Những làng quả ngọt
Hà Nội không chỉ có những làng hoa rực rỡ, ở ven đô còn có nhiều làng trồng cây ăn quả đã trở thành thương hiệu. Theo thời gian, quá trình đô thị hóa khiến một số loại cây đặc sản không còn 'đất sống', nhưng ở không ít nơi người dân vẫn nỗ lực gìn giữ những mùa quả ngọt, thậm chí mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu.
Những sản vật nức tiếng Hà thành
Trong dòng chảy ngàn năm lịch sử, bao lớp trầm tích của Thăng Long - Hà Nội được bồi đắp, không thể thiếu tiếng thơm của những làng trồng cây ăn quả nổi tiếng như bưởi Diễn, cam Canh, hồng xiêm Xuân Đỉnh, khế ngọt Bắc Biên, ổi găng Đông Dư...
Người về làng Đông Dư (thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) bây giờ đông lắm, bởi nơi đây được coi là “miệt vườn” của Hà Nội. Khi thì khách tham quan hay sinh viên về chụp ảnh, lúc là thương lái đến cất hàng. Ở xã thuần nông này hiện vẫn còn nhiều người trồng ổi găng, giống ổi cho quả nhỏ nhưng giòn, ngọt, được ưa chuộng từ lâu. Đứng trên triền đê sông Hồng nhìn ra xa là cả một màu xanh ngút ngàn của cây ổi. Gió sông đưa hương ổi chín làm vấn vương những người đi qua, khiến ai cũng phải nấn ná dừng lại mua về thưởng thức thứ đặc sản nức tiếng của vùng đất bãi Hà thành.
Cái duyên trồng ổi đến với làng Đông Dư thật bất ngờ. Các cụ trong làng kể lại, vào năm 1961, một nông dân hay lam hay làm là ông Nguyễn Văn Tẻo sang nhà người quen bên Hưng Yên chơi, được chủ nhà giới thiệu giống ổi ngon, ông Tẻo bèn xin một cành về trồng trong vườn. Ít lâu sau nhà có việc phải dùng đến đất vườn, ông nhổ cây ổi đem trồng vào chỗ khác, cạnh gốc tre. Năm sau cây ra quả, mọi người trong nhà ăn thấy ngon, ông Tẻo bèn chiết cành trồng thêm, vừa lấy quả ăn vừa làm mốc giới đất. Kể lại câu chuyện này, lão nông Nguyễn Văn Dân chia sẻ: “Người dân Đông Dư từ đó nghĩ đến chuyện xin giống ổi của ông Tẻo. Chẳng ngờ giống ổi này sau đó lại có giá trị kinh tế cao”.
Nhiều người dân Đông Dư cho biết, phải đến năm 2000 thì cây ổi mới bắt đầu được mang ra trồng ở đất bãi ngoài đê với mục đích làm hàng rào phân chia đất trồng ngô, trồng rau màu của các hộ gia đình. Nhận thấy cây ổi hợp đất phù sa, quả sai, ngon và giòn, người dân bèn đem bán trên đê cho khách qua đường. Thấy ổi bán được giá, thu nhập gấp mấy lần ngô nên dần dần cả một vùng bãi ngoài đê của Đông Dư trở thành vùng chuyên canh ổi.
Tương tự ổi Đông Dư, từ lâu bưởi Diễn là thương hiệu nổi tiếng miền Bắc, được nhân giống trồng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Làng Đức Diễn (trước đây thuộc xã Phú Diễn, nay tách ra, thuộc hai phường Phú Diễn, Phúc Diễn của quận Bắc Từ Liêm) chính là vùng đất làm nên tên tuổi bưởi Diễn, từ xa xưa đã nổi tiếng với câu ca: “Đức Diễn quê mình người xinh cảnh đẹp/ Bưởi làng mình mát ngọt thơm ngon/ Mỏng cùi, vàng óng, tôm giòn/ Một lần khách nếm chắc còn nhớ lâu”. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, đất đai bị thu hẹp, diện tích trồng bưởi ngày càng ít. Thậm chí ngay ở Hà Nội bây giờ có nơi khác còn chuyên canh bưởi Diễn nhiều hơn cả nơi “khai sinh” và làm nên tên tuổi của nó, đó là xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng). Bưởi Diễn có đặc điểm tép vàng mượt, cùi mỏng, mọng nước, đặc biệt là mùi thơm, vị ngọt mát, thanh thanh.
