Những lời bào chữa ngây ngô trong phiên tòa 'chuyến bay giải cứu'

Các bị cáo là doanh nghiệp chạy hối lộ sẽ chịu những hình phạt thích đáng. Song, qua đây mới thấy các doanh nghiệp của ta khốn khổ ra sao khi bị những quan chức biến chất hành hạ.

Những lời bào chữa "ngây ngô"

Những diễn biến, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa “chuyến bay giải cứu” trong những ngày qua tiếp tục làm nóng dư luận vì những lời bào chữa của các bị cáo từng là công chức vừa ngây ngô, ngớ ngẩn vừa chân thực đến khó tin.

Có những câu bào chữa như: “Khộng biết nhận tiền là có tội”; “Không phân biệt được ranh giới giữa cảm ơn và hối lộ”; “Tưởng không có tội vì nhận tiền doanh nghiệp chứ không phải tiền ngân sách”; “Anh em mình cũng từng được biếu hàng trăm, hàng nghìn chai rượu,…”.

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Thậm chí, luật sư của bà Nguyễn Thị Hương Lan còn được tường thuật bào chữa là gia đình thân chủ có hoàn cảnh "đặc biệt khó khăn". Ấy vậy mà các tài sản của bị cáo Hương Lan đang bị kê biên gồm: một căn chung cư tại Giảng Võ, quận Ba Đình, trị giá khoảng 15 tỷ đồng; một căn chung cư tại Golden Palace trị giá 4,4 tỷ đồng, một ôtô 3 tỷ, cổ phiếu trái phiếu 5 tỷ, tiền trong tài khoản ngân hàng 200 triệu đồng và tiền mặt bị cơ quan điều tra thu giữ 1,126 tỷ. Tổng giá trị tài sản bị kê biên thu giữ khoảng 29 tỷ.

Chuyện chạy án lần đầu được công khai khá rõ cách chạy, thủ đoạn chạy và số tiền chạy cao ngất ngưỡng. Chỉ với chạy tội danh đi hối lộ của một đối tượng mà lên tới 2,6 triệu USD thì thật khó tin.

Một thư ký cho Thứ trưởng chẳng có chức trọng quyền cao, chẳng có vai trò gì trong ra quyết định mà ăn đút lót số tiền khủng 42 tỷ đồng rồi thỏa sức mua nhà đất, ăn tiêu xa xỉ.

Màn đối đáp của hai cựu quan chức trong ngành bảo vệ pháp luật mà nay lại là bị cáo trong đường dây chạy án đầy kịch tính, gay cấn. Từ đây ta thấy cách họ liên hệ với nhau thế nào, cách nhận tiền ra sao. Đặc biệt là lời khai “tiền biến thành rượu” của bị cáo Hưng, nó cho thấy sự quỷ quái, tinh ranh của một người đã tham gia điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng nay biến chất.

Dẫu bị can này có ranh ma đến mức nào, có “nghề” ra sao thì vẫn có những sơ hở như: Chiếc cặp khóa số vẫn còn hình ảnh và có thể mua cặp tương tự để thực nghiệm xem có để vừa chai rượu không. Rồi trong bữa tiệc ấy ông Hưng mời những ai, loại rượu đó là gì? Và với số tiền lớn đó, nếu có nhận hãy kiểm tra xem dòng tiền đó đi đâu… Hy vọng sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Nhức nhối chuyện chạy hối lộ.

Các bị cáo là doanh nghiệp chạy hối lộ sẽ chịu những hình phạt thích đáng. Song, qua đây mới thấy các doanh nghiệp của ta khốn khổ ra sao khi bị những quan chức biến chất hành hạ.

Qua lời khai của bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Du lịch, Dịch vụ hàng không An Bình; Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty Vijasun; Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh;... mới thấy những kẻ thi hành công vụ biến chất và hành dân như thế nào.

Bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty Vijasun, nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" sẽ bị gây khó khăn trong việc xin cấp phép "chuyến bay giải cứu". Doanh nghiệp của Dương được cấp phép 17 chuyến bay và đã tổ chức 22 chuyến bay, do có đợt bay phải tách làm 2 chuyến. Thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, nhiều lần bị bà Nguyễn Thị Hương Lan (Khi đó là Cục trưởng) yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp thường xuyên bị làm khó.

"Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày mới cấp phép. Do đó, doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn cùng cực", Dương khai.

Còn bà Hoàng Diệu Mơ khai khi xin cấp phép, bị cáo đã xin liên hệ với bị cáo Tô Anh Dũng, sau đó được giới thiệu gặp bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan. Theo lời khai của bị cáo Mơ, do bị ép buộc, bị cáo đã đồng ý phương án chi 150 triệu đồng/chuyến bay cho các đơn vị liên quan.

Các bị cáo đang bị giải đến tòa

Các bị cáo đang bị giải đến tòa

Cũng chính vì đưa tiền hối lộ nên công ty của bị cáo Mơ đã được cấp phép 66 chuyến bay trong giai đoạn 2020-2021. Bị cáo Lan đã nhận hối lộ của bị cáo Mơ 11 lần với tổng số tiền 13,2 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh cho biết, bản thân đã sử dụng pháp nhân là công ty Blue Sky và 1 số đơn vị khác d để xin cấp phép 109 chuyến bay. Trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bị cáo đưa tiền cho nhiều người, nhiều lần nên không thể nhớ hết tất cả.

Theo bị cáo Hằng, trước đó, bị cáo đã nộp hồ sơ xin được cấp phép chuyến bay nhưng chỉ được số lượng ít và thường thì sát giờ bay mới được cấp phép. Theo nhận thức của bị cáo, nếu không đưa tiền thì không được cấp phép nhiều chuyến bay như vậy.

Như vậy cùng một thủ đoạn như nhau là làm khó doanh nghiệp để vòi tiền. Nếu không có tiền thì không được cấp phép.

Những người thi hành công vụ đã thật sự coi đồng tiền là trên hết, mất cả nhân tính. Bị cáo Đào Minh Dương cho biết khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Tiếp đó, doanh nghiệp phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 tỉ đến 9 tỉ đồng. "Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay, nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự lúc ấy không bảo hộ công dân mà là hành dân" .

Rồi đây những người phạm tội sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng về những hành vi của mình gây ra, song qua đây mới thấy công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn rất cam go, cần phải có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành cũng như sự ủng hộ của người dân.

Nguyễn Đăng Tấn

Tấn Đăng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-loi-bao-chua-ngay-ngo-trong-phien-toa-chuyen-bay-giai-cuu-2167895.html