Những lưu ý khi mở cửa xe ô tô để tránh gây tai nạn

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do tài xế mở cửa xe ô tô bất ngờ khiến người đi đường và các phương tiện khác không kịp trở tay. Những lưu ý khi mở cửa xe ở bài viết dưới đây phần nào giúp bạn hệ chế được việc gây tai nạn do sơ ý, bất cẩn.

Mở cửa xe ô tô thiếu quan sát là một trong những nguyên nhân gây tai nạn cho người đi xe máy, xe đạp, đặc biệt ở khu vực đô thị với mật độ phương tiện cao. Trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người trên ô tô vô ý, bât cẩn mở cửa đột ngột, khiến các phương tiện đi cùng chiều ngay đằng sau hoặc đi bên cạnh không kịp phản ứng.

Nhiều tài xế có thói quen dừng xe, tắt máy sau đó không quan sát kỹ mà đã vội mở hết cửa bước xuống xe. Hành động này nhiều khi sẽ khiến các phương tiện tham gia giao thông không tránh kịp vì cánh cửa ô tô mở rộng bất ngờ, có thể bị va phải gây gẫy cửa thiệt hại cho chính chủ xe, nặng hơn thì có những trường hợp khiến người đi đường bị tai nạn ngã ra đường, bị xe khác đâm vào gây tử vong tại chỗ.

Việc quan sát kỹ trước khi mở cửa xe ô tô không chỉ là câu chuyện ở phạm trù văn hóa tham gia giao thông, mà từ lâu đã được đưa vào quy định xử phạt hành chính nếu gây mất an toàn giao thông.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 quy định cụ thể về việc mở cửa xe như sau: "Chỉ được mở cửa xe khi xe đã dừng, đỗ. Trước khi mở cửa, người mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe; chỉ khi thấy an toàn mới được mở cửa và ra khỏi xe. Không để cửa xe mở nếu không bảo đảm an toàn."

Hành vi mở cửa ô tô thiếu quan sát còn có thể bị xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe với các mức như sau:

Người mở cửa hoặc để cửa xe mở không đảm bảo an toàn sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên 20 - 22 triệu đồng, đồng thời người vi phạm có thể bị trừ tới 10 điểm GPLX.

Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

"Không mở cửa xe, để cửa xe mở, hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn" là khẩu hiệu cần được người điều khiển ô tô ghi nhớ và tuân thủ. Người lái xe cần nâng cao ý thức mở cửa xe an toàn bằng một số cách cơ bản như sau:

1. Quan sát kỹ trước khi mở cửa

Ngay từ khi chọn vị trí dừng đỗ, tài xế cần đảm bảo xe được đỗ gọn gàng, không lấn chiếm lòng đường và tuân thủ Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Lưu ý không dừng đỗ tại những khu vực có biển báo cấm, ngã tư, cầu, hầm đường bộ hoặc các vị trí không được phép dừng đỗ. Đồng thời khi dừng, đỗ xe cần bật xi-nhan để cảnh báo cho các phương tiện phía sau.

Trước khi mở cửa, người ngồi trong xe phải quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và gương chiếu hậu, đặc biệt là phía bên tay lái. Khi thấy đảm bảo an toàn và không có phương tiện nào đang tới gần mới tiến hành mở cửa xe và bước xuống.

2. Mở cửa bằng tay xa cửa hơn, mở chậm rãi không "bung" rộng hết cỡ

Một cách hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi mở cửa ô tô là áp dụng phương pháp mở cửa bằng tay xa cửa hơn (còn gọi là phương pháp sử dụng tay nghịch). Cụ thể xe ô tô của người Việt sử dụng được trang bị vô lăng ở bên trái, vì vậy khi mở cửa xe chúng ta sẽ sử dụng tay phải chứ không nên dùng tay trái.

Thao tác mở cửa xe đúng cách là tay ở gần cửa xe giữ nắm cửa, tay ở xa mở khóa, dùng tay trái để mở cửa bên phải và sử dụng tay phải để mở cửa bên trái. Cách làm này buộc người trong xe phải xoay người lại, qua đó giúp tầm quan sát phía sau dễ dàng hơn trước khi mở cửa.

Việc sử dụng tay nghịch còn giúp hạn chế mở cửa quá rộng như khi dùng tay gần cửa, giảm nguy cơ gây va chạm. Người trong xe cần mở cửa chậm rãi, quan sát liên tục và chỉ mở hoàn toàn khi đã bước ra ngoài an toàn.

Cần chú ý, nên mở dần cửa cùng lúc đi ra khỏi xe, chứ không nên mở toang cửa để ra cho dễ. Sau khi ra khỏi xe thì nhanh chóng đi tới vị trí an toàn, tránh việc đứng lại một chỗ gây cản trở giao thông.

3. Kích hoạt khóa trẻ em

Một trong những điểm tài xế cũng cần lưu ý là nên kích hoạt khóa trẻ em khi trên xe có trẻ nhỏ để ngăn các bé hiếu động tự ý mở cửa sau, đặc biệt là phía bên lái, tránh nguy hiểm khi có phương tiện đi tới từ phía sau.

Vị trí chốt khóa trẻ em nằm ở nút thao tác ngay cửa tay ra vào ghế lái hoặc trên thành dọc cánh cửa phía sau, thường được ký hiệu bằng hình trẻ nhỏ. Tùy loại xe, tài xế có thể dùng tay gạt lẫy hoặc dùng chìa khóa để khóa chốt.

Khi lên xe và chuẩn bị di chuyển, luôn đảm bảo cửa ô tô được khóa chặt khi đang di chuyển trên đường, tránh trường hợp cửa bật ra bất ngờ. Nhiều trường hợp xe lăn bánh nhưng cửa vẫn đóng chưa hết, điều này gây mất an toàn giao thông không may vấp phải một trướng ngại vật hoặc phanh gấp cũng có thể khiến cửa bị bung ra, người lái xe cần lưu ý quan sát xem cửa đã đóng hết chưa trước khi nhấn ga lăn bánh

Ngày nay, sử dụng ô tô tại Việt Nam làm phương tiện đi lại ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khu vực thành phố, đô thị. Vì vậy, người điều khiển ô tô cần trang bị đầy đủ những kỹ năng lái xe,thực hiện nghiêm quy định pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ.

Tuệ Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/nhung-luu-y-khi-mo-cua-xe-o-to-de-tranh-gay-tai-nan-post1187368.vov