Những lời chia tay ngọt ngào
Trong số nhiều tuyển thủ quốc gia giành HCV tại SEA Games 31, nhiều người sẽ chia tay đội tuyển quốc gia trong thời gian tới. Với họ, việc giành HCV tại SEA Games được tổ chức ngay trên sân nhà thực sự là lời chia tay ngọt ngào, một cái kết đẹp trong sự nghiệp VĐV của mình.
Dấu ấn của những “lão tướng”
Cách đây ít ngày, xạ thủ Trần Quốc Cường đã xuất sắc đánh bại 15 xạ thủ khác để giành HCV nội dung 50m súng ngắn nam. Đó cũng là tấm HCV đã được đội tuyển và chính Trần Quốc Cường chờ đợi từ lâu. Không đơn giản để giành tấm HCV ở nội dung này khi sự cạnh tranh cực lớn. Nhưng ở tuổi 48, với “thần kinh thép”, Trần Quốc Cường đã thực hiện được mục tiêu của mình theo cách ngoạn mục nhất. Như chính anh thông tin, đây cũng là kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu của mình trước khi chuyển sang công tác huấn luyện.
Trong khi đó, ở môn Pencak Silat, võ sĩ kỳ cựu người Hải Dương Trần Đình Nam đã lên ngôi vô địch hạng 75kg để có lần đầu vô địch SEA Games. Trước đó, Trần Đình Nam đã có 3 lần vào chung kết tại các kỳ SEA Games song đều thua. Đến năm 2019, dù hy vọng được tranh tài ở SEA Games 30 nhưng rồi nội dung thi đấu của Trần Đình Nam không có trong chương trình thi đấu. Phải đến kỳ SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, anh mới được hưởng niềm vui của nhà vô địch SEA Games dù đường đến ngôi vô địch không hề bằng phẳng.
Trước trận chung kết, chấn thương cổ tay khiến võ sĩ này hầu như không ngủ, chỉ lo giảm đau. Nhưng vào đến trận chung kết, Trần Đình Nam như quên hết chấn thương để giành tấm HCV, thực hiện trọn vẹn ước mơ vừa vô địch ASIAD, vừa vô địch SEA Games. Anh bảo rằng, sẽ chuyển hẳn sang công tác huấn luyện từ sau SEA Games 31.
Trên đường chạy 5.000m và 10.000m, lão tướng 36 tuổi Nguyễn Văn Lai đã trở thành điểm sáng của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 với việc giành 2 Huy chương vàng nội dung 5.000m và 10.000m. Nguyễn Văn Lai kể rằng, trước khi bước vào thi đấu ở SEA Games 31 cũng chỉ nghĩ rằng có thể giành huy chương chứ không nghĩ đến tấm HCV bởi sự xuất hiện của chân chạy người Thái Lan Tuntivate.
Hơn 2 năm trước, ở SEA Games 30, chính Tuntivate đã dễ dàng vượt qua Nguyễn Văn Lai ở cả cự ly 5.000m và 10.000m. Dù vẫn sang Việt Nam nhưng đến trước ngày thi đấu, Tuntivate đành rút lui vì chấn thương. Và như Nguyễn Văn Lai thẳng thắn chia sẻ thì nhờ vậy mà anh có cơ hội lên ngôi vô địch. Lão tướng sinh năm 1986 của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để lên ngôi vô địch nội dung 5.000m và 10.000m trước khán giả nhà, trước những người thân trong đó có vợ, con của anh.
Tại môn Wushu, võ sĩ người Hà Nội Phạm Quốc Khánh cũng có cái kết trọn vẹn trong sự nghiệp VĐV của mình với việc giành 1 HCV, 1 HCB. Ở tuổi 32, Phạm Quốc Khánh vẫn vượt qua những trở ngại về tuổi tác, chấn thương để thực hiện tốt các bài thi như những chàng trai tuổi đôi mươi. Thành tích tại SEA Games 31 cũng khép lại hành trình 7 lần tham dự SEA Games của võ sĩ Hà Nội này với việc giành tổng cộng 4 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ.