Để đa dạng giống cây bưởi, ngoài trồng bưởi Diễn, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã liên tục bổ sung giống. Đến nay đã có 10 loại giống và đang khẳng định được thương hiệu như bưởi đường Quý Dương, bưởi cam đường Tích Giang, bưởi đỏ Mê Linh... Hiện đã có nhiều địa phương xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nâng cao chất lượng và giá trị cho trái bưởi trên thị trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, bưởi là một trong những giống cây ăn quả chủ lực ở Thủ đô. Hiện trên địa bàn có 2.706ha trồng bưởi, tập trung tại các huyện Đan Phượng (255ha), Hoài Đức (288ha), Quốc Oai (190ha), Chương Mỹ (224ha), Phúc Thọ (238ha)... So với các cây trồng khác, việc trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, đạt 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Để không còn là ký ức
Thế nhưng, đâu phải sản vật nào của Hà Nội cũng may mắn được gìn giữ, phát triển như ổi Đông Dư hay bưởi Diễn.
“Làng hồng xiêm” Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nức tiếng một thời nay còn rất ít cây hồng xiêm bởi “cơn lốc” đô thị hóa. Tương tự, trước đây nói đến “làng khế ngọt” Bắc Biên (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) là người ta hình dung ra ngôi làng trù phú cạnh sông Hồng bạt ngàn cây khế xum xuê trái ngọt, nhưng hiện nay làng này không còn nhiều diện tích trồng khế.
Theo những người cao tuổi ở Bắc Biên, nghề trồng khế ở đây có từ hơn 60 năm trước. Ông Vũ Mạnh Hùng, chủ nhân của cây khế tổ kể rằng, năm 1958 mẹ ông đi chùa, được sư trụ trì tặng một quả khế. Bà đem về bổ cho cả nhà ăn, ai cũng khen khế ngon, ngọt và nhiều nước. Bà bèn lấy hạt ươm trồng, chỉ sau vài năm đã cho ra những cây khế lúc lỉu quả. Từ đó, khế được chiết cành cho hàng xóm, họ mạc cùng trồng. Giống khế to, ngọt, mọng nước, khi chín thì vàng ruộm đã trở thành đặc sản nổi tiếng làm nên thương hiệu của làng. Người ở nơi khác cũng đến xin giống về trồng. Chả mấy chốc cả mấy xã dọc sông Hồng như Cự Khối, Đông Dư, Bát Tràng... cũng bạt ngàn cây khế. “Bắc Biên giờ đã đô thị hóa, tấc đất tấc vàng nhưng một số gia đình vẫn giữ gìn cây khế để nhắc nhở con cháu về một vùng đất bãi giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, một thời cây khế đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho người dân”, ông Hùng nói.
Trân trọng ký ức làng quê, gia đình ông Đinh Công Minh (tổ dân phố số 9, phường Ngọc Thụy) vẫn giữ được 5 cây khế lớn để mỗi năm con cháu thưởng thức quả ngọt. Ông Minh cho biết: “Bắc Biên gắn với đền Rừng nổi tiếng và đình Phúc Xá xanh rợp bóng cây. Đình Phúc Xá thờ Lý Thường Kiệt và hai danh tướng thời Hai Bà Trưng là vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung. Hiện trong khuôn viên đình vẫn còn những cây khế mấy chục năm tuổi tỏa bóng mát rộng, tạo không gian yên bình”.
Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội trong những năm qua diễn ra mạnh mẽ, nhưng thật may là ở nhiều làng ven đô chính quyền và người dân vẫn có ý thức giữ gìn những vùng quả ngọt. Ông Nguyễn Hữu Nhật, Chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết: “Địa phương vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng sản xuất chuyên canh với 105,4ha trồng cây ổi bốn mùa,sản lượng ước đạt 41 tấn/ha, kết hợp với 12,6ha rau gia vị các loại cho thu nhập cao. Chính quyền và người dân tự hào vì thương hiệu ổi Đông Dư. Cuối năm 2007, ổi Đông Dư đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu nông sản an toàn”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huấn (thôn Đông Dư Thượng, xã Đông Dư) có 75 gốc ổi. Mỗi năm, chi phí đầu tư trồng ổi chưa đến 10 triệu đồng nhưng thu về khoảng 120 triệu đồng. Nhờ trồng ổi mà bà Huấn đã xây được nhà cao tầng khang trang. Gia đình bà là một trong hàng trăm gia đình đã chung tay xây dựng thương hiệu ổi găng Đông Dư, tích cực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Những giống quả từng làm nên thương hiệu của làng ven đô không chỉ là món quà đặc sản của Hà Nội, mà còn là sự kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, vì thế rất cần được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ mai sau.
Theo Báo Hànôịmới
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-lang-qua-ngot-573617.html