Những lưu ý khi lái xe đường dài du xuân
Tết là thời gian nhiều người sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển. Cầm lái trong suốt quãng đường dài luôn là thử thách, nhất là với lái mới.
Tết đến và đầu năm mới cũng là lúc lượng người tham gia giao thông tăng vọt khiến đường sá ở các thành phố du lịch trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Do đó, chỉ cần một chút lơ là cũng xảy ra trường hợp đáng tiếc. Dưới đây là những kinh nghiệm bỏ túi giúp cánh tài xế lái xe an toàn trong những ngày du xuân.
Kiểm tra và bảo dưỡng xe trước khi đi xa
Việc kiểm tra tình trạng xe trước hành trình là việc hết sức cần thiết. Đừng ngại khi bỏ ra vài phút để kiểm tra chiếc xe của mình. Các chi tiết cần kiểm tra có thể kể đến như: đèn, phanh (thắng), bánh xe, nước làm mát, nước rửa kính lái… Đây là những bộ phận quan trọng cần được kiểm tra xem chúng có hoạt động bình thường hay không.
Lốp xe và hệ thống phanh luôn rất quan trọng khi xe di chuyển. Hãy chú ý đến độ mòn của lốp và các dấu hiệu như vết nứt, rách của thành lốp. Với các chi tiết như gạt mưa, nước làm mát, dầu thắng thì người lái nên kiểm tra và bổ sung hoặc thay thế kịp thời vì những điều này giúp chiếc xe hoạt động bình thường trong những tình huống thời tiết khác nhau.
Tuân thủ các quy tắc giao thông
Thắt dây an toàn khi lái xe và yêu cầu tất cả các thành viên trên xe làm như vậy, đó là điều tiên quyết khi tham gia lưu thông. Nghị định 100/2019 hiện quy định rõ, ngoài việc phạt tiền người lái xe thì những thành viên khác ngồi trên xe không thắt dây an toàn cũng khiến người lái xe bị phạt.
Hiện tại, quy định về nồng độ cồn đối với người lái xe đã có thay đổi. Theo đó, các mức phạt đối với người lái xe có độ cồn trong máu, trong hơi thở là rất cao (người lái ô tô trong hơi thở có nồng độ cồn có thể chịu mức phạt tới 40 triệu đồng và tước GPLX 2 năm). Bên cạnh đó, hãy tuân thủ tuyệt đối các biển báo, hướng dẫn giao thông về tốc độ, làn đường cho phép…
Lên kế hoạch và chọn cung đường phù hợp
Du lịch đường dài trong nước là một việc tương đối dễ dàng, nhưng một khi đã vượt qua biên giới nước khác, nhiều tình huống phức tạp sẽ có thể xảy ra. Vì vậy hãy lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Sau khi chọn được điểm đến, để tiết kiệm thời gian và công sức nên vạch rõ lộ trình và các điểm dừng. Lên ngân sách cho chuyến đi và đặt trước khách sạn nếu không muốn mình rơi vào cảnh vừa không biết tiếng bản địa lại vừa không có nơi nào để ở khi đặt chân đến một đất nước xa lạ.
Kiểm tra thông tin về tuyến đường chuẩn bị đi như tình trạng đường tốt hay xấu, thời tiết mưa nắng bão lũ, địa chỉ một số khách sạn có giá tốt, cơ sở hạ tầng tốt.
Một trong những khâu gây nhiều khó khăn nhất trước mỗi chuyến xuất ngoại là hàng loạt thủ tục cần phải hoàn thành, bao gồm việc xin thị thực (visa), tiêm phòng vacxin (nếu nước bản địa yêu cầu), đổi tiền cũng như thông báo cho ngân hàng của bạn về chuyến đi sắp tới. Tất cả đều là những chi tiết nhỏ nhưng cần thiết để giúp thoải mái và không vướng phải rắc rối gì.
Tính toán thời gian xuất phát, thời gian đến, dừng chân nghỉ ngơi tại các địa phương đi qua. Thông thường, nếu lái tốt, tốc độ bình quân là khoảng 60km/h. Trên cơ sở này, lái xe sẽ chủ động được thời gian, địa điểm nghỉ ngơi ngắm phong cảnh đẹp, thức ăn ngon, giá tốt.
Sức khỏe tốt
Điều tối kỵ của người lái xe trước một hành trình dài là sức khỏe kém. Nếu lái xe cảm thấy buồn ngủ hay có những dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt thì tốt nhất hãy khắc phục trước khi ôm vô lăng. Khi cơ thể không được khỏe, cơn buồn ngủ có thể ập đến và rõ ràng đó là điều không tốt nếu đang lái xe. Vì vậy, hãy tỉnh táo, ngủ thật tốt đêm trước để sáng hôm sau có thể lái xe vi vu cùng người thân.
Nếu đang lái xe mà cảm thấy buồn ngủ, hãy nghỉ ngơi và nhớ rằng đừng cố ép bản thân tỉnh táo và tiếp tục lái xe, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho chính lái xe và những người khác nữa. Có một số biện pháp tạm thời sẽ không làm bạn tập trung hơn như nhai kẹo cao su, nghe nhạc, mở cửa sổ…
Nếu buồn ngủ, cách giải quyết duy nhất là tấp xe vào lề đường nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục hành trình.