Sau khi kết thúc các phần thi đấu ở SEA Games 31, Phạm Quốc Khánh cũng cho hay sẽ thi đấu nốt các giải trong năm 2022, trong đó có Đại hội Thể thao toàn quốc trước khi chuyển sang công tác huấn luyện.
Còn ở môn thể hình, đó là câu chuyện lên ngôi đầy thuyết phục của lực sĩ Phạm Văn Mách ở tuổi 46 với những khối cơ sắc nét cùng thần thái biểu diễn không thể chê. Tấm HCV ở SEA Games 31 cũng giúp Phạm Văn Mách trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành cả ngôi vô địch tại SEA Games 22 cũng như SEA Games 31, đều tổ chức tại Việt Nam.
Phía sau là khoảng trống và hy vọng
Trong những câu chuyện với các nhà vô địch SEA Games trên, họ đều bảo rằng, bên cạnh đam mê, khát khao chinh phục đỉnh cao thì chính việc SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam cũng tạo động lực thi đấu cho họ. Việc được thi đấu tại SEA Games trên sân nhà, trước những người thân luôn tạo nên động lực đặc biệt cho các VĐV Đoàn Thể thao nói chung. Họ cũng bảo rằng, cứ theo chu kỳ tổ chức SEA Games thì phải 19 năm nữa, SEA Games mới quay lại Việt Nam. Lúc đó, tất cả đều đã lên “ông” nên việc dồn hết sức cho kỳ SEA Games trên sân nhà này như lẽ đương nhiên.
Dù sao, được thể hiện mình trước khán giả nhà, trước người thân luôn là cảm giác đặc biệt. Cũng vì thế mà những Trần Đình Nam, Phạm Quốc Khánh vốn luôn phải đối mặt với chấn thương, chịu đựng những cơn đau từ chấn thương nhưng vẫn quyết tâm đến cùng để có một kỳ SEA Games trọn vẹn. Và không riêng họ, còn nhiều VĐV lớn tuổi khác cũng đã coi SEA Games 31 là lần thi đấu cuối tại sân chơi thể thao khu vực này. Họ không lên ngôi vô địch nhưng chắc chắn cũng đã cháy hết với đam mê mà họ đã theo đuổi.
Tất nhiên, phía sau họ sẽ là khoảng trống cần sớm được san lấp. Hiểu theo cách khác, họ phải là sự lựa chọn tốt nhất ở đội tuyển quốc gia thì mới được tranh tài tại SEA Games 31. Và như vậy, các VĐV trẻ khác sẽ cần thời gian để đạt tới đẳng cấp của những VĐV kỳ cựu sẽ chia tay đội tuyển quốc gia.
Nhiều người cũng đã bước đầu đặt câu hỏi về việc ai sẽ thay thế xứng đáng Trần Đình Nam, Phạm Quốc Khánh, Trần Quốc Cường… ngay trong kỳ SEA Games tới vào năm 2023 cũng như những sân chơi quốc tế khác. Không dễ trả lời câu hỏi này khi tất cả đều hiểu rằng phải có sự đầu tư liên tục, trong thời gian dài thì thể thao Việt Nam mới sở hữu những VĐV tài năng như trên.
Và với lứa VĐV trẻ hiện tại cũng cần được đầu tư như vậy, thậm chí còn hơn để giúp thể thao Việt Nam duy trì thành tích thay vì để ra những khoảng trống mà phải mất một số kỳ SEA Games mới có thể san lấp. Nhưng về mặt nào đó, sự chia tay của các VĐV kỳ cựu ở đội tuyển quốc gia cũng mở ra cơ hội cho các VĐV trẻ. Quan trọng là họ nắm bắt như thế nào!
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/seagames31/nhung-loi-chia-tay-ngot-ngao-i654161/