Những lò võ ở Tây Sơn Thượng
Khi lên miền đất An Khê (Gia Lai) lập nghiệp, một số võ sư gốc Bình Định đã mang theo những tinh hoa võ thuật của môn phái mình, thành lập võ đường, chiêu mộ môn sinh. Trải qua năm tháng, nơi đây đã hình thành nhiều dòng họ võ danh tiếng. Các võ sư, võ sĩ An Khê đã có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà, làm rạng danh nền võ thuật vùng đất Tây Sơn Thượng.
“Quyền An Thái” của võ đường Bạch Long
Năm nay đã 84 tuổi nhưng giọng nói của lão võ sư Thái Hóa Hưng vẫn còn sang sảng. Ông kể, quê ông ở làng An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1960, ông đưa vợ con lên An Khê lập nghiệp. Do chiến tranh nên phong trào học võ khắp nơi lắng xuống. Nhưng “văn ôn võ luyện”, hàng ngày, ông vẫn dành thời gian luyện tập các bài quyền đặc trưng của dòng họ như Song Long Phủ, Độc Phủ, Thuyết Linh Chùy, Mai Hoa Kích, Bạch Long Quyền…
“Những bài quyền này do cha tôi là ông Thái Giáo Chi truyền dạy. An Thái nổi tiếng về quyền, như dân gian vẫn truyền miệng “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”-ông Hưng tự hào.
Năm 1995, khi đã 59 tuổi, ông Hưng vẫn đăng ký tham gia Giải Vô địch Võ cổ truyền toàn quốc tổ chức tại Gia Lai. Tại giải đấu này, ông giành huy chương vàng. Năm 1996, ông thành lập võ đường mang tên Bạch Long. Từ năm 1996 đến 2001, ông làm cố vấn võ thuật cho Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê (nay là Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo); đồng thời tiếp tục truyền dạy võ thuật cho nhiều môn sinh.
2 người con của ông là Thái Văn Nhân và Thái Minh Quang được cha truyền dạy tinh hoa võ thuật phái Bạch Long cũng dần trở thành những võ sĩ có tên tuổi. Cả 2 cùng góp mặt trong đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh từ năm 1993 đến năm 2011 và giành nhiều huy chương tại các giải đấu cấp quốc gia. Riêng anh Nhân từ năm 2010 đến nay nằm trong Ban Chấp hành Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh và là Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo nhiệm kỳ 2018-2020. Hiện nay, anh Nhân và anh Quang kế thừa nghiệp cha duy trì hoạt động của võ đường Bạch Long, mở 3 lớp dạy võ tại 35/1 đường Võ Văn Dũng, hoa viên Quang Trung và Trung tâm Văn hóa-Thể thao thị xã An Khê, thu hút hàng trăm võ sinh theo học.
Họ Thân với tuyệt kỹ “roi Thuận Truyền”
Võ sư La Hồng Lai-Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh: Nhiều năm qua, những dòng họ võ trên đất Tây Sơn Thượng đã đào tạo nhiều võ sư, võ sinh xuất sắc, tham gia thi đấu ở các giải khu vực, toàn quốc đạt thành tích cao. Các dòng họ này có công gìn giữ và lưu truyền nhiều bài võ cổ truyền đặc trưng, tạo nguồn võ sinh trẻ cho đội tuyển tỉnh; tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Các dòng họ võ cũng như Chi hội Võ cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo đã có đóng góp to lớn cho nền võ thuật cổ truyền của tỉnh và quốc gia.
Được giới thiệu, chúng tôi tìm gặp anh Thân Lâm Cường (thường gọi là Hổ Lâm Cường) ở tổ 1, phường An Phú. Anh Cường cho hay: Thân phụ của anh là ông Thân Phú, quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, mất năm 2009. Đam mê võ thuật nên ông Phú đã miệt mài tầm sư học võ. Trong số những người thầy của ông Phú có võ sư Hồ Ngạnh-một võ sư nổi tiếng bậc nhất về roi (côn). “Vì mong muốn mở rộng và phát triển nghiệp võ, năm 1960, cha tôi đưa cả gia đình lên TP. Pleiku. Đến năm 1976, cả gia đình chuyển xuống An Khê định cư”-anh Cường chia sẻ.
