Những lời dối trá sau cùng của Hitler
Đệ tam Đế chế cố giữ chút hơi tàn với động lực là những lời hiệu triệu cuối cùng trước khi tự kết liễu đời mình của Adolf Hitler. Trái với suy nghĩ của đại đa số mọi người, những sự kháng cự trên lãnh thổ nước Đức Quốc xã không chấm dứt bằng việc lá cờ Liên Xô được một người chiến sĩ Hồng quân cắm lên nóc tòa nhà Quốc hội Đức - hình ảnh mang tính biểu tượng.
Đệ tam Đế chế, thực ra, vẫn còn tồn tại thêm bảy ngày sau đó, với động lực là những lời hiệu triệu cuối cùng trước khi tự kết liễu đời mình của Adolf Hitler.
"Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng" (?!)
Khoảng 10h tối ngày 1-5-1945, khi đám sĩ quan cận vệ của Hitler đang tìm mọi cách để thoát thân khỏi boong-ke trú ẩn còn thi thể của gia đình Joseph Goebbels đang được hỏa thiêu theo ý nguyện cuối cùng của trùm tuyên truyền phát-xít Đức, đài phát thanh Hamburg đang phát Bản giao hưởng số Bảy của nhạc sĩ Bruckner.
Bỗng nhiên, tiếng nhạc ngưng lại. Một hồi trống nổi lên, và rồi phát thanh viên chậm rãi đọc: "Lãnh tụ của chúng ta, Adolf Hitler, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng chống lại bọn bolshevik, chiều nay đã ngã xuống tại tổng hành dinh của ông, trong Phủ Thủ tướng Đế chế. Ngày 30-4, Lãnh tụ (Fuehrer) đã chỉ định Thủy sư Đô đốc Karl Doenitz làm người kế nhiệm. Và bây giờ, Thủy sư Đô đốc - người kế nhiệm Fuehrer - sẽ phát biểu với nhân dân Đức".
Rồi Doenitz lên sóng. Thực ra, ông ta cũng chẳng biết chính xác mình nói gì. Ông ta không biết Hitler đã chết như thế nào, bởi chỉ được Joseph Goebbels thông báo vắn tắt qua một bức điện cụt lủn. Nhưng, trong thời khắc của sự sụp đổ ấy, như một quán tính, ông ta vẫn làm đúng được di nguyện của "Lãnh tụ", bằng việc nói lên những lời rỗng tuếch:
"Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cứu nguy cho nước Đức khỏi sự tàn phá của kẻ thù bolshevik. Chỉ với mục đích này mà cuộc đấu tranh quân sự vẫn sẽ tiếp diễn. Nếu việc thực hiện mục đích này bị người Anh và người Mỹ ngăn cản, chúng ta sẽ bắt buộc phải tự vệ chống lại họ. Tuy nhiên, trong tình hình này, Anh và Mỹ tiếp tục cuộc chiến không phải vì dân tộc của họ, mà cũng chỉ để giúp chủ nghĩa bolshevik lan rộng. Thượng Đế sẽ không bỏ rơi chúng ta, sau nhiều đau khổ và hy sinh như vậy".
Hơn ai hết, Karl Doenitz biết rất rõ rằng quân đội Đức Quốc xã cũng như cả nước Đức không còn sức chống cự nữa. Tuy vậy, ông vẫn muốn bơm vào dân tộc đó những liều doping tinh thần cuối cùng, bằng dối trá và cường điệu, như cách quen thuộc của người tiền nhiệm.
Adolf Hitler, như tất cả đều biết, đã tự sát trong tâm trạng phẫn uất và hỗn loạn bởi bị Goering và Himmler - những chiến hữu thân thiết nhất - phản bội, chứ hoàn toàn không "chiến đấu đến hơi thở cuối cùng". Tuy nhiên, binh sĩ Đức Quốc xã vẫn còn đang kháng cự quân Đồng Minh, và một thứ "huyền thoại" vẫn là điều cần thiết, để giữ vững tinh thần cho họ. Ít nhất, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, khi chỉ định Doenitz làm người kế vị, nhà độc tài vẫn ra lệnh cho vị Thủy sư Đô đốc tiếp tục cuộc chiến.
Và Doenitz đã tuân phục mệnh lệnh đó, cho dù ngày 29-4, toàn bộ quân Đức ở Ý đã đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (điều tốt cho Hitler là hệ thống viễn thông bị hư hại khiến ông ta không biết tin này, nên có thêm được chút nhẹ nhõm lúc tự sát).
Những tấn trò nhạt nhẽo
Ngày 4-5-1945, các đơn vị lính Đức ở tây - bắc Đức, Đan Mạch và Hà Lan mới đầu hàng tướng Montgomery.
Ngày hôm sau, 5-5, đến lượt tập đoàn quân G của tướng Kesselring (gồm hai đại đoàn số 1 và số 1) tại phía Bắc dãy Alpes đầu hàng. Cùng ngày, Đô đốc Hans von Friedeburg - tân Tư lệnh Hải quân Đức Quốc xã - đến tổng hành dinh của tướng Mỹ Ike Eisenhower đang đóng tại thành phố Reims (Pháp) để đàm phán.
Hôm sau nữa, 6-5, đại tướng Alfred Jodl - tùy viên quân sự thân tín của Hitler - cũng tới Reims, với lý do là giúp đỡ soạn thảo văn bản.
