Những luận điệu cũ rích

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là BCĐ cấp tỉnh). Sau 1 năm được thành lập, BCĐ cấp tỉnh đã hoạt động tích cực, góp phần tạo chuyển biến lớn trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các đối tượng xấu cố tình phủ nhận những kết quả mà Đảng, Nhà nước ta đạt được trong công tác PCTN, tiêu cực, xuyên tạc tình hình tham nhũng tại Việt Nam và kích động sự hoài nghi trong dư luận.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt đấu tranh, loại trừ tham nhũng ra khỏi bộ máy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai tích cực các biện pháp để phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, từ khi BCĐ cấp tỉnh được thành lập, sức nóng của “lò đốt tham nhũng” được mở rộng đến tận cơ sở, qua đó góp phần chấn chỉnh ý thức, tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá chế độ, các đối tượng xấu đã ra sức xuyên tạc vấn đề tham nhũng tại Việt Nam. Những luận điệu được chúng đưa ra không mới, vẫn là các lập luận cũ rích như: “Việt Nam chống tham nhũng không thể thành công nếu không thay đổi thể chế”, “Đảng Cộng sản không thực tâm muốn chống tham nhũng mà chỉ lợi dụng việc chống tham nhũng để đấu đá nội bộ”, “việc thành lập BCĐ cấp tỉnh chỉ nhằm “gióng trống, khua chiêng” đánh lừa, che mắt người dân”… Vào mỗi dịp Đảng, Nhà nước tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác PCTN, tiêu cực hoặc khi các cơ quan chức năng xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, những “kịch bản chống phá” nêu trên lại được các “loa rè dân chủ” lặp lại một cách thô kệch.

Sau 1 năm thành lập BCĐ cấp tỉnh, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ cấp tỉnh. Theo đó, BCĐ cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.

Tại thời điểm đó, có một số ý kiến cho rằng, “việc thành lập BCĐ cấp tỉnh chỉ là hình thức, làm khổ người dân”, “việc trao quyền cho bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo là một hình thức tập trung quyền lực cho bí thư tỉnh ủy, thành ủy”, “Đảng đang tranh giành quyền lực với các cơ quan hành pháp”… Tuy nhiên, những kết quả đạt được sau 1 năm thành lập BCĐ cấp tỉnh đã bác bỏ hết những luận điệu lệch lạc này. Từ khi thành lập đến nay, BCĐ cấp tỉnh đã thực hiện gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, tiêu cực theo thẩm quyền, qua đó kịp thời phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý đối với các tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định. BCĐ cấp tỉnh cũng đã rà soát, đưa 600 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Những trường hợp bị đưa ra xử lý đều đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận. Thông qua công tác phát hiện, xử lý vi phạm, chúng ta đã từng bước chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu của cả học giả Việt Nam và nước ngoài đã chỉ rõ bản chất và nguồn gốc của tham nhũng. Rõ ràng, tham nhũng là sự tha hóa của quyền lực có thể nảy sinh trong mọi thời kỳ, mọi xã hội có sự phân hóa quyền lực. Tuy nhiên, qua miệng lưỡi của các “nhà dân chủ”, tham nhũng đã bị biến thành “sản phẩm riêng” của các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực chất, đây là mưu đồ rất thâm hiểm của những kẻ chống phá. Lợi dụng tâm lý khinh ghét tham nhũng của người dân, chúng đang cố tình tô lem chế độ ta bằng những vết mực loang nổ mang tên “tham nhũng”. Từ đó, chúng kích động sự hoài nghi, thiếu tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Dù luôn miệng rêu rao phải chống tham nhũng nhưng chính các “nhà dân chủ” lại là những kẻ không mong muốn Việt Nam chiến thắng trong công cuộc này. Chúng thừa biết tham nhũng là kẻ thù của chế độ, là “sâu mọt gặm nhấm” đất nước, khiến chúng ta bị mục ruỗng từ bên trong. Điều này cũng hoàn toàn hợp với những mong muốn của chúng là tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong lòng xã hội Việt Nam. Không khó để thấy, mỗi khi Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh đấu tranh, xử lý tham nhũng thì chính những “nhà dân chủ” lại bàn lùi, tung ra những luận điệu chê bai, xuyên tạc chính sách. Đến khi việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật mang lại hiệu quả, một lần nữa chúng lại “bóp méo” thông tin, “bẻ cong” sự thật, hù dọa người dân bằng cách vu khống, cho rằng đây là sự “đấu đá nội bộ”.

Đảng ta xác định PCTN, tiêu cực là vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Trong cuộc chiến này không có chỗ cho sự hòa hoãn, “dĩ hòa vi quý”, đồng thời cũng không thể có chỗ cho những luận điệu sai trái tồn tại. Bởi vậy, bên cạnh việc “đánh trong”, chúng ta cũng phải “dẹp ngoài”, kiên quyết loại trừ, dẹp bỏ, xử lý các thông tin xấu, độc xuyên tạc công tác đấu tranh, PCTN, tiêu cực.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/145879/nhung-luan-dieu-cu-rich