Những lỗ hổng địa - chính trị ngày càng trầm trọng của Trung Quốc
Có một thực tế đáng sợ mà Trung Quốc đang phải đối mặt: Mất bạn bè ngay lúc cần tới họ nhất.
Đó là nhận định của học giả Mỹ gốc Trung Quốc Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) trong bài viết mang tựa đề “Những lỗ hổng địa chính trị ngày càng trầm trọng của Trung Quốc” trên Project Syndicate (*).
Ông Pei cho rằng, việc Anh cấm Huawei tham gia mạng 5G của họ sẽ giáng một đòn đau vào Trung Quốc. Cho đến gần đây, Trung Quốc vẫn đang tin tưởng Anh sẽ tuân theo quyết định trước đó là cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cung cấp thiết bị không phải là phần cốt lõi cho mạng lưới 5G của Anh.
Nhưng hai diễn tiến gần đây đã khiến quyết định đó không thể tồn tại.
Đầu tiên là sự leo thang của Mỹ trong cuộc chiến với Huawei. Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt mới vào tháng 5 cấm các nhà cung cấp sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp chất bán dẫn cho Huawei. Vì công nghệ Mỹ được sử dụng để sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến mà các sản phẩm của Huawei, bao gồm các trạm gốc 5G, cần đến, nên nguồn cung của công ty bị cắt sẽ khiến việc sản xuất thiết bị 5G trong tương lai gần như không thể.
Viễn cảnh một nhà cung cấp chính của mạng 5G nước Anh không còn có thể xây dựng và duy trì hệ thống của mình là mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều so với nguy cơ bị Trung Quốc “rình mò”. Không chính phủ có trách nhiệm nào chấp nhận một rủi ro như vậy. Vì vậy, những ngày của Huawei, được tính từng ngày sau khi chính phủ Mỹ “ra tay kết liễu” vào tháng Năm vừa qua. Câu hỏi duy nhất là khi nào thì Thủ tướng Boris Johnson nói với Chủ tịch Tập Cận Bình tin xấu.
Diễn tiến thứ hai, giúp ông Johnson dễ dàng hơn trong việc chấp nhận cấm Huawei, là Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Đạo luật này, được đề xuất vào cuối tháng 5 và được thông qua vào ngày 30 tháng 6, thực tế đã chấm dứt tình trạng tự trị của vùng thuộc địa cũ của Anh.
Từ quan điểm của Anh, hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm trắng trợn Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, trong đó bao gồm việc Trung Quốc cam kết tôn trọng, bảo vệ hệ thống pháp lý và quyền tự do dân sự của thành phố trong 50 năm sau khi được trả cho Trung Quốc năm 1997.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ rằng Anh quá yếu để chống trả. Rõ ràng, họ đã sai. Anh đã quyết định có lập trường về Hồng Kông và Huawei là một mục tiêu dễ dàng và rõ ràng.
Trung Quốc có thể buộc phải đánh trả, và dường như có rất nhiều đòn bẩy. Họ có thể siết chặt các công ty của Anh làm kinh doanh tại Trung Quốc. Ví dụ, gã khổng lồ ngân hàng HSBC của Anh đặc biệt dễ bị bắt nạt, bởi vì hoạt động tại Hồng Kông chiếm hơn một nửa lợi nhuận và một phần ba doanh thu. Trung Quốc cũng có thể muốn cắt giảm các giao dịch tài chính mà họ thực hiện thông qua London và giảm số lượng sinh viên Trung Quốc mà họ gửi đến các trường cao đẳng và đại học Anh.
Nhưng các biện pháp trả đũa như vậy, dù rất lôi cuốn, cuối cùng sẽ phản tác dụng. Đuổi HSBC khỏi Hồng Kông chắc chắn sẽ hủy hoại thành phố với vai trò trung tâm tài chính toàn cầu, bởi vì Trung Quốc sẽ không thể tìm được một ngân hàng toàn cầu khác để đảm nhận vai trò quan trọng đó. Với những căng thẳng leo thang xoáy trôn ốc giữa Mỹ và Trung Quốc, thật khó tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Citi hay JPMorgan Chase (hai tập đoàn tài chính- ngân hàng lớn của Mỹ-PV) kế nhiệm HSBC.
Tương tự như vậy, hạn chế học tập tại Anh sẽ làm tổn thương Trung Quốc nhiều hơn. Hiện tại, khoảng 120.000 người Trung Quốc học tại Anh. Thách thức đối với Trung Quốc là có rất ít lựa chọn thay thế tốt nếu họ muốn gửi sinh viên đi nơi khác. Mỹ đang xem xét hạn chế sinh viên Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Trung Quốc đã đe dọa Úc rằng họ sẽ giảm số lượng khách du lịch và sinh viên Trung Quốc vào Úc.
Các trường đại học Canada, hiện có khoảng 140.000 sinh viên Trung Quốc, có công suất hạn chế. Với việc Trung Quốc và Canada bị lôi kéo vào một cuộc đối thoại ngoại giao về việc dẫn độ sang Mỹ, giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, không có khả năng Trung Quốc sẽ gửi thêm sinh viên đến đó.
Điều này chỉ minh họa cho thực tế đáng sợ mà Bắc Kinh đang phải đối mặt: Trung Quốc nhanh chóng mất bạn bè ngay khi cần họ nhất. Chỉ trong vài tháng qua, mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ đã bị giáng một đòn tàn phá sau cuộc đụng độ biên giới đẫm máu khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ (và một số lượng binh sĩ Trung Quốc không xác định) thiệt mạng.
Để trừng phạt Úc vì dám kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc đã áp thuế đối với lúa mạch Úc và đe dọa các biện pháp trừng phạt khác.
Vào ngày 14 tháng 7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản gần đây bằng ngôn ngữ khắc nghiệt khác thường, làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ mà ông Tập đã cố gắng xây dựng với Thủ tướng Shinzo Abe.
(*)Quan điểm trong bài là của học giả Bùi Mẫn Hân, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.