Những loại hoa đẹp vô cùng nhưng ẩn chứa chất độc gây chết người

Có những loại hoa màu sắc và hình dáng rất đẹp khiến người ta mê mẩn nhưng chúng lại chứa độc tính nguy hiểm.

Hoa loa kèn

Nhìn bề ngoài, những bông hoa loa kèn màu trắng hoặc vàng, trắng pha hồng, đỏ này dường như vô hại. Nhưng đây lại là loài cây có độc tố rất khủng khiếp. Xuất xứ từ colombia, loài cây này được gọi với tên gọi “hơi thở của quỷ”. Chỉ cần ngửi hoa, nạn nhân sẽ lập tức rơi vào tình trạng vô thức, không kiểm soát được hành vi, nói năng lảm nhảm. Chất chiết xuất từ hoa này được cho là phương tiện để bọn tội phạm thôi miên, đầu độc nạn nhân để lừa lấy tài sản hoặc hãm hiếp phụ nữ mà nạn nhân không hề hay biết.

Cây ngót nghẻo

Không chỉ ở các dãy núi cao mà ở các khu rừng ngập mặn ven biển Việt Nam từ Huế đến Cà Mau cũng phân bố một loài thực vật có hoa đẹp rực rỡ nhưng cũng là loài có độc tính cao.

Ngót nghẻo - Gloriosa superba là một loại cây sống lâu, cây thảo có thân leo dài 1 - 2m. Lá hình mũi mác, đầu tận cùng bằng một tua cuộn hình xoắn ốc quấn bám cho thân leo. Trái dạng nang hình chùy dài, chứa nhiều hạt, khi chín có màu đỏ tươi. Mùahoa vào tháng 5 - 6, mùa quả từ tháng 6 - 8.

Ngộ độc do ăn phải cây ngót nghẻo gây bệnh cảnh cấp tính sau 2 - 6 giờ, đau rát miệng, khát nước sau đó nôn, buồn nôn dữ dội, đau bụng và tiêu chảy, tiêu máu nặng dẫn tới trụy tim mạch, rối loạn tri giác, co giật, suy hô hấp, tiểu máu, thiểu niệu. Diễn tiến xuất huyết, thiếu máu, yếu cơ vào những ngày thứ 2, thứ 3 tiếp theo. Nếu qua khỏi thường bị rụng tóc xảy ra sau 1 - 2 tuần.

Muồng hoàng yến

Hoa muồng hoàng yến hay còn gọi là hoa bò cạp vàng, hoa osaka. Cũng là loài cây hoa cảnh họ đậu, muồng hoàng yến là cây thân gỗ, tán tròn. Hoa nở vàng thành từng chùm rực rỡ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Chùm hoa dài, rủ xuống, dài 20-40 cm, cụm hoa lớn. Trái muồng hoàng yến dài, trong có hạt hình trái xoan. Cả hoa, lá, quả và hạt muồng hoàng yến đều có chất độc, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc.

Lá ngón

Phân bố ở độ cao 400m đến 2000m trên các cánh rừng Việt Nam là loài cây Lá ngón Gelsemium elegans.

Khi mùa mưa đến từng chùm hoa vàng rực rỡ khoe sắc cùng thiên nhiên. Chỉ cần ăn phải mấy chiếc lá ngón, lập tức các độc tính của lá ngón phát tác kiến cho các ancaloit chứa trong toàn bộ cây gây ra các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Trật tự độc của cây được giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Vì là một loài cây có hoa rất đẹp và hấp dẫn nên chúng ta thường có thói quen muốn chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm mặc dù rất ít người biết loài cây thần chết này đang rình rập nếu chúng ta vô tình bẻ lá hoặc bẻ cành. Chất độc sẽ dính lên tay chân nơi có các vết thương hoặc vô tình tiếp xúc với đồ ăn, miệng …

Cây bồng bồng

Nhựa mủ của loài này dùng với liều thấp làm thuốc gây nôn, liều cao sẽ gây độc mạnh như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn (ói) nếu liều cao có thể gây ra các triệu chứng gây sốt, nổi ban khắp người và sức yếu sẽ gây ép tím, ngủ lịm, khó thở.

Mặc dù có độc tính cao nhưng đây cũng là cây thuốc với nồng độ kiểm soát chặt chẽ. Cây thường dùng để chữa kiết lỵ nhẹ. Dùng ngoài đắp trị viêm khớp, đắp lên các ghẻ mụn, các vết loét, lậu, giang mai.

Trúc đào

Là loài hoa có độc tính rất cao, rất nguy hiểm đối với hệ tim mạch. Chất độc này có mặt trong cây, lá, hoa, trái, hạt trúc đào.

Triệu chứng xuất hiện sau khi ăn phải 10-15 phút sau ăn với biểu hiện buồn nôn ói dữ dội, lơ mơ, nhức đầu, mệt lả, tiêu chảy liên tục, loạn nhịp tim nghiêm trọng. Nếu không được cứu chữa kịp thời có thể trụy tim mạch, không đo được huyết áp dẫn tới tử vong. Ở nhiều nơi, cành lá và hạt trúc đào được giã nát để làm thuốc trừ sâu bệnh rất hiệu quả.

Theo Quỳnh Chi/Đời sống&Pháp luật

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/nhung-loai-hoa-dep-vo-cung-nhung-an-chua-chat-doc-gay-chet-nguoi-1285423.html