Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị chàm
Bệnh chàm tuy không lây nhiễm, nhưng có thể kéo dài gây mất thẩm mỹ, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Cần phát hiện và điều trị chàm sớm nhất để đạt được hiệu quả cao nhất.
1. Nguyên nhân gây bệnh chàm
Bệnh chàm (eczema) là một dạng viêm da cơ địa gây viêm nhiễm cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da khô, ngứa và tái phát mãn tính.
Chàm có thể ảnh hưởng đến mọi nhóm tuổi, nhưng thường bắt đầu từ thời thơ ấu và ảnh hưởng đến 10% đến 20% trẻ em.
Nguyên nhân mắc bệnh chàm:
Di truyền.
Tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa...
Tiếp xúc với mạt bụi, phấn hoa, lông động vật...
Tâm lý.
Cách chăm sóc da.
Thực phẩm.
Một số vi khuẩn có có thể làm bùng phát bệnh chàm.
2. Các triệu chứng thường gặp
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Phát ban chàm thường xuất hiện trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay và má.
Ở người lớn: Có thể thấy trên các nếp gấp của cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, mặt và cổ.
Da khô làm tình trạng ngứa và phát ban trở nên trầm trọng hơn. Chà xát và gãi da gây kích ứng nhiều hơn và do đó ngứa nhiều hơn. Khi bị chàm trong một thời gian dài, vùng da bị ảnh hưởng có thể trở nên dày hơn. Nhiễm trùng xảy ra khi tình trạng viêm và ngứa không được kiểm soát tốt.
Bệnh chàm kéo dài sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều tổn thương ngoài da sẽ khó điều trị hơn rất nhiều. Do vậy, cần phát hiện và điều trị sớm nhất để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Các thuốc điều trị chàm và những lưu ý khi sử dụng
3.1 Giữ ẩm cho da
Khi mắc bệnh chàm, da thường khô, ngứa và phát ban... Do đó, giữ ẩm và dưỡng ẩm cho da là một phần quan trọng trong chăm sóc bệnh chàm. Sau khi ngâm da trong bồn nước ấm hoặc tắm vòi hoa sen, nhẹ nhàng thấm khô da và ngay lập tức thoa kem dưỡng ẩm lên da (lúc còn hơi ẩm), giúp cải thiện tình trạng khô da.
Các chất dưỡng ẩm bao gồm: Petrolatum và ceramides... Ceramides có tự nhiên trong da và có thể cần được bổ sung cho da bị chàm.
3.2 Steroid tại chỗ
Steroid tại chỗ là thuốc chống viêm được sử dụng trên các vùng phát ban. Khi được sử dụng đúng chỉ đinh sẽ an toàn và hiệu quả, nhưng nếu dùng quá lâu (hơn 2 tuần) tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn như làm mỏng da. Do đó, không nên sử dụng steroid mạnh trên một số vùng nhất định, chẳng hạn như nách, vùng bẹn và mặt.
3.3 Thuốc steroid toàn thân hoặc thuốc tiêm steroid
Thuốc steroid tác dụng toàn thân mạnh hơn nhiều so với steroid tại chỗ và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn (bao gồm tăng cân và các vấn đề về xương, tim mạch, đái tháo đường). Chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
3.4 Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ
Bao gồm tacrolimus và pimecrolimus... Đây là thuốc chống viêm tại chỗ không steroid, lựa chọn thứ hai được sử dụng, nếu steroid không thành công hoặc để giúp da nghỉ ngơi sau khi dùng dài ngày steroid. Những loại thuốc này thường không làm mỏng da nên có thể được sử dụng trên mí mắt và các vùng khác trên khuôn mặt.
3.5 Thuốc ức chế phosphodiesterase tại chỗ
Đây là một loại thuốc chống viêm khác không steroid tại chỗ, được chấp thuận cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Crisaborole bôi hai lần mỗi ngày lên mặt và cơ thể. Thuốc không làm mỏng da như steroid tại chỗ.
