Những lão bà nỗ lực lưu giữ và truyền dạy di sản hát Xoan ở Phú Thọ

Câu lạc bộ (CLB) hát Xoan Lương Sơn (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) có hơn 20 thành viên, người cao tuổi nhất đã ở tuổi 77. Mặc dù còn khó khăn trong việc duy trì, truyền dạy và thực hành hát Xoan nhưng các thành viên vẫn kiên trì đưa Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này tới công chúng.

 Bà Nguyễn Thị Hội (giữa) - Chủ nhiệm CLB hát Xoan Lương Sơn và các thành viên CLB

Bà Nguyễn Thị Hội (giữa) - Chủ nhiệm CLB hát Xoan Lương Sơn và các thành viên CLB

Ở tuổi 68, nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Thị Hội, Chủ nhiệm CLB hát Xoan Lương Sơn, vẫn tích cực học tập, biểu diễn và truyền dạy hát Xoan. Cách đây 12 năm, bà Hội tham gia lớp học về hát Xoan, rồi từ đó miệt mài rèn luyện để nâng cao kỹ thuật hát và kỹ năng biểu diễn. Sau này, bà tham gia múa Xoan, đi tập huấn mở rộng cho các hội viên, các CLB hát Xoan ở địa phương.

Bà Hội (áo vàng) tham gia múa Xoan, đi tập huấn cho các hội viên, các CLB hát Xoan ở địa phương

Bà Hội (áo vàng) tham gia múa Xoan, đi tập huấn cho các hội viên, các CLB hát Xoan ở địa phương

Điều bà Hội thấy buồn nhất là ban đầu có nhiều người yêu thích và tham gia CLB, với hơn 40 thành viên, nay chỉ còn có 20 người và đều là người cao tuổi. Tuy nhiên, các bà, các mẹ vẫn không bỏ cuộc, hằng ngày, hằng tuần vẫn tụ họp sinh hoạt CLB với hy vọng sẽ truyền dạy cho các thế hệ sau thêm yêu làn điệu Xoan.

Yêu Xoan là thế nhưng để có quỹ hoạt động CLB, các thành viên tự đóng một số tiền rồi cho vay, lấy lãi trang trải chi phí sinh hoạt. Mỗi khi được mời đi biểu diễn, các thành viên lại tự bỏ tiền ra để chuẩn bị trang phục, đạo cụ, kịch bản tiết mục…

Các thành viên trong CLB đều là những người cao tuổi, đam mê hát Xoan và mong muốn lưu giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ sau

Các thành viên trong CLB đều là những người cao tuổi, đam mê hát Xoan và mong muốn lưu giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ sau

"Vì đam mê nên chúng tôi vẫn tham gia biểu diễn, truyền dạy nhưng đáng tiếc là không có kinh phí nên không thu hút được các thành viên mới, bởi lớp trẻ bây giờ bận rộn nhiều thứ, nếu tham gia mà phải tự đóng kinh phí thì rất khó", bà Hội tâm sự.

Nhờ những người yêu mến và kiên trì với di sản như bà Hội, mà làn điệu hát Xoan ở Lương Sơn được trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào của người dân Lương Sơn hôm nay.

Bà Hội cho biết, hát Xoan còn gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần. Hát cửa đình là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục; là hình thức nghệ thuật kết hợp đa yếu tố giữa nhạc cụ, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở trung tâm kinh đô Văn Lang thời Vua Hùng dựng nước, sau đó lan tỏa tới các vùng lân cận, trong đó có xã Lương Sơn.

"Tham gia CLB hát Xoan giúp chúng tôi có thêm niềm vui lúc tuổi già. Dù tuổi đã cao nhưng các cụ vẫn hăng say luyện tập và trình diễn các bài hát Xoan cổ do các tiền bối để lại. Để làn điệu không bị thất truyền, tôi và các thành viên trong CLB thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi truyền dạy lại các giai điệu, bài hát Xoan cho các con, cháu trong gia đình", bà Hội kể.

CLB hát Xoan xã Lương Sơn tham gia rất tích cực các chương trình giao lưu văn hóa ở xã, ở huyện

CLB hát Xoan xã Lương Sơn tham gia rất tích cực các chương trình giao lưu văn hóa ở xã, ở huyện

Chị Hà Thị Hồng Hạ, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cho biết, hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Trong nhiều năm qua, để bảo tồn và lưu giữ di sản, các nghệ nhân từ các CLB sinh hoạt thường xuyên, bằng sự nhiệt huyết và đam mê văn hóa hát - múa Xoan, các nghệ nhân đã không ngại khó khăn để duy trì sinh hoạt. Đặc biệt, các nghệ nhân, hạt nhân hát Xoan ở Lương Sơn chủ yếu là người dân tộc Mường.

Vừa qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền hát - múa Xoan đến với bà con nhân dân, cử ra các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm tham gia các lớp tập huấn do các phòng ban cấp trên tổ chức. CLB hát Xoan xã Lương Sơn tham gia rất tích cực các chương trình giao lưu văn hóa ở xã, ở huyện.

Chị Hà Thị Hồng Hạ, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Chị Hà Thị Hồng Hạ, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Tuy nhiên, hiện nay làn điệu hát Xoan ở Lương Sơn đang dần mai một do các nghệ nhân đều cao tuổi, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn do giới trẻ không còn mặn mà với các làn điệu dân ca truyền thống. Hiện CLB hát Xoan Lương Sơn chỉ còn 20 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi, có cụ năm nay đã hơn 70 tuổi.

Nỗ lực duy trì và bảo tồn, phát triển văn hóa hát Xoan, chị Hồng Hạ cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân, các ngành đoàn thể xã tiếp tục tuyên truyền hát Xoan đến với mọi người dân. Phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy hát Xoan cho các đối tượng là thanh thiếu niên trên địa bàn. Đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho văn hóa hát Xoan.

Clip: CLB hát Xoan Lương Sơn (Phú Thọ)

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-lao-ba-no-luc-luu-giu-va-truyen-day-di-san-hat-xoan-o-phu-tho-20240517164604717.htm