Những loại 'doping công nghệ' tại Olympic

Công nghệ dần được xem như một kiểu doping tại Olympic, khi vận động viên sử dụng quần áo hoặc thiết bị đặc biệt để nâng cao thành tích thể thao.

Thế vận hội Olympic năm nay được đánh giá là một "kỳ quan công nghệ". Đơn cử như camera chuyển động chậm có thể phát lại khoảng cách sít sao một phần nghìn giây giữa quán quân và á quân. Cảm biến đeo trên người có thể phát hiện những cú đánh trong một trận đấu kiếm hoặc một hiệp đấu taekwondo.

Hay các vận động viên Olympic sử dụng tính năng theo dõi chuyển động, dòng điện vi mô và máy theo dõi axit lactic để cải thiện hình thể, tăng tốc độ phục hồi và ngăn ngừa chấn thương.

Mập mờ về quy định đồ thi đấu thể thao được cải tiến công nghệ

Trên thực tế, công nghệ và thể thao vốn đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhưng gần đây, tranh cãi bắt đầu nảy sinh khi những công nghệ đó được sử dụng để nâng cao thành tích thể thao. Được gọi là “doping công nghệ”, thuật ngữ này dùng để chỉ những vận động viên sử dụng quần áo hoặc thiết bị đặc biệt để chiếm lợi thế, cạnh tranh không công bằng.

Thế vận hội Olympic năm nay ở Paris sẽ là nơi thử nghiệm “siêu giày đinh” (super spikes). Đây là một phiên bản của loại giày siêu chạy đường dài phổ biến được điều chỉnh để chạy nước rút. Những người theo chủ nghĩa thể thao thuần túy chỉ trích rằng những đôi giày này là một dạng doping công nghệ.

 Đồ bơi một mảnh LZR Racer gây tranh cãi vì tạo lợi thế cho vận động viên khi thi đấu. Ảnh: Alamy.

Đồ bơi một mảnh LZR Racer gây tranh cãi vì tạo lợi thế cho vận động viên khi thi đấu. Ảnh: Alamy.

Không giống như doping, dạng thuốc bị giám sát bởi một cơ quan chống doping quốc tế, trang phục và thiết bị phục vụ cho các môn thể thao sẽ được quyết định bởi cơ quan quản lý của chính môn thể thao đó.

Nói với Scientific American, Cơ quan chống doping Mỹ cho biết doping thông thường và doping công nghệ là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. “Các cơ quan quản lý thể thao có trách nhiệm đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật, thiết bị sử dụng trong môn thể thao của họ và thực thi các yêu cầu này”, cơ quan khẳng định.

Song, không có tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn nào về mức độ thông minh, độ cải tiến chi phí hoặc tính độc quyền của các thiết bị thể thao.

Đơn cử như tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, 94% huy chương vàng bơi lội thuộc về các vận động viên mặc đồ bơi Speedo LZR Racer. Mọi chi tiết về bộ đồ bơi toàn thân này như loại vải, vị trí đường may đều được thiết kế cẩn thận để giảm lực cản sinh ra khi nước tiếp xúc với cơ thể.

Khi bơi, vận động viên sẽ phải tiêu tốn thêm 33% năng lượng chỉ để nhanh hơn 10%. Nhiều người cho rằng loại vải lấy cảm hứng từ da cá mập của bộ đồ LZR Racer giúp giảm lực cản này.

Nhưng nghiên cứu sau đó đã chứng minh điều này không đúng. Thay vào đó, khả năng bao phủ toàn bộ cơ thể của bộ đồ sẽ làm giảm lực cản và giúp tiêu hao năng lượng hiệu quả hơn bằng cách giảm thiểu rung cơ và làm mịn kết cấu da.

Những kình ngư mặc đồ bơi LZR Racer đã lập 23 kỷ lục bơi lội thế giới mới tại Olympic 2008. Con số này đã tăng lên 93 vào tháng 8/2009. Nhiều người cho rằng đây là một dạng "doping công nghệ".

Cuối cùng, cơ quan quản lý các môn thể thao dưới nước World Aquatics (trước đây gọi là International Aquatics - Liên đoàn bơi lội nghiệp dư) đã cấm thi đấu bằng đồ bơi một mảnh. Hiện nay đồ bơi nam chỉ có thể dài từ thắt lưng đến đầu gối.

Cuộc đua công nghệ trong giới giày thể thao

Loại đồ chạy bộ tương đương với đồ bơi LZR Racer cũng trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2019. Khi đó, một đôi giày đặt riêng do Nike tạo ra dành cho vận động viên chạy cự ly Eliud Kipchoge đã giúp anh đạt được kỷ lục trong cuộc chạy marathon dưới 2 giờ. Giống như LZR Racer, phiên bản thương mại Nike Alphafly và Vaporfly của siêu giày này đã mang đến hàng loạt kỷ lục thế giới chạy đường dài mới.

