Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Về Ngọc Trạo nghe chuyện chiến khu
Tháng 8 vào thu, nghiêng nghiêng vạt nắng vàng rực rỡ, tôi ngược lên hướng Tây về thăm Chiến khu Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) - nơi tên đất, tên làng đã tạc ghi vào lịch sử cách mạng tỉnh Thanh.
Thôn Ngọc Trạo - tên thôn trùng với tên xã đã là điều khiến tôi tò mò ngay từ lần đầu được giới thiệu. Lật giở từng trang địa chí về Ngọc Trạo mới hay, đầu thế kỷ XIX, đồng bào Mường thuộc dòng họ Quách Công từ đất Hòa Bình về đất Ngọc Trạo dựng lều, dựng trại định cư và đặt tên là làng Trại Khậu. Những năm tiếp theo, đồng bào Mường thuộc các dòng họ Tôn, Quách Văn, Bùi cũng từ đất Mường Hòa Bình về đây an cư lạc nghiệp. Sau đó, làng Trại Khậu được đổi tên thành làng Ngọc Trạo. Từ đấy, ngôi làng nhỏ trở thành nơi quần cư, quê hương của đồng bào Mường các dòng họ Tôn, Quách Văn, Quách Công, Bùi.
Thôn Ngọc Trạo tựa lưng vào những dãy núi thoai thoải chạy dài từ Đông Bắc lên Tây Bắc tạo thành vòng cung được ví như thành lũy bảo vệ dân làng. Bởi hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Ngọc Trạo được lựa chọn làm nơi xây dựng căn cứ chiến khu của Thanh Hóa.
Như một việc thường niên, chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông Quách Hữu Thiện, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Trạo lên thăm khu di tích và dâng nén hương thơm tưởng nhớ các chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo đã ngã xuống trong những trận đánh chống lại thực dân Pháp. Vốn là người con của vùng đất Ngọc Trạo nên ông hiểu rõ về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương.
Dưới bóng tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo trang nghiêm, bề thế, ông Thiện bồi hồi kể lại những câu chuyện về “ngọn đuốc cách mạng” giữa vùng rừng núi quê hương. Đầu tháng 6/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chọn xã Ngọc Trạo làm địa điểm xây dựng chiến khu cách mạng của tỉnh nhằm kết nối các căn cứ Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định với Xứ ủy Bắc kỳ. Địa danh Ngọc Trạo gắn liền với những sự kiện lịch sử của tỉnh Thanh Hóa. Đó là đêm 19/9/1941, tại Hang Treo, đội du kích Ngọc Trạo đứng chỉnh tề dưới cờ Đảng chính thức tuyên bố thành lập. Gần 1 tuần sau đó, ngày 25/9/1941, Ban lãnh đạo Chiến khu Ngọc Trạo quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về làng Ngọc Trạo và đóng tại đồi Ma Mầu. Những ngày tháng 10/1941, khi chiến khu bị phong tỏa, quân Pháp đã huy động lực lượng chia thành nhiều mũi đàn áp, khủng bố, tấn công vào Ngọc Trạo, có những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, có những xóm làng đã bị tàn phá.
"Năm 1991, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo và tưởng nhớ, tri ân đối với những đóng góp của chiến sĩ Ngọc Trạo, Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo được xây dựng. Khu di tích được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng ven một ngọn đồi ở phía Bắc của thôn Ngọc Trạo. Khu đất này rộng chừng vài ha, bao quanh toàn là núi và đồi san sát nhau. Trong những năm tháng đấu tranh cách mạng, những ngọn đồi, những hàng cây lớn đã dang tay bao bọc, chở che các chiến sĩ cách mạng kiên trung và dân làng" - ông Thiện cho biết.
Đã 83 năm trôi qua, những dấu ấn của Chiến khu Ngọc Trạo - căn cứ của cách mạng Thanh Hóa thời kỳ tiền khởi nghĩa vẫn luôn đọng sâu trong tâm trí mỗi người dân Ngọc Trạo. Để rồi, cứ mỗi độ mùa thu cách mạng ùa về, những thế hệ như ông Thiện lại say sưa kể cho con cháu về chiến khu xưa, về những năm tháng gian khổ mà anh dũng, kiên cường với niềm tự hào và lòng biết ơn. Nhắc nhớ lại để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết rằng, bao xương máu cha ông đã đổ xuống vì độc lập, tự do và bình yên trên từng tấc đất quê hương.
