Những lợi ích khi làm thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi

Hơn 1 tháng qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước. Trong đó, trọng tâm là tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Đặc biệt, trong đợt cao điểm này, lực lượng Công an còn tổ chức cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, vì vậy, rất nhiều phụ huynh đưa con em đi làm căn cước.

Cán bộ Công an TP Cao Lãnh thu nhận thông tin sinh trắc học cho con của chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh)

Cán bộ Công an TP Cao Lãnh thu nhận thông tin sinh trắc học cho con của chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh)

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh đưa con đến Công an TP Cao Lãnh để làm căn cước. Tại đây, chị được lực lượng Công an hướng dẫn tận tình các bước thực hiện. Dù có rất đông người đến làm căn cước nhưng chị không mất nhiều thời gian khi nộp hồ sơ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm chia sẻ: “Làm căn cước với mục đích để sau này thuận tiện cho bé trong việc đi lại như: đi học, đi du lịch. Bé sẽ có giấy tờ tùy thân, đi tới đâu cũng có thể xuất trình được. Quy trình làm căn cước rất nhanh, cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện và có thể đăng ký trực tuyến”.

Từ đầu tháng 8/2024 đến ngày 4/9/2024, Công an trong toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai, thực hiện Luật Căn cước năm 2023. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của thẻ căn cước trong các giao dịch dân sự và trong đời sống xã hội. Ngoài ra, từ ngày 16/8 - 29/9/2024, Công an TP Cao Lãnh đã thành lập 2 Tổ thu nhận căn cước cho công dân gồm 1 Tổ cố định đặt tại Công an TP Cao Lãnh và 1 Tổ lưu động tại Công an các xã, phường. Thời gian thu nhận từ 7 giờ đến 22 giờ và sẽ thu nhận tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật. Trung bình mỗi ngày, 2 tổ thu nhận hơn 300 hồ sơ cấp căn cước.

Trung tá Võ Thị Kiều Oanh - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Đồng Tháp, cho biết: “Từ ngày 1/7/2024 đến nay, Công an thành phố đã thu nhận gần 13.600 trường hợp cấp căn cước. Trong đó, trẻ em dưới 14 tuổi là 11.269 trường hợp. Để phục vụ tốt nhu cầu cấp căn cước, trong quá trình thực hiện đợt cao điểm, Ban Lãnh đạo Công an thành phố chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, nhân lực để tạo mọi điều kiện cho người dân đến đăng ký cấp căn cước được nhanh chóng, thuận lợi”.

Đặc biệt, Công an TP Cao Lãnh đã xây dựng khu vực vui chơi, Tủ sách thiếu nhi cho trẻ em và cấp phát nước suối, sữa miễn phí, từ đó tạo niềm vui, sân chơi bổ ích và không gian thoải mái, gần gũi cho người dân trong thời gian chờ đợi làm thẻ căn cước.

Từ ngày 10/7/2024 đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 35.000 hồ sơ cấp căn cước. Trong đó có trên 16.000 hồ sơ của trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Trong khoản 3, Điều 19 của Luật Căn cước quy định: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Việc mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi mang lại nhiều lợi ích như: đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng khi được cấp, sử dụng thẻ căn cước trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh, giảm trường hợp bị thất lạc, hư hỏng giấy khai sinh; thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân. Ông Lê Văn Phúc ngụ Phường 2, TP Sa Đéc, cho biết: “Tôi đưa con em đi làm căn cước, vì không chỉ tiện lợi khi đi du lịch mà còn tích hợp được nhiều thông tin bảo mật. Lúc làm giấy tờ, chỉ cần trình giấy căn cước là xong, khỏi cần mang theo giấy khai sinh. Tôi thấy quy trình làm rất nhanh, gọn, lẹ”.

Công an TP Cao Lãnh bố trí điểm vui chơi và phát sữa, nước suối miễn phí cho trẻ em trong khi chờ đợi làm căn cước

Công an TP Cao Lãnh bố trí điểm vui chơi và phát sữa, nước suối miễn phí cho trẻ em trong khi chờ đợi làm căn cước

Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi còn góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và tiện ích của thẻ căn cước điện tử. Thượng tá Lâm Phước Hậu - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Đồng Tháp thông tin: “Công dân dưới 14 tuổi muốn được thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước phải có thông tin về nơi cư trú trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại). Người đại diện hợp pháp (cha, mẹ hoặc là người giám hộ) của công dân dưới 14 tuổi có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an (bằng tài khoản VNeID) được chia làm 2 trường hợp như sau: đối với nhóm từ 0 - 6 tuổi, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học nên cha, mẹ, người giám hộ không cần đưa bé đến nơi cấp căn cước; đối với nhóm từ 6 - 14 tuổi, cơ quan quản lý căn cước thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (gồm khuôn mặt, vân tay, mống mắt) theo quy định tại Luật Căn cước”.

Hiện nay, việc cấp thẻ căn cước lần đầu cho người dưới 14 tuổi vẫn miễn phí. Do đó, khuyến khích các bậc phụ huynh đưa trẻ đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh và Công an cấp huyện để thu nhận hồ sơ nhằm bảo đảm mọi quyền lợi cho trẻ khi thực hiện các giao dịch trong đời sống hằng ngày.

Thanh Thảo

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nhung-loi-ich-khi-lam-the-can-cuoc-cho-tre-em-duoi-14-tuoi-125755.aspx