Những loại phomai kỳ lạ và 'kinh dị' trên khắp thế giới
Mỗi quốc gia đều có một loại phomai đặc trưng, từ những loại kinh dị chứa cả giòi sống, bọ ve cho đến loại được làm từ nguyên liệu đặc biệt nhất như sữa lừa, lạc đà...
Phomai Casu Marzu. (Nguồn: daftarkulinerunik.web.id)
1. Phomai Casu Marzu - 'nguy hiểm nhất thế giới'
Giống như trứng cá caviar, phomai Casu Marzu rất kén người ăn, bởi nó có những con giòi còn sống.
Món ăn này rất được ưa thích tại Sardinia, Italy. Tại đây, những người chăn cừu đã làm ra loại phomai pecorino từ sữa cừu, sau đó để chúng thối rữa nhằm thu hút ruồi đến đẻ trứng.
Đến khi trứng ruồi nở thành giòi, loại phomai này chính thức được biến đổi thành Casu Marzu.
Loại phomai này để lại dư vị hàng giờ sau khi ăn. Đầu bếp Gordon Ramsay đã gọi đó là "loại phomai nguy hiểm nhất thế giới."
Và bởi chứa côn trùng sống, người ta không thể xuất khẩu loại phomai này. Nếu muốn ăn chúng, tốt nhất bạn nên đến thẳng vùng Sardina.
Phomai ve Milbenkase. (Nguồn: atlasobscura.com)
2. Phomai ve Milbenkase (Đức)
Nếu người Italy gây sốc với loại phomai giòi, thì người Đức lại có loại phomai Milbenkase với những con bọ ve nhỏ xíu.
Loại phomai này được sản xuất tại Wurchwitz. Bọ ve, với một ít bột lúa mạch đen, được phủ bên ngoài những khối phomai mềm.
Những con ve sẽ ăn bột lúa mạch đen và bài tiết một loại enzyme làm chín phomai, khiến phomai chuyển dần thành màu màu vàng, nâu đỏ, rồi đen.
Khi phomai chín, người ta sẽ ăn nó cùng với cả bọ ve. Loại phomai này có vị đắng và mùi hăng, được cho là có thể chữa chứng dị ứng với bụi nhà.
Phomai yak. (Nguồn: CNN)
3. Phomai yak - cứng đến gãy răng
Để biết loại phomai này cứng đến mức nào, hãy tưởng tượng bạn đang gặm một miếng nhựa có hương vị phomai trong vòng vài tiếng đồng hồ. Loại phomai này thậm chí có thể làm gãy răng của bạn nếu không cẩn thận.
Để làm ra loại phomai này, người ta sẽ cho sữa đông của loài bò yak (bò Tây Tạng) vào trong túi vải và ép cho đến khi hết nước. Khi phomai đã đủ khô, người ta sẽ cắt chúng thành từng miếng nhỏ rồi sấy khô trên than củi cho đến khi chúng trở nên rắn chắc. Những miếng phomai sau đó được xâu lại vào treo ở chỗ khô thoáng để ăn quanh năm.
Phomai bò yak cực kỳ dẻo dai như cao su, nhưng cũng rất đậm đà, để "nhấm" hết một miếng nhỏ đôi lúc phải mất 2 giờ đồng hồ.
Để thưởng thức loại phomai này, bạn có thể đến các phiên chợ Tây Tạng tại những khu vực thuộc Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Bhutan.
(Nguồn: summeronrepeat.wordpress.com)
4. Phomai sữa ngựa Airag
Phomai Airag, hay phomai sữa ngựa, rất phổ biến tại vùng Trung Á, nơi ngựa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống.
Để làm loại phomai này, ngựa cái được vắt sữa trong mùa sinh sản, sau đó phần sữa được lên men với một chất xúc tác, có thể là một phần phomai airag được làm từ năm ngoái.
Sữa lên men sau đó được đặt ngay bên cạnh lối đi, để bất cứ ai đi qua đều có thể khuấy sữa, hoặc buộc bên yên ngựa để sữa được lắc đều trong suốt một chuyến đi dài. Sữa sau khi lên men được pha thêm với sữa đun sôi, để đông lại, rồi lọc qua một túi vải và ép khô.
Người ta có thể ăn phomai airag ở dạng tươi hoặc khô. Với cuộc sống du mục trên thảo nguyên, airag khô được làm mềm bằng cách ngâm trong nước trà hoặc súp.
(Nguồn: finedininglovers.com)
5. Phomai lạc đà (Ethiopia, Mauritania, Sudan và Bedouin)
Những người du mục trên khắp châu Phi đã sử dụng sữa lạc đà từ hàng trăm năm nay. Lạc đà không chỉ là loài động vật có sức chịu đựng kiên cường ở những vùng khí hậu khô cằn, mà còn cung cấp cho con người loại sữa giàu chất béo và protein.
