Những làng Bahnar trên hồ Ayun Hạ
Bây giờ, những ngôi làng Bahnar trên lòng hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã trở thành những làng chài, làng lúa xanh tươi. Một cuộc sống nguyên sơ giữa rừng xanh trời cao nước biếc mà bất cứ ai cũng mong muốn.
Qua đèo Chư Sê, theo thế đá núi trọc đầu chen lẫn dưới tán rừng khộp uốn lượn như trập trùng những tiểu cảnh non bộ, hồ Ayun Hạ mở ra mênh mang trời nước, núi đá rừng cây... Ngồi trên du thuyền bồng bềnh trôi về hướng Bắc, hai bên bờ hồ, cây đại thụ với thân rễ khúc khuỷu cổ kính chen giữa đá dựng rêu phong như tranh thủy mặc in bóng nước xanh biêng biếc.
Vào sâu, hồ càng mở rộng ra về hai phía, hướng Đông xuống huyện Mang Yang, hướng Bắc lên huyện Chư Sê, làm nên một vùng mênh mông trời nước. Lạ là những dãy núi xung quanh lòng hồ Ayun Hạ đều không có ngọn, nó chạy dài bằng lỳ như nhau, nhìn từ xa cứ như những bờ đê, bờ hồ do bàn tay diệu kỳ nào đó đắp nên. Đã có lần, tôi ngủ qua đêm ở một bán đảo ngay trên mặt hồ, tại một cơ sở kinh doanh nghề cá của ông Trần Anh Kiệt, nghe thấu cái cảm giác động vọng của non xanh nước biếc, tiếng sóng vỗ bờ ì oạp thâu đêm.
Lại nhớ lần đi tìm vết tích của làng D’Lâm, làng Dung Dăng khi các làng này bỗng dưng “biến mất”. Đó là những làng Bahnar cư trú lâu đời ven lưu vực sông Ayun. Khi quy hoạch xây hồ, người dân được bố trí tái định cư tại cánh đồng Ayun Hạ dưới hạ lưu, mỗi hộ được cấp 4.000 m2 ruộng nước để trồng lúa.
Người Bahnar có kiểu làm nhà khác lạ: làm khung mái nhà, lợp tranh toàn bộ 2 mái ngay dưới mặt đất, sau đó chọn mặt bằng đào lỗ chân cột, chôn cột làm khung nhà. Đến công đoạn cuối cùng, cả làng ghé vai chung sức khiêng cả cái mái nhà dưới đất úp lên khung nhà dựng sẵn là xong!
Khi buộc phải rời làng tái định cư theo chủ trương của Nhà nước, bà con chưa tin hẳn câu chuyện làng sẽ bị ngập chìm trong nước. Họ khiêng những cái mái nhà cất vào rừng sâu. Ngôi làng chỉ còn chơ vơ những cái cột giương lên trời như thách thức gió sương, mưa nắng.
Về hạ lưu được mấy năm, phần lạ đất, phần không quen làm ruộng nước, bà con Bahnar đâm ra nhớ làng cũ. Khi lòng hồ Ayun Hạ đã tích ngập nước gần 4.000 ha, già làng cử người về chốn cũ thăm dò tình hình. Thì ra, những cái cột vẫn còn nguyên, mái nhà vẫn còn nguyên, nước chỉ tới mé đồi. Ôi thế thì bí mật “thượng sơn” thôi. Những ngôi nhà ở đồng bằng hạ lưu được lặng lẽ đóng cửa, ruộng lúa được cho thuê, cả làng tự dưng... biến mất!
Phải khá lâu, cán bộ mới phát hiện được sự vắng lặng kỳ lạ ấy. Xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Tôi nằm trong nhóm cán bộ phải đi kiếm tìm những ngôi làng Bahnar ấy và phải trả lời cho bằng được câu hỏi: Những ngôi làng ấy biến đi đâu?
Rất may là tôi quen biết ông Trần Anh Kiệt nên nhờ ông chạy thuyền máy rong ruổi trên hồ suốt một ngày. Thì ra, những làng Bahnar ấy đã cư trú bình yên ở làng cũ bằng cách đơn giản khiêng những mái nhà đặt lên hàng khung cột xưa.
Thuyền ghé về hướng làng D’Lâm. Trước mắt tôi là màu xanh lúa mướt mát trên vùng đất bán ngập đầy phù sa. Một cảm giác no ấm dâng trào. Cập bờ, những đứa trẻ loai choai trần truồng từ trên những thân cây ngập úng trơ cành đồng loạt nhảy ào xuống nước. Cứ như chúng từ trên trời rơi xuống vậy! Nước trong xanh mát lành. Ôi, tuổi thơ ngạt ngào tiên cảnh! Tôi ước ao được sống lại những phút giây trẻ trâu sông nước.
Sự nan giải của các làng lòng hồ là việc học chữ và chữa bệnh. Điện, giao thông cũng cần nhưng chưa phải cấp bách. Nhìn những ngôi làng Bahnar vắt vẻo lưng đồi bên hồ nước mênh mông cô quạnh, tôi cứ liên tưởng đến những người tu tiên cái thời xa lắc nào đó.
Các làng Bahnar không “hạ sơn” nữa. “Dân dĩ thực vi thiên”!
Rồi tới lúc trường học, trạm xá, điện, đường cũng đến với người dân nơi đây. Có lẽ, đó cũng là một cách sống hài hòa đầy tràn hạnh phúc. Vô lo và trong lành! Một cuộc sống nguyên sơ giữa rừng xanh trời cao nước biếc mà bất cứ người thị thành hiện đại nào cũng mong muốn. Bây giờ, những ngôi làng Bahnar trên lòng hồ Ayun Hạ đã trở thành những làng chài, làng lúa xanh tươi.