Tại An Khê, được bạn bè giúp đỡ, ông Phú mở võ đường mang tên Hổ Lâm Sơn. Với thế mạnh về các bài roi bí truyền, võ đường thu hút rất đông nam, nữ võ sinh theo học. Thậm chí, nhiều bạn đồng môn của ông Phú cũng gửi con nhờ truyền dạy. “Từ những lớp võ đầu tiên đã sản sinh ra nhiều nam võ sĩ nổi tiếng như Hổ Lâm Thường, Hổ Lâm Thanh; nữ thì có Hổ Lâm Hồng, Hổ Lâm Dung… Những võ sĩ này khi tham gia thi đấu võ đài nhiều lần đạt thành tích cao”-anh Cường tự hào kể.
Ông Phú có 6 người con nhưng chỉ có anh Cường theo nghiệp võ. Từ năm 1993 đến năm 2001, anh Cường là vận động viên thuộc đội tuyển võ cổ truyền tỉnh. Trong thời gian này, anh nhiều lần tham gia giải võ thuật toàn quốc và giành được 1 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Sau khi nghỉ thi đấu, anh Cường vẫn thường xuyên truyền dạy võ thuật cho một số môn sinh và con cháu trong nhà. Hiện nay, người con thứ 2 của anh là Thân Quốc Hiếu (SN 1996) cũng tiếp nối truyền thống cha ông mở lớp dạy võ.
Bài “Độc lư thương” vang danh họ Đoàn
Nhắc đến các dòng họ võ trên đất An Khê không thể không nói tới họ Đoàn. Trong đó, người để lại dấu son trong làng võ thuật và được cả nước biết đến là cố võ sư Đoàn Thọ Sơn (mất năm 2007). Ông Sơn sinh năm 1953 tại An Khê. Cha mẹ ông quê ở làng Đại Hào, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và đều theo nghiệp võ. Giai đoạn 1991-1996, ông Sơn cùng một số võ sư đã thành lập và kiện toàn Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê. Thời kỳ này, phong trào học võ cổ truyền ở An Khê rất phát triển. Các võ đường đã đào tạo ra nhiều võ sĩ nổi tiếng. Trong số này có những học trò của võ sư Đoàn Thọ Sơn như: Trần Minh Khương, Cao Đăng Khoa, Lương Văn Hùng, Phan Hữu Phước…
Ông Sơn không chỉ góp phần phát triển môn võ cổ truyền tại An Khê mà đóng góp lớn cho nền võ cổ truyền của tỉnh và nước nhà với bài “Độc lư thương”. Đây là bài võ do ông sưu tầm từ các bậc tiền bối rồi ghi chép, hoàn thiện. Bài võ này do 3 anh em nhà Tây Sơn biên soạn để tướng sĩ rèn luyện khi bắt đầu dấy binh khởi nghiệp. Năm 1997, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam quyết định chọn bài “Độc lư thương” là một trong hệ thống 10 bài quốc võ Việt Nam.
Sau khi ông Sơn qua đời, nhiều học trò kế nghiệp mở câu lạc bộ dạy võ cổ truyền tại An Khê. Chuẩn võ sư Cao Đăng Khoa-Phó Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo-tâm sự: “Nhờ sự chỉ bảo của thầy Sơn, tôi mới được như ngày hôm nay. Hơn 10 năm qua, tôi mở câu lạc bộ võ cổ truyền và đã đào tạo ra nhiều võ sinh xuất sắc. Đặc biệt, 4 năm nay, câu lạc bộ làm vệ tinh đào tạo vận động viên trẻ cho Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc phòng 3 (Quân khu 5)”.
Ngoài 3 dòng họ trên, vùng đất Tây Sơn Thượng còn có nhiều dòng họ võ khác khá nổi tiếng. Hiện nay, phần lớn con cháu, học trò các dòng họ này là thành viên của Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo. Các thành viên đã mở được 8 câu lạc bộ võ cổ truyền, thường xuyên có khoảng 500 võ sinh tham gia luyện tập. Bên cạnh đó, nhiều huấn luyện viên, võ sư đảm nhiệm việc truyền dạy võ cổ truyền tại trường học.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8214/202009/nhung-lo-vo-o-tay-son-thuong-5698357/