Những lớp học xóa mù, hướng nghiệp ở Trại giam Nà Tấu
86% phạm nhân là người dân tộc thiểu số, 26,8% phạm nhân không biết chữ là một trong những khó khăn, rào cản lớn trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trại giam Nà Tấu - Điện Biên. Chính vì vậy, quyết tâm của Ban Giám thị, CBCS Trại giam Nà Tấu là dạy bằng được 'con chữ' để họ thuận lợi hơn trong làm lại cuộc đời.
Trại giam Nà Tấu đóng chân ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đây là khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xa khu dân cư, đường xá hiểm trở. Trải qua 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trại đã trả về cho cộng đồng hàng nghìn phạm nhân tiến bộ, có nhiều người đã trở thành những người thành công, hàng nghìn người có gia đình hạnh phúc, cuộc sống ổn định.
Trong số đó, có rất rất nhiều phạm nhân vào trại chưa biết chữ, khi trở về đã biết tính toán, làm ăn. Trong 10 năm, trại đã 130 lớp học tập giáo dục công dân cho phạm nhân cho 4.488 phạm nhân mới đến chấp hành án; mở 10 lớp học xóa mù chữ cho 469 phạm nhân; đã cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho 244 phạm nhân.
Sáng thứ 7, trời nắng gắt nên 7h lớp học đã bắt đầu. Hơn 30 phạm nhân già có, trẻ có đang nắm nót viết từng con chữ. Đối với nhiều phạm nhân, có lẽ cả đời họ sẽ không bao giờ nghĩ mình sẽ cắp sách tới trường, bởi tuổi thơ cơ cực, nghèo khó đã lấy đi của họ cơ hội đó. Có người, do nhận thức pháp luật kém, có người do hám lợi, cũng có người do nóng giận tức thời dẫn đến phạm tội.
Vào trại, gia đình họ hầu như không thăm nom, tiếp tế bởi đường sá xa xôi, kinh tế khó khăn nên tất cả đều phó mặc cho cán bộ, kể cả lúc ốm đau, bệnh nạn. Tưởng rằng, với điều kiện khó khăn như vậy, họ sẽ bị kỳ thị, xa lánh, hay bỏ mặc, nhưng trái với tưởng tượng của nhiều người, các phạm nhân đều được đối xử công bằng, được lao động, cải tạo vừa với sức của mình, khi ốm đau đều được chữa bệnh, đặc biệt, những người không biết chữ còn được đến trường, được đọc sách, đọc báo, nghe đài, xem tivi để biết rằng cuộc đời có ý nghĩ biết bao nhiêu, để thêm quyết tâm hướng thiện, hoàn lương…
Đặt hàng tính 4 con số với 3 dòng, phạm nhân Chảo Sơn Mìn, 42 tuổi, dân tộc Dao ở bản Huổi Lụ, xã Pá Mỳ, Mường Nhé, Điện Biên viết những con số thẳng tắp rồi cộng, sau đó lại trừ. Những phép tính với con số hàng nghìn này chưa bao giờ anh Mìn biết tới, bởi anh chưa bao giờ được đến trường. “Trước đây, nhìn con số là hoa mắt cán bộ ạ. Con tôi đi học về hỏi bài nhưng tôi chịu, cháu phải mang đến tận nhà thầy giáo cách 2 quả đồi để hỏi. Nếu biết chữ thế này thì tôi đã dạy được con” – anh Mìn cho biết.
Do gia đình khó khăn, lại ở vùng sâu vùng xa nên từ nhỏ không được đi học, chỉ sống trong bản, làng ít có cơ hội tiếp xúc với chữ và tiếng phổ thông. Vì không hiểu biết nên bị lôi kéo sử dụng ma túy dẫn đến nghiện và bị bắt khi đang tàng trữ ma túy.
Phạm nhân Chu Mụ Giá, 38 tuổi, người dân tộc Hà Nhì ở bản Ló Na, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng hồ hởi không kém, bởi anh sinh ra ở xã vùng xâu vùng xa, thời gian trước đường giao thông chưa được đầu tư, đường đất đá, khó khăn trong việc đi lại. Khoảng thời gian những năm 90 thế kỷ trước, việc đi học chữ là việc rất xa vời đối với những người dân địa phương, ở xã cũng mở điểm lớp dạy xóa mù chữ nhưng phần đông mọi người lúc đó không chú trọng việc học, chỉ thích đi làm nương.
