Những lưu ý để tăng cơ hội bán hàng vào Trung Quốc trong bối cảnh mới

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Tuy nhiên, thông tin từ đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, doanh nghiệp cần lưu ý những chính sách mới về thương mại, kiểm soát dịch bệnh… thì mới có thể tăng cơ hội bán hàng vào nước láng giềng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương, tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng Tư vừa qua, với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho biết, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới hai nước đã ổn định trở lại, hiệu suất thông quan nâng cao.

Tại một số địa phương, nơi có các cửa khẩu biên giới quan trọng với hoạt động thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày đã đạt cỡ mức trước dịch Covid-19.

Những yếu tố thuận lợi nêu trên dự kiến sẽ có tác động tích cực vào việc khôi phục hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam từ quí 2 này cho đến cuối năm. Trong đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cải thiện trong quí này nhưng doanh nghiệp xuất khẩu nên nắm bắt các quy định mới của thị trường để việc làm ăn thuận lợi hơn.

Theo ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, doanh nghiệp nên lưu ý đến một số quy định mới được Chính phủ Trung Quốc ban hành. Trong đó, tháng 4-2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”. Nội dung đáng chú ý trong ý kiến này là sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Thêm vào đó, nước này cũng quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER).

Cũng theo ông, các hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và đẩy mạnh làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa được thông thương suôn sẻ. Hiện Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các đợt dịch như dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu phi, dịch đậu mùa khỉ… nên doanh nghiệp cần cập nhật thông tin.

Về các sản phẩm nên ưu tiên, ông Tài cho rằng, với ngành rau quả, doanh nghiệp nên nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp chế biến rau quả của Trung Quốc. Việc này vừa giúp nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu vừa bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến, một thị trường không ngừng tăng trưởng trong những năm trở lại đây.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng cho biết thêm, doanh nghiệp thủy sản, cần chủ động trong việc đăng ký gia hạn xuất khẩu trên Hệ thống thương mại một cửa, tránh đăng ký gia hạn vào gần thời điểm hết hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-luu-y-de-tang-co-hoi-ban-hang-vao-trung-quoc-trong-boi-canh-moi/