Theo Kim Hébert-Losier, nhà nghiên cứu cơ sinh học tại Đại học Waikato ở New Zealand, những chiếc siêu giày có công nghệ tiên tiến được đặc trưng bởi 3 đặc điểm chính: đế giày nhẹ, có thể chuyển hồi năng lượng, một tấm đệm cong, cứng trải dài ở đế và hình dạng cong của cả đôi giày, giúp vận động viên có thể nghiêng phía trước một cách tự nhiên nếu có đủ động lượng.

 Cấu trúc của các siêu giày. Ảnh: Morgan Sport Law.

Cấu trúc của các siêu giày. Ảnh: Morgan Sport Law.

Các yếu tố thiết kế này phối hợp với nhau để cải thiện hiệu quả khi chạy bộ của vận động viên, lượng oxy cần thiết để di chuyển một quãng đường nhất định hay chạy ở tốc độ nhất định. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dòng giày Nike Vaporfly cải thiện hiệu suất chạy bộ trung bình 4%.

Để đáp lại những tranh cãi xoay quanh siêu giày này, World Athletics, cơ quan quản lý các môn điền kinh, đã đưa ra hướng dẫn mới về giày chạy bộ ngay trước Olympic 2020. Các quy tắc mới nêu rõ rằng siêu giày phải có chiều cao gót tối đa 20-40 mm (tùy theo môn thể thao), không có nhiều hơn một tấm cứng và đã được ra mắt với công chúng ít nhất 4 tháng.

Hébert-Losier cho biết: “Chiều cao gót 40 mm được đặt ra vì nó sẽ giới hạn tổng diện tích mà các hãng có thể thiết kế”. Nhiều không gian hơn tức là có nhiều bọt chuyển hồi năng lượng hơn và các tấm cứng hơn, đồng thời sẽ kéo dài chân của vận động viên. Những yếu tố này đều có thể mang lại lợi thế khi thi đấu.

Thể thao "sạch" và "bẩn"

Andy Miah, giáo sư tại Đại học Salford ở Anh nghiên cứu các cấu trúc y sinh, văn hóa, chính trị và xã hội của Olympic, tin rằng cuộc đua công nghệ này sẽ dành lợi thế cho những nơi có nền thể thao ưu tú.

Miah nói: “Hợp tác với các thương hiệu và được sử dụng thiết bị có bằng sáng chế là một chiến lược thông minh dành cho tất cả đội thể thao ưu tú. Công nghệ giúp các vận động viên đạt được kết quả tốt nhất và đảm bảo thành tích”.

Đối với các vận động viên không được tài trợ, việc tập luyện với siêu giày rất tốn kém vì chúng xuống cấp nhanh hơn nhiều so với giày chạy bộ tiêu chuẩn. Các chuyên gia khuyên bạn nên thay một chiếc siêu giày sau mỗi 450 km trong khi mức giá lên tới 250 USD/đôi. Do đó, tổng chi phí đó sẽ nhanh chóng tăng lên.

 Rất khó để cấm tích hợp công nghệ trong thể thao. Ảnh: Shutterstock.

Rất khó để cấm tích hợp công nghệ trong thể thao. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, đối với một số vận động viên, vinh quang huy chương vàng vẫn còn quá hấp dẫn. Hébert-Losier cho biết: “Trước Thế vận hội 2020, một số vận động viên vẫn chọn ngừng hợp tác tài trợ với thương hiệu cũ để có thể chạy bằng giày Nike”.

Sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận các thiết bị thể thao, huấn luyện viên và cơ sở vật chất tốt luôn là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng lớn nhất trong các môn thể thao. Doping công nghệ càng nới rộng sự bất bình đẳng này vì tính độc quyền của thương hiệu và chi phí cao, hạn chế khả năng tiếp cận quần áo thi đấu cao cấp.

Nhưng những giải pháp giải quyết vấn đề doping công nghệ hiện nay có thể khiến ranh giới giữa thể thao “sạch” và “bẩn” trở nên mờ nhạt. Chiều dài tất được quy định chặt chẽ trong môn đạp xe, nhưng không được quy định trong môn chạy.

Sợi carbon đàn hồi được quản lý chặt chẽ trong môn chạy, nhưng được hoan nghênh trong môn nhảy sào. Giày bị cấm và giày hợp pháp khác nhau đến từng milimet xốp. Những ví dụ này làm cho các quy định do cơ quan quản lý đưa ra có vẻ tùy tiện và không thực sự đại diện cho thể thao công bằng.

Theo Miah, việc chống lại xu hướng tích hợp công nghệ vào các môn thể thao có thể sẽ không có kết quả. “Các màn trình diễn thể thao đỉnh cao luôn là sự kết hợp giữa khả năng sinh học và việc rèn luyện khả năng đó thông qua các phương tiện công nghệ. Không có vận động viên bẩm sinh. Trên thực tế, để trở thành vận động viên ưu tú là một lối sống rất không tự nhiên, nhưng cũng không có nghĩa là độc hại”, chuyên gia kết luận.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-cong-nghe-trong-olympics-co-phai-gian-lan-the-thao-post1489755.html