Những lớp học xóa tái mù chữ người lớn đặc biệt ở vùng cao Lai Châu
Vào mỗi buổi tối, các lớp học chữ dành cho bà con các dân tộc thiểu số lại sáng điện đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao trong tỉnh Lai Châu. Các lớp học xóa mù chữ đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.
Xóa tái mù khó gấp nhiều lần học mới
Dào San là một trong những địa bàn xã khó khăn nhất ở huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, toàn xã có trên 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 62,06%, đặc biệt tình trạng mù chữ và tái mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Để nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngành giáo dục đã phối hợp với các cấp tổ chức lớp xóa mù chữ cho người dân.
Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) chia sẻ: Thực hiện công tác xóa mù chữ ở địa phương, hàng năm. Hiện, chúng tôi đang mở 3 lớp xóa mù chữ với 60 học viên ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng mỗi tuần 5 buổi vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Các lớp xóa mù chữ của nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2.
Theo cô Xuân, phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Đặc biệt, các học viên của lớp học đều là người đã lớn tuổi mới được tiếp cận tiếng phổ thông nên khi truyền đạt rất khó khăn trong phát âm, cách viết. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Với phần viết chữ, viết số, người trẻ tuổi dễ tiếp thu hơn nhưng với các ông, các bà lớn tuổi phải chỉ cách cầm bút, cầm tay dạy viết từng nét, từng chữ.
Trong thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về: nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Kết thúc khóa học, đảm bảo 100% học viên biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản...
Xóa mù chữ cũng là xóa đói giảm nghèo
Chị Lù Thị Mẩy, bản Dền Thàng, xã Dào San chia sẻ: Chị rất phấn khởi khi được tham gia lớp xóa mù chữ mà chị đã biết đọc, biết viết và tính toán làm ăn. Chị bảo lập gia đình từ sớm, quanh năm bận rộn với công việc đồng áng, chồng lại đi làm xa nhà, một mình chị chăm sóc 3 đứa con nên chị không thể đọc, viết được tiếng Việt khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. "Khi có các cán bộ đến vận động đi học lớp tái xóa mù chữ tôi đã đăng ký tham gia ngay" chị Mẩy cho biết.
Còn tại xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cũng đang triển khai các lớp học xóa mũ chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo cô Hoàng Thị Bích Huệ - Trường Trung học và Trung học cơ sở Nùng Nàn, huyện Tam Đường cho biết: Hiện nay, Trường đang có hai lớp xóa mù với 26 học viên tại hai điểm bản là Xì Miền Khan và Phan Chu Hoa. Nhà trường linh động thời gian và chọn dạy tại điểm bản để học viên giảm bớt thời gian đi lại, tạo điều kiện cho học viên tham gia học thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, khi giảng dạy tại điểm bản sẽ tạo hiệu ứng, vận động người chưa biết chữ đi học nhiều hơn.
Được biết, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng xóa mù chữ. Không riêng gì ở Dào San, Nùng Nàng, trên địa bàn Lai Châu còn có rất nhiều lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số như Pa Vệ Sử (Mường Tè), Sì Lở Lầu (Phong Thổ)… Giai đoạn 2021-2025 Lai Châu sẽ đầu tư cơ sở vật chất 94 trường; mở lớp dạy xóa mù chữ cho 5.583 người. Trong đó năm 2022 đầu tư cơ sở vật chất 23 trường, đầu tư phục vụ chuyển số 22 trường, mở 80 lớp xóa mù chữ với 1630 học viên.
Theo Ông Lò Việt Tuyển - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp và đưa ra được những giải pháp để thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù… Nhờ vậy, tỷ lệ huy động đối tượng mù chữ, tái mù chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ngày càng cao. Đến nay, tỷ lệ xóa mù chữ toàn tỉnh Lai Châu trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là 255.962/283.185 người đạt 90,4%.
Ông Lò Văn Tuyển cho biết: Thời gian tới, triển khai thực hiện tiểu dự án 1 trong dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là động lực quan trọng để thực hiện công tác xóa mù chữ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Lai Châu.