Những luận điệu xuyên tạc về nền giáo dục Việt Nam đều lạc lõng

Đầu tháng 7-2023, một tờ báo uy tín ở Anh có bài viết đánh giá cao hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Các thế lực thù địch đã 'chớp' ngay 'cơ hội' này để bình luận trên không gian mạng với những lời lẽ bịa đặt trắng trợn, xuyên tạc về nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Việt Nam.

Một số video clip có nội dung xấu, độc về lĩnh vực giáo dục

Một số video clip có nội dung xấu, độc về lĩnh vực giáo dục

Theo đó, một số trang mạng xã hội Facebook và Youtube của trang t.b… gần đây có các video clip mang tiêu đề như: “Giáo dục XHCN: Quan ăn cỗ, dân ăn hôi. Dân muốn có chữ phải nhừ thân!”, hoặc “Thấy Tây khen rồi tự sướng…”; còn trang TTV… livestream hơn 1 giờ 45 phút để bàn về chủ đề “GDVN tốt nhất thế giới”; trang T.G…. ngày 14-7 thực hiện video clip dưới dạng phỏng vấn trao đổi với chủ đề: “Giáo dục VN, học sinh đánh nhau hội đồng? - Lương giáo viên ở Việt Nam”…

Điểm chung của các video clip trên có nội dung như sau: Một là phủ nhận hoàn toàn sạch trơn những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam; hai là khoét sâu vào một số biểu hiện đơn lẻ còn tồn tại của nền giáo dục rồi quy đó là bản chất của nền giáo dục Việt Nam; ba là bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, rồi tiếp đến bôi nhọ nền giáo dục XHCN, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Truyền thông Anh đánh giá cao hệ thống giáo dục Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà tờ The Economist - một tờ báo uy tín của Anh - có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam. Bằng sự am hiểu sâu sắc về quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, đồng thời có sự so sánh trong tương quan giữa các nước trong khu vực, cũng như các nước đang phát triển khác, bài viết đã có những phân tích, nhận định khách quan, dựa trên những số liệu cụ thể.

Bài báo chỉ ra rằng, mặc dù ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, vẫn thấp hơn so với các nước cùng khu vực như Malaysia và Thái Lan, nhưng chất lượng giáo dục của Việt Nam có thể có ít điều phải phàn nàn. Theo bài báo, hệ thống giáo dục Việt Nam tốt là nhờ Nhà nước đề cao giá trị giáo dục và năng lực của giáo viên.

Để đưa đến nhận định: “Học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt trên thế giới”, bài báo dẫn chứng các thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các cuộc đánh giá quốc tế; cùng với các kết quả nghiên cứu của các tổ chức uy tín quốc tế như: Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới; nghiên cứu của ông Abhijeet Singh tại Trường Kinh tế Stockholm; nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington, D.C…

Như vậy, từ những dữ liệu khách quan, được nghiên cứu bài bản từ các đơn vị, tổ chức uy tín trên thế giới, bài báo có thêm cơ sở dữ liệu để phân tích, nhận định về nền giáo dục Việt Nam. Điều này không ai có thể bịa đặt hoặc can thiệp được. Chỉ có những đối tượng thù địch, luôn hằn học trước những thành tựu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực mới đưa ra những phát ngôn ngông cuồng, không có căn cứ về tình hình Việt Nam.

* Không thể phủ nhận những thành tựu giáo dục XHCN

Vốn là dân tộc coi trọng truyền thống giáo dục, trọng văn hơn trọng võ, từ lâu, ông cha ta rất quan tâm đến sự học và truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tư tưởng, nếp sống của các tầng lớp nhân dân. Trong lịch sử dân tộc, nhiều triều đại rất quan tâm đến sự học, cũng như chăm lo đến công tác giáo dục, đào tạo, phát triển, trọng dụng nhân tài.

Dù vậy, trong bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trải qua những năm tháng sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, bị áp dụng chính sách “chia để trị, ngu để trị”, dân tộc ta bị lâm vào cảnh nhiều người mù chữ.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền còn non trẻ đó là diệt “giặc dốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cùng khát khao cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã phát động phong trào Bình dân học vụ để diệt giặc dốt và lan tỏa khắp các thôn làng, ngõ hẻm.

Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Suốt 78 năm qua, kể từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xóa mù chữ và phong trào xã hội học tập ngày nay là những bước tiến quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Khái quát lại bối cảnh lịch sử để thấy rằng, thành tựu của nền giáo dục ngày nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ, là bước tiến vượt bậc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo toàn diện, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành linh hoạt của Nhà nước cùng sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

* “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”

Những thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn tập trung bám sát và thực hiện tốt chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14-1-1993.

Tại chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU Đồng Nai nhiệm kỳ 2025-2030, trong chuyên đề Kỹ năng xác định tầm nhìn - mục tiêu và tư duy chiến lược của người lãnh đạo, quản lý, PGS-TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, nêu thông tin: “So với nhiều nước trong khu vực, với vị thế của nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn có tỷ lệ nhập học cao (trên 90%), thậm chí cao hơn cả những nước có thu nhập cao hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ”.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29-7-2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế do Tỉnh ủy vừa tổ chức có nêu: Bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước tác động đến quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Về giáo dục, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở GD-ĐT tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí của các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh…

Phát biểu tại hội nghị trên, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh: “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp”.

Như vậy, có thể thấy, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành linh động, sáng tạo của Nhà nước, cùng sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả ấn tượng về nhiều mặt, được cộng đồng thế giới ghi nhận. Mọi sự phủ nhận sạch trơn, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch trong các video clip nêu trên đều lạc lõng, chỉ nhằm mục đích làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, đồng thời càng cho thấy rõ bản chất xấu, độc của các đối tượng này.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202308/nhung-luan-dieu-xuyen-tac-ve-nen-giao-duc-viet-nam-deu-lac-long-3173278/