Ngày nay, Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo được quy hoạch, xây dựng để trở thành một “bảo tàng” ghi dấu về sự ra đời, hoạt động của chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo thời kỳ phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, từ đó, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Khí tiết cách mạng của các chiến sĩ du kích năm xưa dường như thấm đẫm vào đất và người nơi đây, trở thành sức mạnh, động lực để Ngọc Trạo ngày càng vươn lên trên con đường đổi mới. Xen lẫn trong câu chuyện giữa lịch sử và hiện tại, ông Thiện với gương mặt đã hằn lên vết thời gian vẫn luôn tự hào vì được chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới: "Thật khó có thể tin cuộc sống của người dân Ngọc Trạo hôm nay khấm khá như thế này. Ngày xưa, cuộc sống khốn khó đủ đường. Giờ no ấm, đời sống mới, tư duy đổi mới, tiến bộ hơn, giao thông được bê tông hóa và nhựa hóa, các dịch vụ, phương tiện thuận tiện, máy móc giúp người dân được giải phóng sức lao động. Mừng hơn, làng quê ngày càng khang trang hơn, nhất là từ khi “luồng gió” Chương trình xây dựng nông thôn mới “thổi” đến”.
Như để chứng minh lời của Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ, ông Quách Văn Tháp, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Trạo hào hứng dẫn chúng tôi đến thăm công trình nhà văn hóa thôn đang được hoàn thiện. Ông Tháp phấn khởi khoe: Nhà văn hóa này là công trình của thị xã Bỉm Sơn tài trợ, với giá trị 5 tỷ đồng. Đó là đơn vị kết nghĩa với huyện Thạch Thành. Từ công trình “động lực” này đã khơi dậy “lòng dân - sức dân” cho cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới trên quê hương chiến khu Ngọc Trạo. Tại cuộc họp thôn vào đầu năm 2024, hơn 400 hộ dân ở Ngọc Trạo đã bàn bạc, thống nhất đóng góp các khoản thu theo từng vụ lúa để có kinh phí xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, sửa chữa nhà văn hóa, lắp đặt điện chiếu sáng ở các khu dân cư, làm đường hoa... Đến nay, thôn Ngọc Trạo đã huy động được 350 triệu đồng và khởi công xây dựng khuôn viên, công trình phụ trợ, phấn đấu đến tháng 9/2024, nhà văn hóa thôn sẽ được hoàn thành đồng bộ.
“Thôn cũng đã thảo luận và dự kiến chọn ngày 19/9 - ngày thành lập Đội du kích Ngọc Trạo năm xưa là ngày hội của thôn. Đây là một việc làm ý nghĩa để nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của vùng đất Ngọc Trạo anh hùng. Thế hệ cha ông đã sống, chiến đấu, hi sinh trong gian khó mà hào hùng trong những năm tháng chiến tranh; vì vậy thế hệ hôm nay lớn lên trong hòa bình êm ấm cần phải có trách nhiệm để kiến thiết làng quê” - ông Tháp vui vẻ nói.
Cũng như thôn Ngọc Trạo, trong cuộc “cách mạng” xây dựng nông thôn mới ở vùng đất chiến khu, các thôn Ngọc Long, Dọc Dành, Ngọc Thanh, Thiểm Niêm đều đang căng tràn sức sống. Thôn nào cũng có công trình nhà văn hóa đã và đang được xây dựng mới khang trang; 100% các tuyến đường giao thông được bê tông hóa kiên cố. Riêng ở các thôn Ngọc Long và Thiểm Niêm, có 96 hộ dân tự nguyện hiến hơn 5.400m2 đất và công trình các loại để mở rộng đường giao thông.
Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo cho biết: "Phát huy truyền thống chiến khu Ngọc Trạo anh hùng, trong những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Ngọc Trạo luôn đoàn kết, nỗ lực, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, với sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành, từ năm 2020 đến nay, xã đã thu hút được hơn 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nâng cấp hồ đập, kênh mương tưới tiêu... phục vụ đời sống, sản xuất của Nhân dân. Toàn xã có thêm 2,8km đường thôn được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn theo quy hoạch; 100% khu dân cư có điện sáng; 36 camera an ninh được lắp đặt. Hiện nay, Ngọc Trạo đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình nhà hội trường, công sở, sân khấu, khu vui chơi cho người già và trẻ em... để phấn đấu đến tháng 9/2024 “cán đích” nông thôn mới".
Đi liền với đầu tư kiến thiệt hạ tầng nông thôn, Đảng ủy, chính quyền xã đã chú trọng thực hiện tốt nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất để giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập. Theo đó, xã tập trung chỉ đạo, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng các mô hình trang trại, gia trại và chuyển đổi đưa các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã đã có 12,7ha đất sản xuất theo hình thức tích tụ tập trung, với các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp... Từ những hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 32 triệu đồng.
Tôi biết, so với nhiều nơi khác, xã Ngọc Trạo là địa phương không có nhiều thuận lợi trong phát triển. Vì lẽ đó càng khâm phục hơn những con người ở vùng đất chiến khu vẫn kiên trì bám đất, giữ làng, vươn lên từ gian khó. Phát huy truyền thống cách mạng quê hương, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cán bộ và Nhân dân Ngọc Trạo tiếp tục cùng một ý chí, chung một tấm lòng để không ngừng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.