Những loại rau nên chần qua trước khi chế biến

Một số loại rau cần được chần qua nước sôi rồi mới chế biến để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu, tạp chất, đồng thời giúp cho món rau giữ được màu sắc, hương vị và tốt cho sức khỏe.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học (Đại học Công nghiệp TP.HCM) thì các loại rau sau đây nên chần sơ để đảm bảo sức khỏe cũng như dinh dưỡng.

Các loại rau khó rửa sạch

Súp lơ là món mà nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề khiến các chị em cảm thấy khó khăn nhất chính là rửa sạch nó bởi vì súp lơ có chứa nhiều bụi bẩn, thuốc bảo vệ thực vật và có thể có chứa những con bọ nhỏ. Việc chần qua nước sôi vừa giúp loại bỏ chất bẩn, vừa giúp súp lơ chín nhanh hơn, giòn hơn, không bị quắt và giữ được màu xanh tự nhiên sau khi xào.

Súp lơ cũng gây nhiều khó khăn cho các bà nội trợ trong việc làm sạch trước khi nấu, nhất là khi loại rau củ này thường bị phun thuốc trừ sâu

Súp lơ cũng gây nhiều khó khăn cho các bà nội trợ trong việc làm sạch trước khi nấu, nhất là khi loại rau củ này thường bị phun thuốc trừ sâu

Mẹo rửa sạch súp lơ: Cắt súp lơ thành những miếng nhỏ và cắt theo các nhánh ở phần dưới thân cây, ngâm trong nước muối loãng, để khử trùng, dư lượng thuốc trừ sâu rồi thêm một thìa nhỏ baking soda vào, khuấy đều và ngâm súp lơ khoảng 5 phút. Sau khi ngâm khoảng 5 phút, lấy súp lơ ra và rửa lại với nước sạch khoảng 2-3 lần. Baking soda là một chất tẩy rửa tự nhiên, rất tốt cho việc khử trùng.

Rau có hàm lượng axit oxalic cao

Rau dền, rau chân vịt, mướp đắng và một số loại rau có hàm lượng acid oxalic cao cần chần qua nước sôi trước khi nấu để làm loãng hàm lượng acid axalic. Bởi nếu uống quá nhiều nước có chứa chất này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các khoáng chất như canxi, kẽm và tăng nguy cơ hình thành sỏi trong cơ thể vì acid oxalic trong cơ thể sẽ cùng với canxi và kẽm tạo ra calcium oxalate và zincoxalatedihydrate, không dễ hấp thụ và thải ra ngoài, khiến cơ thể bị thiếu canxi, thiếu kẽm, dẫn tới xương và răng phát triển không tốt, còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trí não.

Đậu đũa

Đậu đũa là loại thực phẩm lâu chín, hơn nữa, đậu đũa sống chứa độc tố Saponin (có thể gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa gây xung huyết, chướng bụng, viêm dạng xuất huyết). Do đó, cần chần qua để loại bỏ bớt độc tố và rút ngắn thời gian chế biến.

Quả đậu đũa luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất

Quả đậu đũa luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất

Bạn cho nước vào nồi đun sôi rồi thêm 1 thìa cà phê muối sau đó cho đậu vào chần sơ qua, để món đậu đũa xào nhanh chín, có màu xanh mát mắt mà không bị chuyển màu vàng. Thời gian chần đậu khoảng 1 phút là vớt ra ngay.

Măng

Măng không chỉ chứa acid oxalic mà còn giàu glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại acid có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên độc chất trong măng sẽ bay hơi dễ dàng khi được nấu sôi.

Măng bắt buộc phải luộc trước khi chế biến

Măng bắt buộc phải luộc trước khi chế biến

Để loại bỏ những độc tố có trong măng, sau khi xắt lát mỏng nên đem luộc qua với nước sôi trong khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc không nên đậy nắp nồi, để các chất độc trong măng theo hơi nước sôi bay ra ngoài. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh, sau đó chế biến bình thường.

Măng tây

Phương pháp chần hiệu quả với loại rau củ xanh như măng tây để không làm mất đi hương vị, độ giòn và giữ cho măng tây luôn xanh. Đối với măng có thân nhỏ, bạn chỉ cần chần trong 2 phút, thân trung bình thì cần 3 phút. Còn hầu hết các loại măng có thân to sẽ cần 4 phút.

Măng tây

Măng tây

Ngay khi thấy măng tây chuyển sang màu xanh sáng và săn lại thì lấy măng ra khỏi nước sôi bằng thìa có lỗ nhỏ hoặc vợt cán dài rồi cho măng vào ngâm nước đá ngay.

Mẹo chần rau

Chần sơ rau rồi mới xào sẽ giúp rau vừa chín nhanh, không xào quá lâu khiến rau bị đổi màu, không đẹp mắt. Chỉ đun sôi một nồi nước rồi thêm ít muối hoặc một vài giọt dầu ăn để rau luôn xanh, bóng. Nước chần rau đun với lửa lớn.

Đặc biệt, khi chần không được đậy nắp kín và đổ nước ngập rau. Vớt ra ngay khi rau vừa chín rồi xả sơ qua nước lạnh để giảm nhiệt độ, tránh trường hợp hơi nóng còn giữ lại sẽ khiến rau bị chín quá.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/nhung-loai-rau-nen-chan-qua-truoc-khi-che-bien-post66031.html