“Tôi tiếp thu chậm, vì tâm lý không thích học, thích đi làm nương nên tôi bỏ giữa chừng, những kiến thức lúc đầu học được cũng quên dần và dẫn đến mù chữ. Ở trại, các cán bộ đã dạy tôi biết chữ, biết làm toán phải nhân chia trước, cộng trừ sau. Về nhà, tôi có thể đi chợ buôn bán kiếm sống rồi, không bao giờ phạm tội nữa ” – anh Giá kể.
Thượng tá Vũ Thế Chuyển, Giám thị Trại giam Nà Tấu cho biết, có nhiều người, khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về pháp luật, tư tưởng lạc hậu. Mà nguyên nhân chính là ảnh hưởng của văn hóa vùng miền, phong tục tập quán lạc hậu, ít tiếp xúc khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới của nhân loại; một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là hệ thống giáo dục còn chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân tại những nơi vùng sâu, vùng xa thiếu kịp thời....
Từ chỗ không hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật là một khoảng cách rất ngắn. Chính vì vậy, trại luôn coi trọng công tác giáo dục. kết quả đạt được đã phần nào giúp cho phạm nhân nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật và cũng từ đó nhận thức được tính chất, hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi phạm tội của mình gây ra... từ đó nỗ lực phấn đấu học tập, cải tạo.
Bên cạnh đó, trại còn quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao vui chơi giải trí cho phạm nhân trong các dịp lễ, tết với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đá cầu chinh, cờ tướng, đẩy gậy...., tổ chức các hoạt động chiếu phim cho phạm nhân, viết báo tường.
Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua "Khát vọng hoàn lương", "Niềm tin hướng thiện"; phạm nhân viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" đã trở thành nội dung giáo dục thường xuyên, liên tục, qua đó cũng nhận được những bài viết hay, cảm động của phạm nhân từ những lời xin lỗi người thân trong gia đình, bạn bè và cả về những nạn nhân mà họ đã gây ra. Khơi dậy cho họ tâm hồn hướng thiện, tạo cho họ động lực để phạm nhân phấn đấu lao động, cải tạo.
Trong những năm qua, trại đã tổ chức giáo dục 104 lớp tái hòa nhập cộng đồng cho 2.956 lượt phạm nhân. Các phạm nhân đều được giáo dục về các chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng khi trở về hòa nhập với cộng đồng, với xã hội. Cũng vì thế mà tỷ lệ tái phạm quay trở lại trại giam chiếm tỷ thấp 1,4%. cho thấy công tác giáo dục tái hòa nhập cộng đồng mang lại hiệu quả to lớn trong giáo dục người phạm tội trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.
Một trong những điểm mới trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Trại giam Nà Tấu đã tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân. Đây là hội nghị mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn kết, phối hợp giữa Trại giam Nà Tấu với gia đình phạm nhân trong việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân.
Thông qua hội nghị này, thân nhân của các phạm nhân biết được các chế độ chính sách của Nhà nước về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, lao động, chăm sóc y tế.... và tình hình chấp hành án, kết quả xếp loại thi đua chấp hành án của phạm nhân. Từ đó có sự phối hợp từ phía gia đình với đơn vị Trại giam Nà Tấu trong việc giáo dục phạm nhân. Thông qua Hội nghị gia đình phạm nhân, đã kêu gọi, thành lập "Quỹ tấm lòng vàng" trong phạm nhân, nguồn quỹ được kêu gọi từ sự chung tay đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, thân nhân gia đình phạm nhân và lực lượng cán bộ, chiến sỹ.
Cùng với làm tốt công tác giáo dục, Trại giam Nà Tấu coi trọng công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn trại giam, vận động các phạm nhân tố giác tội phạm. Nhờ đó, trong 10 năm qua, Trại giam không xảy ra đột xuất bất ngờ, an ninh, an toàn được đảm bảo. Nhiều phạm nhân đã tự tố giác các hành vi phạm tội của đối tượng bên ngoài, giúp Trại cùng các cơ quan chức năng làm rõ được nhiều vụ án khác.
Với thành tích đó, nhiều năm liên tục, Trại giam Nà Tấu đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và nhiều cấp khen thưởng.