Nhưng Eisenhower, người mang những phẩm chất chính trị lão luyện bên trong cái vỏ một quân nhân, người về sau giải ngũ để trở thành Tổng thống Mỹ, đã nhận ra chân tướng của tất cả các vận động đó. Ông kể (theo William L.Shirer - cuốn Lịch sử Đức Quốc xã: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba): "Tôi bảo tướng Smith thông báo cho Jodl rằng nếu họ khộng chấm dứt thái độ giả vờ và trì hoãn, tôi sẽ đóng lại toàn bộ mặt trận Đồng minh, và sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn người tị nạn đi qua phòng tuyến của chúng tôi. Tôi không chấp nhận bất cứ sự trì hoãn nào nữa!".
Jodl và Friudeburg muốn gì? Hay đúng hơn, thừa lệnh Karl Doenitz, họ muốn gì? Mục đích của họ, như sau này khai báo tại tòa án Nuremberg, là kéo dài thêm ít ngày để có thể di chuyển càng nhiều càng tốt binh sĩ cũng như người tị nạn Đức tránh khỏi đường tiến quân của Hồng quân Liên Xô, để có thể đầu hàng các cường quốc Đồng Minh phương Tây (Anh, Mỹ).
Nhưng, biết đâu đấy, khi tập hợp được một khối quân - dân đủ lớn ở phía sau vành đai lửa, ai dám chắc điều gì có thể diễn ra? Và Einsenhower đã hành sự cẩn trọng nhất có thể, đúng với trách nhiệm của một vị Thống tướng nắm sinh mệnh toàn quân.
1h30 sáng ngày 7-5, nghe Jodl báo cáo qua điện tín, từ tổng hành dinh ở Flensburg trên biên giới Đan Mạch, Karl Doenitz cho phép Jodl toàn quyền ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện.
2 giờ 41 rạng sáng 7-5 ấy, Jodl thay mặt toàn bộ Đệ tam Đế chế, ký văn kiện đầu hàng đó. Bên phía Đồng minh có tướng Walter Bedell Smith ký đại diện làm chứng cho Mỹ, tướng Ivan Susoparov ký làm chứng cho Liên Xô, và tướng Francois Sevez ký làm chứng cho Pháp.
Hoàn tất trách nhiệm, Jodl xin phép phát biểu: "Với chữ ký này, dù tốt hay xấu, nhân dân Đức và quân đội Đức đã được trao vào tay những người chiến thắng. Trong thời khắc này, tôi chỉ có thể hy vọng rằng bên chiến thắng sẽ đối xử với họ một cách khoan hồng".
Không có đáp từ từ phía Đồng minh. Cũng mới 5 năm trước đó thôi, một lời đề nghị tương tự đã đụoc đưa ra, khi nước Pháp bị đánh bại và Paris bị chiếm đóng, nhưng nó đã trở thành vô nghĩa.
Phải một ngày sau đó, đến giữa đêm 8-5, rạng sáng 9-5, tiếng bom rơi đạn nổ mới hoàn toàn ngưng lại trên lãnh thổ Đức Quốc xã. Sau 5 năm, 8 tháng và 6 ngày kể từ khi Đức xua quân vào Ba Lan (1-9-1939) mở màn Đệ nhị Thế chiến, châu Âu mới lại yên tĩnh đến như vậy. Sau 12 năm, 4 tháng và 8 ngày trên đỉnh cao quyền lực (cũng như đưa nước Đức đến đỉnh cao quyền lực), Đệ tam Đế chế của Hitler chính thức bị chôn vùi.
Dân tộc Đức - "tháo vát và cả tin", như cách dùng từ của William L.Shirer - đã phải trả giá quá đắt cho sự ủng hộ cuồng nhiệt mà họ để Adolf Hitler khơi dậy, cho những khổ đau mà các dân tộc khác phải gánh chịu, cho cả một thời "gầm mây thét gió"…
Còn trước đêm 8-5 đó, vẫn có những đơn vị lính Đức tiếp tục kháng cự trong tuyệt vọng. Họ đã làm như vậy, bởi Hitler muốn thế, và Doenitz cũng đã cố gắng thực hiện ý muốn đó. Bằng những tấn trò nhạt nhẽo cuối cùng.
* Sau khi Hitler và Goebbel tự sát ngày 1-5, boong-ke tại Tổng hành dinh bị phóng hỏa. Tùy tùng của Hitler còn khoảng từ 500-600 người tại đó, tất cả đều lên kế hoạch bỏ trốn, bằng cách đi bộ dọc đường xe điện ngầm đối diện Phủ Thủ tướng, vượt sông Spree rồi luồn lách qua các phòng tuyến Hồng quân Liên Xô, đi lên phía bắc. Nhiều người đi thoát, nhưng thư ký Martin Bormann của Hitler thì bị chặn lại, và tự sát bằng thuốc độc.
* Chính phủ Đức của Karl Doenitz bị quân Đồng Minh giải tán ngày 23-5-1945. Tất cả các thành viên bị bắt giữ, để chuẩn bị cho Tòa án chiến tranh Nuremberg. Heirich Himmler bị bắt ở Bayern ngày 21-5, và tự sát hai ngày sau đó. Các thủ hạ thân tín còn lại của Hitler, như William L.Shirer trực tiếp quan sát và mô tả, "không còn giống những nhà lãnh đạo kiêu ngạo của thời trước, mà chỉ còn là một đám hỗn tạp những con người xoàng xĩnh" .
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-loi-doi-tra-sau-cung-cua-hitler-597159/