Những laptop có thiết kế kỳ quặc nhất
Bên cạnh thiết kế truyền thống, nhiều mẫu laptop được ra mắt với ngoại hình độc đáo, song không phải thiết bị nào cũng thành công.
Được ra mắt năm 1995, IBM ThinkPad 701 nổi bật với kích thước nhỏ gọn và bàn phím “cánh bướm”. Khi người dùng mở laptop, bàn phím sẽ tách ra theo góc chéo, nửa bên phải hạ xuống rồi ghép với bên trái để tạo thành bàn phím kích thước đầy đủ. Thiết bị đạt nhiều giải thưởng thiết kế vào thời điểm đó, nhưng bị dừng sản xuất ngay cuối năm 1995 với sự ra đời của các mẫu laptop kích thước lớn, chứa vừa bàn phím cỡ đầy đủ mà không cần cơ chế gấp gọn. Ảnh: LenovoBlog.
Để tiết kiệm không gian, touchpad của HP OmniBook 800CT được giấu vào cạnh phải, sẽ bật ra khi người dùng nhấn vào. Theo Gizmodo, kết nối không dây chưa phổ biến vào năm 1996 nên HP vẫn trang bị dây cáp để kết nối touchpad với laptop. Thiết kế này tiếp tục được công ty duy trì trên một số model khác. Ảnh: Reddit.
Ý tưởng lắp ghép module để bổ sung tính năng đã tạo ra nhiều thiết bị thú vị, trong đó có Via NanoBook. Kế bên màn hình 7 inch của chiếc netbook (laptop siêu nhỏ) là khe cắm phụ kiện MobilityPLUS Module, hỗ trợ gắn đồng hồ báo thức, GPU, adapter 3G hoặc điện thoại VoIP. Do ra mắt cùng năm với iPhone (2007), không ngạc nhiên khi Via NanoBook nhanh chóng thất bại. Ảnh: Wikimedia Commons.
Laptop 3D từng tồn tại trong thời gian ngắn trước khi chịu chung số phận với TV 3D. Các hãng Dell, MSI, Sony, HP hay Asus đều thử nghiệm laptop 3D với nền tảng 3D Vision của NVIDIA. Tuy nhiên, chúng không giải quyết vấn đề khi người dùng vẫn phải đeo kính, cần mua phụ kiện với giá trên 100 USD để sử dụng tính năng. Ngoài ra, lượng game và đĩa phim 3D ít ỏi, hiệu năng khi chơi game 3D bị giảm khiến laptop 3D không được đón nhận. Ảnh: EBG.
Ra mắt năm 2009, Lenovo ThinkPad 700ds trang bị 2 màn hình, trong đó màn hình chính 17 inch. Người dùng có thể kéo màn hình phụ 10,6 inch bên phải nếu muốn mở rộng không gian làm việc. Ngoài trang bị 2 màn hình, thiết bị còn tích hợp bộ chỉnh màu Pantone và bản vẽ Wacom, phù hợp cho các nhà thiết kế đồ họa. Những tiện ích kèm theo khiến ThinkPad 700ds khá cồng kềnh với khối lượng 5 kg, dày 53,3 mm. Ảnh: Reddit.
Thay vì dùng bản lề gập để biến thành tablet, Asus Taichi được tích hợp màn hình bên ngoài. Do đó, người dùng có thể chuyển sang chế độ tablet khi đóng nắp mà vẫn giữ kiểu dáng máy tính truyền thống. Tuy nhiên, việc phải “gánh” 2 màn hình khiến thời lượng pin của Taichi rất kém. Công ty có trụ sở ở Đài Loan đã loại bỏ thiết kế laptop 2 màn hình trong nhiều năm trước khi mang trở lại lên ZenBook Pro Duo, với màn hình thứ 2 nằm phía trên bàn phím. Ảnh: The Verge.
Năm 2016, Asus gây chú ý khi ra mắt ROG GX700, laptop chơi game với buồng tản nhiệt nước. Hệ thống này sử dụng van tùy chỉnh để bơm chất lỏng vào laptop, dẫn lại vào buồng rồi tản ra ngoài bằng két làm mát (radiator) kích thước 92 mm. Với công suất tản nhiệt 500 W, hiệu năng chơi game trên thiết bị được tăng 20%, trong khi nhiệt độ CPU và GPU giảm 30%. Tuy nhiên, người dùng phải đánh đổi sức nặng khi tổng khối lượng (laptop và buồng tản nhiệt) lên đến hơn 4,5 kg. Ảnh: TechRadar.
Acer Iconia 6120 trang bị màn hình cảm ứng 14 inch bên dưới, thay thế bàn phím và touchpad truyền thống. Nhờ tính linh hoạt của màn hình cảm ứng, người dùng có thể chuyển giữa chế độ gõ phím hoặc viết tay, nhấn phím tắt để kích hoạt phần mềm hoặc website ưa thích. Một số điểm trừ của màn hình như độ trễ cao, dễ chói sáng, bề mặt phẳng khiến người dùng không thể cảm nhận khi gõ phím. Ảnh: The Verge.
Laptop 2-trong-1 không phải thiết kế mới, tuy nhiên Dell XPS 12 mang đến cách tiếp cận khác biệt. Thay vì bản lề xoay 360 độ, thiết bị sử dụng màn hình gắn vào trục ngang, có thể tách khỏi khung để chỉnh góc dựa trên tư thế sử dụng cần thiết. Tuy nhiên với xu hướng viền màn hình mỏng, thiết kế khung dày như Dell XPS 12 không được ưa chuộng. Ảnh: The Verge.
Asus ROG Mothership nằm giữa ranh giới của laptop với máy tính để bàn. Tất cả linh kiện của thiết bị nằm phía sau màn hình 17 inch, trong khi bàn phím có thể gắn hoặc tách khỏi thân máy. Sản phẩm có cấu hình mạnh vào năm 2019, tuy nhiên kích thước cồng kềnh và giá bán đắt (6.000 USD) khiến Mothership không phải lựa chọn tối ưu cho mọi người. Ảnh: Tom's Hardware.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-laptop-co-thiet-ke-ky-quac-post1401510.html