Những lời chia sẻ xúc động ở khu cách ly
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trung đoàn 812 tại thị xã La Gi đã được huy động làm khu cách ly cho những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính.
Những lời chia sẻ xúc động ở khu
Ngày 25/2, ca đầu tiên là một du học sinh M.N (sinh năm 2000) trở về từ Hàn Quốc. Và từ đó đến nay, cứ hết đợt cách ly này lại thêm những đợt cách ly khác. Dù thế, những y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các chiến sĩ của Trung đoàn 812 ngày đêm hết mình phục vụ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người cách ly để nâng thể trạng phòng tránh dịch bệnh. Kiểm tra, thăm khám thường xuyên nhanh chóng kịp thời phát hiện những triệu chứng lạ để có phương án xử lý tránh lây lan chéo và lây cho cộng đồng.
Hàng trăm lượt người đã đi đến nơi đây, thế nhưng sau 14 ngày được cầm giấy chứng nhận thời gian cách ly trên tay, nhiều người mẹ, người chị, người em đã khóc vì mừng, vì xúc động. Mừng vì mình đã không nhiễm bệnh, xúc động vì thời gian qua đã được y, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội chăm sóc tận tình như những người ruột thịt.
Cô sinh viên sinh năm 2000 chia sẻ: “Trong thời gian cách ly, em và mọi người được các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 812 quan tâm, chăm sóc, thăm khám sức khỏe hằng ngày một cách ân cần, thân thiện”.
Bà M. một người khá lớn tuổi xúc động nói: “Chúng tôi được sống trong không gian rộng rãi, sạch sẽ, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ và được cấp mới. Bữa ăn được giao tận cửa phòng và luôn kèm câu hỏi: “Bác ăn có ngon miệng không?”, làm nhiều lúc tôi không thể cầm lòng”. Nói rồi bà cho biết: “Mình chỉ ngồi mà chúng (ý nói các chiến sĩ) cứ cơm bưng đến tận miệng ngày 3 bữa còn hỏi han nên xúc động lắm”.
Một du học sinh lại cho biết: “Lúc đầu biết phải đi cách ly tôi cũng sợ lắm. Sợ nhất phải sống trong môi trường chật chội, thiếu thốn. Thế nhưng thật sự không như những gì chúng tôi từng nghĩ. Những gì tôi đã trải qua thật ấn tượng. Phòng ở rộng rãi, thoáng mát, khu vệ sinh sạch sẽ và được dọn dẹp thường xuyên”.
Có lẽ xúc động nhất là những dòng chia sẻ của chị T. ở Phan Thiết khi có mẹ đi cách ly tại nơi này. “T. ở Phan Thiết và xóm T. có 20 người nằm trong diện F1 do tiếp xúc gần với bệnh nhân 37. Ngay trong chiều biết kết quả, y tế xã xuống vận động mọi người đi cách ly. Cả xóm gom đồ, lên xe trong đêm. Sáng mai y tế thành phố lên xịt khử trùng toàn bộ các gia đình có F1. Các ca F1 được đưa đi cách ly. Khu cách ly mát mẻ, cơm canh ngày 3 bữa. Mẹ T. gọi về, đến chén nước mắm cũng được giã tỏi ớt đàng hoàng. Cơm trưa vừa có thịt luộc, thịt bò xào hành, cá chiên (mỗi thứ một ít vào chung 1 hộp, chắc để ai ăn được gì thì ăn), canh khổ qua nhồi thịt mỗi người nửa trái. Mấy anh bộ đội còn hỏi các cô ăn có vừa miệng không?
Hôm có kết quả 67/67 ca đều âm tính, trong đó có mẹ T. Mọi người khóc vì mừng, vì áp lực được giải tỏa. Dẫu âm tính chưa phải là kết thúc, vẫn phải về nhà tự cách ly 14 ngày nhưng đã là một niềm vui lớn. T. thật sự hạnh phúc vì được là người Việt Nam, hạnh phúc vì Chính phủ chưa bao giờ bỏ rơi người dân của mình. T. rất thương những người làm công tác y tế. Cô y tế xã T. bơ phờ chạy ngược chạy xuôi. Sáng cô kêu chưa kịp ăn gì, T. đưa cô hộp sữa, chiều gặp lại hỏi cô uống chưa, hộp sữa vẫn còn”.
Hình ảnh những y, bác sĩ ngày đêm tận tình thăm khám bệnh, những anh chiến sĩ cần mẫn dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, chuẩn bị từng bữa ăn rồi ân cần phục vụ đã làm lay động lòng người. Chính điều này đã tạo nên niềm tin yêu, niềm hy vọng để những công dân đang cách ly thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong sự tin tưởng.