Những lưu ý đi lễ chùa đầu năm nhiều người không biết

Đi chùa đầu năm là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi đi chùa ngày Tết để cả năm may mắn, rủng rỉnh.

Ngày tốt nên đi lễ chùa

Mùng 1

Theo quan niệm cả người Việt xưa, việc lên chùa vào mùng 1 tết đã trở thành nét đẹp văn hóa, thậm chí họ sẽ lên chùa ngay đêm giao thừa. Họ cầu cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hòa thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Nên đi chùa vào mùng 1 cũng đồng nghĩa cả năm bạn sẽ có được sự an lạc, cả năm may mắn. Hứa hẹn một năm mới tràn ngập tin vui.

Mùng 2, 3

Ngày mùng 2, 3 là lễ đón Hỷ thần (may mắn, hạnh phúc), đón tài thần. vậy nên, đi chùa vào 2 ngày này sẽ được cầu nhiều tài lộc, tiền bạc dư giả nguyên năm.

Mùng 4

Ngày mùng 4 là ngày các gia đình đón các vị thần từ thiên đình về hạ giới cai quản một năm. Nếu đi chùa vào ngày này và thành tâm, thì điều bạn mong muốn sẽ được linh ứng và dễ thành hiện thực, ngày này cầu gì sẽ được nấy, nên nhưng ai muốn cầu tình duyên có thể chọn ngày này.

Mùng 6

Theo phong tục xưa, mùng 6 là ngày bình an, và mùng 6 năm nay cũng là ngày rất tốt để xuất hành cho các chuyến đi. Vậy nên, đi chùa vào ngày này cầu mong bình an, sức khỏe, gia đạo sẽ rất tốt.

Trang phục kín đáo, trang trọng

Đền, chùa là chốn trang nghiêm. Hãy chọn cho mình một bộ trang phục có sắc màu nhã nhặn, bởi nơi bạn đến không phải như những nơi thông thường, ở đây là nơi linh thiêng vì vậy mà trang phục của bạn nên chú ý đến màu đơn sắc, thể hiện được sự tôn nghiêm.

Khi đi lễ chùa, tốt nhất là chúng ta nên tránh các trang phục như áo sát nách, quần lửng cùng các loại hình 'thời trang mát mẻ' khác.

Chọn quần áo với màu nhẹ như: Màu hồng, màu nâu, màu xanh nước biển nhạt,... Những trang phục có màu sắc quá sặc sỡ (đỏ, cam, xanh chuối...) chúng ta cũng nên tránh. Nếu được, có thể chọn kiểu áo lam bởi kiểu áo này luôn dùng các màu sắc phù hợp để đi chùa.

Gợi ý tuyệt vời cho bạn đi chùa mặc đó là áo dài. Áo dài bộ trang phục thích hợp đi chùa nhất là vào các dịp lễ tết, thể hiện được sự duyên dáng lại rất thích hợp tại các chùa chiền.

Lễ vật khi đi lễ chùa

Việc sửa soạn đi lễ chùa, sắm lễ vật để đi lễ chùa đều có những quy định mà người hành lễ phải tuân thủ là: các lễ chay như xôi, chè, oản, hoa quả,… Không mang những lễ vật mặn như thịt, giò, chả,…

Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.

Không nên sắm sửa tiền âm phủ hay vàng mã khi đi lễ tại chùa, nếu có thì chỉ nên đặt một ít ở bàn thờ thánh mẫu hoặc Đức Ông. Nếu bạn muốn đặt tiền thật thì hãy bỏ vào hòm công đức ở chùa.

Bước hành lễ khi đi lễ chùa

Đặt lễ vật, thắp hương ở ban Đức Ông trước.

Thắp đèn nhang, đặt lễ ở chính điện.

Thắp hương ở tất cả các ban khác.

Nếu chùa nào có điện Mẫu, tứ phủ thì đặt lễ, thắp hương ở đây.

Lễ ở nhà Hậu – nhà thờ Tổ.

Cầu nguyện

Theo quan điểm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ bình an chứ không thể phù hộ về tài lộc, công danh như ý muốn. Hoặc bạn có thể cầu xin may mắn trong chuyện tình cảm hay công việc thuận lợi nhất.

Hái lộc đầu năm đúng cách

Việc lấy lộc ở đền chùa không phải ai cũng biết. Nhiều người thường mang đồ đã đi lễ ở chùa về cúng lại ở ban thờ nhà mình, điều này là hoàn toàn không nên. Đồ đã cúng rồi không nên cúng lại, hơn nữa đồ ở chùa đã mang khí âm, không tốt cho gia đình bạn. Kể cả những cành cây lộc, bánh kẹo hay bất cứ đồ đạc gì ở chùa cũng vậy.

Theo quan điểm của nhà Phật cho rằng không nhất thiết phải hái lộc bằng việc bẻ cành ngắt lá. Lộc về nhà do cái tâm của gia chủ. Thay vì hái lộc, thay vì cầu trời khấn Phật để được hưởng quả lành, mỗi người chúng ta hãy gieo nhân lành bằng lối sống, cách nghĩ, lời nói của mình, năng tích đức hành thiện, làm những điều đúng theo đạo đức, lộc sẽ tự nhiên mà tới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nhung-luu-y-di-le-chua-dau-nam-nhieu-nguoi-khong-biet-lPCAKtEMg.html