Những lưu ý để chạy xe máy an toàn về quê dịp Tết

Bên cạnh việc kiểm tra phương tiện, người lái cũng cần đảm bảo sức khỏe để có thể điều khiển xe an toàn về đến nhà.

Người dân có quê không quá xa nơi đang sinh sống, làm việc thường sử dụng xe máy để di chuyển về quê dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng xe cá nhân thay vì phương tiện công cộng cũng gia tăng.

Khác với điều khiển xe máy để đi hàng ngày trong phố, điều khiển xe quãng đường dài liên tục yêu cầu nhiều hơn về thể lực của người lái cũng như "sức khỏe" của chiếc xe.

Kiểm tra tổng quát phương tiện

Kiểm tra và bảo dưỡng xe trước chuyến đi là điều bắt buộc phải làm để đảm bảo phương tiện ở tình trạng tốt nhất. Chủ xe có thể tự kiểm tra "xế cưng" tại nhà nếu có kinh nghiệm và đủ trang bị.

 Nên kiểm tra xe cẩn thận trước khi di chuyển về quê dịp Tết.

Nên kiểm tra xe cẩn thận trước khi di chuyển về quê dịp Tết.

Chia sẻ với Zing, anh Minh Trung, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, chia sẻ những hạng mục có thể tự làm tại nhà như kiểm tra lốp hay thay dầu động cơ. Nếu có đủ dụng cụ, chủ xe có thể làm thêm các hạng mục như thay má phanh, kiểm tra và thay thế đèn chiếu sáng...

Lốp xe là bộ phận nên được ưu tiên kiểm tra, quan sát bằng mắt thường xem bề mặt lốp có dính dị vật hay không, độ mòn của lốp đã đến giới hạn chưa. Trong trường hợp lốp quá mòn hay xuất hiện các vết nứt, cần thay thế lốp mới để hạn chế tình trạng lốp mất độ bám với mặt đường. Bên cạnh đó, áp suất lốp cũng là yếu tố nên được kiểm tra, mức áp suất lốp khuyến nghị thường được dán ở gắp sau hoặc phía trong hộc chứa đồ.

Đối với dầu động cơ, nếu xe đã thay dầu được khoảng 1.000 km hoặc quãng đường về quê tương đối xa (tầm 300-500 km), chủ phương tiện nên cân nhắc thay dầu mới để đảm bảo động cơ hoạt động êm ái và bền bỉ. Mỗi hãng có cấp độ dầu khuyến nghị khác nhau, nên chọn loại dầu theo đúng khuyến nghị cho phương tiện.

 Có thể mang xe đến cửa hàng để kiểm tra nếu không am hiểu về xe.

Có thể mang xe đến cửa hàng để kiểm tra nếu không am hiểu về xe.

Các hệ thống khác như phanh hay còi cũng có thể tự kiểm tra dễ dàng bằng cách quan sát và sử dụng thử. Độ mòn của má phanh đĩa có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường, trong khi phanh tang trống sẽ được nhìn thông qua vạch chỉ thị độ mòn lắp bên ngoài.

Nếu là người không am hiểu về xe, dịch vụ kiểm tra tổng quát phương tiện là giải pháp tốt nhất để biết được tình trạng của "xế cưng". Hầu hết cửa hàng sửa xe cũng như khu vực kỹ thuật của hãng đều có dịch vụ này, mức phí kiểm tra tổng quát xe máy phổ thông chỉ khoảng 100.000-300.000 đồng.

Giữ sức khỏe tốt, trang bị đầy đủ bảo hộ

Sau khi đảm bảo xe máy đã trong tình trạng tốt nhất, người lái cũng cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Điều khiển xe về quê yêu cầu người lái phải tập trung cao độ để quan sát và xử lý tình huống.

 Cần giữ sức khỏe tốt trước khi lái xe về quê.

Cần giữ sức khỏe tốt trước khi lái xe về quê.

Trước ngày khởi hành, cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để mang đến tinh thần thoải mái. Người lái cũng cần chuẩn bị trước những đồ dùng mang theo như balo, áo khoác, găng tay..., việc để sẵn sẽ giúp tránh được tình trạng bỏ sót đồ cũng như tâm lý bất an khi điều khiển xe.

Khi di chuyển xa, nên sử dụng mũ bảo hiểm fullface hoặc tối thiểu là 3/4. Dù không tạo được sự thoải như mũ nửa đầu, mũ 3/4 và fullface lại có khả năng bảo vệ tốt hơn nhờ che chắn được các vị trí như gáy hay cằm người đội. Mang giày bít mũ và găng tay cũng là những điều nên làm khi điều khiển xe máy về quê.

Bên cạnh những trang bị kể trên, người lái có thể cân nhắc mặc quần áo bảo hộ. Hiện tại trên thị trường có 2 loại chất liệu quần áo bảo hộ là vải và da. Ưu điểm của loại bảo hộ vải là thoáng khí và nhẹ, tuy nhiên khả năng bảo vệ khi xảy ra va chạm không cao như bảo hộ da.

 Nên trang bị bảo hộ đầy đủ khi đi đường xa.

Nên trang bị bảo hộ đầy đủ khi đi đường xa.

Người lái cũng cần chủ động nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian chạy để lấy lại sự tỉnh táo cũng như cho phương tiện được nghỉ ngơi.

Không có con số cụ thể về thời gian nghỉ, tuy nhiên nên tạm dừng lái xe sau khoảng 2-3 giờ chạy. Với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 40 km/h, nên dừng nghỉ sau mỗi 100-150 km chạy xe.

Tuy nhiên việc dừng xe quá nhiều lần hay quá lâu cũng gây ra tình trạng uể oải, mệt mỏi cho người điều khiển phương tiện. Nên kết hợp việc nghỉ ngơi trong quá trình xe đổ xăng, hầu hết xe máy phổ thông đều có khả năng đi được hơn 100 km với một bình xăng đầy.

Điều cuối cùng cần ghi nhớ là hãy chạy xe đúng tốc độ và đúng luật giao thông. Điều này không chỉ giúp bản thân người lái an toàn mà còn giúp các phương tiện xung quanh di chuyển dễ dàng.

Vĩnh Phúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-luu-y-de-chay-xe-may-an-toan-ve-que-dip-tet-post1291433.html