Những loại đồ chơi trẻ em bị cấm cha mẹ cần biết
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khuyến cáo, hiện nay, trên các website, ứng dụng hoặc mạng xã hội có đăng bán các các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục, có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe,.. ảnh hưởng xấu đến người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
8 loại trò chơi trẻ em bị cấm
Quy chuẩn kỹ thuật về đồ chơi trẻ em
Hướng dẫn cách chọn đồ chơi cho trẻ
8 loại trò chơi trẻ em bị cấm
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, có 8 loại sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể:
1. Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng như súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác;
2. Súng bắn nước, hơi nước;
3. Súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ;
4. Một số loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá;
5. Đồ chơi giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...).
6. Các loại pháo như pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng.
7. Các loại đồ chơi ảo, các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em. Các phần mềm vi tính, trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm.
8. Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em; các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, có mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến trẻ em.
Quy chuẩn kỹ thuật về đồ chơi trẻ em
Theo Vietq, liên quan đến tiêu chuẩn về đồ chơi trẻ em, Bộ Khoa học và Công nghệ trước đó cũng đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để quản lý về sản phẩm này.
Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
QCVN 3:2019/BKHCN quy định, chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.
Phát hiện hàng trăm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty TNHH Tổng Kho Đồ Chơi Trẻ em Sài Gòn (địa chỉ tại phường Hiệp Bình Chánh).
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 435 đơn vị sản phẩm bộ đồ chơi trẻ em lắp ráp các loại, xuất xứ Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có tem hợp quy (CR) theo quy định. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 21 triệu đồng.
Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.
QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.
Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy.
Hướng dẫn cách chọn đồ chơi cho trẻ
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà mua các loại đồ chơi không rõ xuất xứ, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý:
- Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng
- Nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm.
- Với những sản phẩm được làm bằng nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân,....gây hại cho trẻ hay không.