Tuy nhiên, việc làm phomai từ sữa lạc đà không hề dễ dàng. Những người chăn gia súc phải sử dụng dịch vị từ những miếng dạ dày động vật để làm đông sữa. Đây là lý do loại phomai này có vị chua và mùi hơi hăng.
Loại phomai này được bày bán tại Nouakchott, thủ đô của Mauritania; Các tiểu vương quốc Arab thống nhất; Saudi Arabia hoặc chuỗi cửa hàng Starbucks tại Dubai.
(Nguồn: CNN)
6. Phomai sữa người (New York, Mỹ)
Khi thấy vợ của mình tích trữ quá nhiều sữa mẹ trong tủ cấp đông, đầu bếp New York Daniel Angerer đã quyết định thử nghiệm với nó thay vì vứt đi.
Sau đó, anh bắt đầu viết blog đăng tải những bức ảnh về việc chế biến sữa mẹ với củ cải đường và rau diếp, nấm porcini, hành tây.
Với những người nhận xét rằng họ cảm thấy buồn nôn, anh đã trấn an rằng loại phomai này không bao giờ được sử dụng trong nhà hàng của anh hay bán ra ngoài.
Phomai Mỹ. (Nguồn: epicurious.com)
7. Phomai lát Mỹ - 'giả danh phomai'
Tại một đất nước thậm chí còn có cả Ngày phomai nướng quốc gia, không có gì ngạc nhiên khi những miếng phomai vàng ươm được chia thành từng lát mỏng, thường được gọi là phomai Mỹ, là mặt hàng chính trên các kệ hàng hóa.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là sản phẩm này không phải phomai thực sự.
Loại phomai này có có thành phần tổng hợp từ sữa, váng sữa, sữa béo, muối, gelatine, sữa bột, màu thực phẩm cam, hương vị nhân tạo và dầu. Tất cả được pha trộn tạo nên những lát phomai mỏng, mịn màng, béo ngậy, có kết cấu và độ mềm hoàn hảo dành cho bánh mì nướng và bánh mì kẹp thịt.
Sự mâu thuẫn này khiến phomai lát trở thành loại phomai vừa được yêu thích lại vừa bị tẩy chay trên khắp nước Mỹ.
Phomai hươu. (Nguồn: deercreekcheese.com)
8. Phomai sữa hươu
Tại New Zealand, các nhà khoa học đã hợp tác với một nhà sản xuất phomai chế biến ra những miếng phomai đầu tiên từ một loài hươu đỏ xinh đẹp có tên gọi Kiwi.
Với giá 100 USD mỗi lít, sữa hươu không hề rẻ. Và tại New Zealand, nơi sinh sống của một nửa số lượng hươu đỏ trên thế giới, những người nông dân đang rất phấn khởi khi có thêm một sản phẩm nữa ngoài thịt hươu.
Bạn có thể mua loại phomai này tại công ty phomai Whitestone, North Otago, New Zealand.
(Nguồn: Christian Vinces/Shutterstock.com/travel.trueid.net)
9. Phomai Alpaca và llama (cộng đồng thổ dân ở Nam Mỹ)
Cuộc sống khắc nghiệt của người dân trên cao nguyên Altiplano không thể thiếu đi sự giúp sức của những chú lạc đà không bướu, giúp cung cấp cho con người da, lông làm quần áo, và sữa để làm phomai.
Rất khó để vắt sữa những con lạc đà này. Loài lạc đà này có vẻ ngoài vô cùng hài hước, một số con thậm chí còn biết nhổ nước bọt và gây ồn ào.
Loại sữa này được người dân làm thành những miếng phomai dầy, cứng, đậm đà, có vị mặn và để được rất lâu.
Muốn thử loại phomai này, bạn phải đến những phiên chợ địa phương trong khu vực người Andean, nơi rất ít khách vãng lai.
Phomai lừa. (Nguồn: Metro)
10. Phomai lừa - đắt nhất thế giới?
Tại khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt Zasavica, cách Belgrade (Serbia) 50km, bạn có thể bắt gặp phomai lừa làm từ sữa lừa, loại sữa có lượng vitamin cao gấp 60 lần sữa bò.
Tuy nhiên, một con lừa thường chỉ tạo ra 200ml sữa mỗi ngày, trong khi cần tới 25 lít sữa để làm ra 1kg phomai lừa.
Đó là lý do loại phomai trắng vụn này vừa hiếm có vừa cực kỳ đắt tiền. Hiện tại loại phomai này có giá hơn 1.000USD mỗi kg.