3.6 Thuốc ức chế JAK (con đường gây viêm khác)
Ruxolitinib tại chỗ hiệu quả đối với bệnh chàm không đáp ứng với steroid tại chỗ. Lưu ý, thuốc không nên sử dụng trong hơn 8 tuần liên tục và chỉ sử dụng trên ít hơn 20% tổng diện tích bề mặt cơ thể ở những người từ 12 tuổi trở lên.
Hai chất ức chế JAK đường uống upadaticinib ở người từ 12 tuổi trở lên và abrocitinib ở người lớn được chấp thuận cho bệnh chàm.
3.7 Thuốc sinh học
Thuốc sinh học đã được phê duyệt cho nhiều tình trạng bao gồm hen suyễn và bệnh chàm. Trong đó dupilumab được phê duyệt để điều trị bệnh chàm từ trung bình đến nặng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên; tralokinumab được chấp thuận cho người lớn bị viêm da dị ứng.
3.8 Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin dạng uống không làm giảm ngứa liên quan đến bệnh chàm, vì bệnh không được kích hoạt bởi histamin. Tuy nhiên, loại kháng histamine tác dụng an thần đôi khi được sử dụng để giúp cải thiện giấc ngủ cần thiết vào ban đêm. Những tác dụng phụ tiềm ẩn khi dùng thuốc kháng histamin: Tăng buồn ngủ hoặc buồn ngủ vào ban ngày, tăng khô da và khó tiểu.
Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin D nếu thiếu vitamin D trong khi mắc bệnh chàm, bởi đã có bằng chứng nghiên cứu liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D với bệnh chàm.
4. Các phương pháp điều trị khác
4.1. Quang trị liệu
Đây là một hình thức trị liệu bằng ánh sáng thường được các bác sĩ da liễu thực hiện để điều trị bệnh chàm lan tỏa nghiêm trọng trên cơ thể hoặc bệnh chàm nặng ở tay. Liệu pháp dành riêng cho người lớn và trẻ em không dùng được steroid tại chỗ và các lựa chọn điều trị sẵn có khác. Tác dụng phụ có thể bao gồm cháy nắng và lão hóa sớm.
4.2. Liệu pháp băng ướt
Thường được sử dụng cho những người mắc bệnh chàm khó kiểm soát. Trong liệu pháp này, da được ngâm trong nước ấm khoảng 15-20 phút rồi vỗ nhẹ cho khô. Sau đó dùng thuốc bôi (thường là steroid hoặc thuốc chống viêm khác) lên vùng da bị viêm rồi băng ướt (ẩm, không nhỏ giọt) bằng gạc hoặc quần áo cotton lên trên. Tiếp theo là dùng vật liệu quấn khô, chẳng hạn như băng thun, đồ ngủ hoặc vớ, đặt trên băng ướt. Liệu pháp có thể được sử dụng trong 2-6 giờ hoặc có thể được sử dụng qua đêm, trong các đợt bùng phát bệnh.
4.3. Liệu pháp giảm căng thẳng
Các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như phản hồi sinh học và các kỹ thuật khác có thể được sử dụng để cải thiện tâm trạng và giảm lo lắng liên quan đến bệnh chàm.
5. Phòng tránh bệnh chàm
Có thể phòng tránh mắc bệnh chàm bằng cách:
-Tránh các tác nhân gây bùng phát bệnh chàm: Hóa chất, chất tẩy rửa, nước hoa, một số loại vải và khói có thể gây kích ứng da ở những người bị bệnh chàm. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không có mùi thơm.
- Mặc quần áo thoải mái, giặt tất cả quần áo mới trước khi mặc.
- Giữ móng tay ngắn và nhẵn để tránh làm tổn thương thêm da do trầy xước.
- Tránh các thực phẩm liên quan đến bệnh viêm da trước đó.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh chàm.
- Tránh quá nóng, lạnh hoặc khô, vì chúng có thể là những tác nhân tiềm ẩn.