Những lo lắng khi bệnh viện tự quyết trong xây dựng bảng giá dịch vụ
CLO) Đứng trước thông tin giá dịch vụ tại các bệnh viện công có thể thu lên tới 4 triệu đồng/ngày đã khiến nhiều người dân lo lắng, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo về vấn đề này.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) phát biểu trong buổi họp báo.
Tự quyết giá nhưng phải đúng quy định
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, thực tế hiện nay nhu cầu khám, chữa bệnh của người Việt Nam ngày càng cao. Đặc biệt là số người có nhu cầu khám, chữa bệnh ở nước ngoài ngày một nhiều.
Theo đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại Việt Nam càng cần được quan tâm hơn bao giờ hết để đáp ứng quá trình xã hội hóa và hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, đứng trước thông tin về Nghị định 117 và Nghị định 149 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giá đã quy định, Bộ Y tế ban hành khung giá đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, với những mức giá không khỏi khiến cho người dân "giật mình".
Thay mặt Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, việc ban hành khung giá đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công dựa trên nhu cầu thực tế của người dân về khám chữa bệnh.
"Mức giá do Bộ Y tế ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại bệnh viện, các loại dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương theo một trong 2 phương án xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn.
Cụ thể, đơn vị xây dựng định mức, tính toán chi phí để quyết định mức giá hoặc và so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định giá", ông Liên cho biết thêm.
Cụ thể, các bệnh viện có dịch vụ theo yêu cầu thì phải xây dựng giá của dịch vụ dựa trên các yếu tố như sau: Thứ nhất là chi phí về vật tư, hóa chất, các công cụ phục vụ cho người bệnh như găng tay, quần áo, giầy dép,...
Thứ hai là chi phí tiền lương trả cho các cán bộ phục vụ cho dịch vụ theo yêu cầu ứng với từng nhu cầu của người dân, sẽ có rất nhiều loại giường khác nhau như giường chăm sóc 24/24h, giường yêu cầu điều dưỡng phục vụ chăm sóc các công việc cá nhân hay loại giường bệnh 1 điều dưỡng có thể chăm sóc 2 -3 người dân...
Tùy vào từng loại dịch vụ, bệnh viện sẽ phải tính tiền lương cho cán bộ y tế cho phù hợp, chuẩn đoán của bác sĩ và các dịch vụ kèm theo.
Thứ ba là chi phí khấu hao: Liên quan đến giá trị của phòng, chi phí quản lý, các tài sản phục vụ cho dịch vụ theo nhu cầu khác.
Cũng theo ông Liên, tất cả các chi phí trên đều được tính vào giá dịch vụ để tạo thành khung giá cho mỗi loại hình dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện. Các đơn vị y tế, bệnh viện sẽ tính các chi phí đó để quyết định mức giá cho mỗi loại dịch vụ theo yêu cầu khác nhau và đảm bảo không được vượt quá mức tối đa quy định của Bộ đề ra.
Người dân có quyền lựa chọn
Với mức giá được Bộ y tế ban hành, nhiều người dân trên các diễn đàn y tế thể hiện sự băn khoăn về chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện, các tiêu chí quy định về khám, chữa bệnh dịch vụ cũng như việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Ông Liên cũng cho biết, Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng về cơ sở hạ tầng, nhân lực khi các cơ sở y tế tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ theo yêu cầu từ đó các đơn vị phải công khai danh mục (khả năng cung cấp), mức giá của từng dịch vụ để người biết, lựa chọn và quyết định việc sử dụng.
Đối với dịch vụ ngày giường bệnh, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng. Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I.. giường điều trị nội khoa…. Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường.
Theo đó, tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường….
Giường dịch vụ theo yêu cầu sẽ dựa trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường. Nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác. Đây là quyền lựa chọn của mỗi người dân.
Liên quan đến việc sử dụng tài sản công sử dụng trong hoạt động dịch vụ đối với các đơn vị sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải có Đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đó, các bệnh viện sẽ được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư.
Một vấn đề cũng được đông đảo phóng viên, nhà báo tham gia buổi họp báo thắc mắc là việc khám, chữa bệnh dịch vụ có áp dụng cho người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đại diện Bộ Y tế cũng nhận định: "Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT sẽ thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.