để tạo thành "trend" (xu hướng). Tuy nhiên, ứng dụng này không có quy chuẩn xét duyệt nội dung chặt chẽ nên một số video phản cảm, không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn được lan truyền rộng rãi.
Hậu quả là những nội dung tiêu cực này gây nhiều ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, và làm giảm giá trị giáo dục của nền tảng.
Ví dụ, vào tháng 7/2022 tại Mỹ, ít nhất 7 trẻ em đã thiệt mạng vì trào lưu Blackout (Thử thách ngạt thở) trên TikTok, trong đó yêu cầu người tham gia thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời.
Còn mới đây nhất tại Anh, chính phủ nước này đã cáo buộc thuật toán của TikTok có xu hướng đẩy nội dung độc hại đến những người dùng trẻ tuổi ngay sau khi họ mở tài khoản.
Để chứng minh điều này, các nhà nghiên cứu đã thử đăng kí một vài tài khoản dưới 13 tuổi và dùng nó để tiếp xúc với nội dung tự làm hại trong vòng 2,5 phút, cũng như nội dung rối loạn ăn uống trong 8 phút.
Kết quả là TikTok ngay lập tức gợi ý những video phổ biến nhất mang nội dung giảm cân và tự hủy hoại bản thân với hình ảnh của người mẫu hoặc kiểu cơ thể lý tưởng, thậm chí cả hình ảnh lưỡi dao và thảo luận về hành động tự sát.
Chúng khiến người xem có cái nhìn méo mó về bản thân, cơ thể và sức khỏe tinh thần của họ. Thậm chí, nếu đổi tên người dùng từ "Sarah" thành "Sarah Lose Weight" (Sarah giảm cân), TikTok sẽ đẩy mạnh nội dung độc hại nhiều hơn gấp 12 lần.
Theo các chuyên gia, thuật toán của Tiktok hiện không chỉ chi phối, "thao túng tâm lý" trẻ em mà ngay cả với người lớn có đầy đủ năng lực tư duy và nhận thức cũng mắc phải cạm bẫy này.
Các định nghĩa, định kiến, thế giới quan của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi nhẹ việc học hành, từ bỏ ý chí phấn đấu và thế giới quan trở nên méo mó hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-lan-tiktok-bi-the-gioi-phat-post1419443.html