Những lưu ý khi sử dụng kem chống muỗi cho trẻ
Một số thành phần có trong kem chống muỗi có thể không an toàn đối với trẻ, do đó điều quan trọng là cha mẹ phải lựa chọn đúng thành phần, tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng.
Trẻ em thường thu hút muỗi hơn người lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trẻ em có thể dễ bị phản ứng nghiêm trọng hơn khi bị muỗi đốt, các dấu hiệu bao gồm: sưng và đỏ, vết sưng có thể nhỏ hoặc lớn, khoảng một ngày sau, nó có thể có màu sẫm hơn và cứng hơn; ngứa ngáy,... Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết, phát ban,...
Hơn nữa, muỗi là côn trùng mang nhiều mầm bệnh, chúng có thể lây truyền virus và gây ra một số bệnh phổ biến ở người như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, Sốt Chikungunya,... Do đó, để ngăn ngừa tình trạng muỗi đốt và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, cha mẹ nên thoa kem chống muỗi cho trẻ nhưng cần lưu ý về thành phần và những khuyến cáo đi kèm của nhà sản xuất.
1. Một số tác dụng phụ trẻ có thể gặp phải khi dùng kem chống muỗi
Các loại kem chống muỗi dành cho trẻ trên thị trường đã được cấp phép thường an toàn đối với trẻ. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ không mong muốn như:
- Kích ứng da: Nếu trẻ thường xuyên sử dụng kem chống muỗi và được thoa lại nhiều lần trong ngày. Điều này có thể gây ra một số kích ứng ở da cho trẻ như da đỏ rát, bong vảy, sưng nề, xuất hiện các mụn nhỏ li ti,... Với những trẻ bị viêm da cơ địa có thể làm cho triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
- Ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Khi sử dụng những loại bình xịt thuốc chống muỗi vào vị trí vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập qua đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, những trẻ bị dị ứng với một số thành phần trong kem chống muỗi có thể gặp phản ứng nghiêm trọng hơn.
- Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất: Nếu thoa kem chống muỗi lên những vùng da hở, điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm hóa chất vào trong cơ thể.
2. Những thành phần hóa học có trong kem chống muỗi
Một số thành phần có trong kem chống muỗi không được khuyến khích dùng cho trẻ hoặc chỉ dùng với liều lượng được khuyến cáo vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da của bé. Dưới đây là những thành phần hóa học phổ biến được sử dụng trong kem chống muỗi và một số khuyến cáo về chúng:
- DEET: Các công thức có chứa hóa chất gọi là DEET (N, N-diethyl-3-methylbenzamide) mang lại khả năng bảo vệ tốt nhất chống lại côn trùng cắn và bọ xít cắn. Khả năng bảo vệ kéo dài khoảng 3 đến 8 giờ, tùy thuộc vào lượng DEET trong sản phẩm. Hiện nay, kem chống muỗi thành phần có hoạt chất DEET trên 10% chiếm số lượng lớn.
Nếu kem chống muỗi có hàm lượng trên 10% DEET có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, nếu nặng hơn có thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp và tim mạch của trẻ. Do đó, các chuyên gia không khuyến nghị các sản phẩm có chứa DEET cho trẻ em dưới 2 tuổi và cảnh báo không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc chống côn trùng nào có hơn 30% DEET cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, trẻ dưới 12 tuổi chỉ được sử dụng hàm lượng DEET dưới 10% trong kem chống muỗi. Không sử dụng các sản phẩm có chứa DEET nhiều hơn một lần mỗi ngày.
- Picaridin: Picaridin là một hóa chất tổng hợp dùng để xua đuổi côn trùng như muỗi, bọ ve, bọ chét. Theo Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), hóa chất này gây ra ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, picaridin có thể gây kích ứng da và mắt. Hóa chất Picaridin không được nghiên cứu kỹ lưỡng như DEET, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng nó an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Dầu bạch đàn chanh: Có nhiều loại kem chống muỗi có tinh dầu bạch đàn chanh. Bằng chứng cho thấy nó an toàn khi sử dụng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
- IR3535: Đây là hóa chất nhân tạo thay thế khác cho DEET. Hợp chất này được EPA chấp thuận dùng an toàn với cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai với tác dụng đuổi muỗi khỏi da trong vài giờ.
Đối với những người muốn tránh sử dụng hóa chất, các sản phẩm được coi là tự nhiên là một lựa chọn an toàn. Các sản phẩm này thường chứa các thành phần như dầu sả, dầu bạc hà. Tuy nhiên, thử nghiệm của Báo cáo Người tiêu dùng về các loại thuốc chống côn trùng này với thành phần hoạt chất là tinh dầu, cho thấy rằng chúng có tác dụng chống muỗi ít giờ hơn so với các sản phẩm có thành phần hóa học.
3. Lưu ý khi sử dụng kem chống muỗi cho trẻ
Sử dụng kem chống muỗi không đơn giản như chúng ta nghĩ. Để phòng ngừa muỗi đốt cho trẻ cũng như không gây hại tới sức khỏe của trẻ, khi sử dụng kem chống muỗi cho bé, cha mẹ nên lưu ý một số điều:
- Đọc kỹ thành phần và lựa chọn sản phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Những thành phần có thể nguy hại và liều lượng khuyến cáo cho trẻ đã được đề cập ở trên.
- Vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay cho tay vào miệng nên tránh bôi thuốc chống côn trùng lên tay trẻ. Đặc biệt, không thoa kem lên vết thương, vết cắt, vùng da bị kích ứng hoặc gần miệng của trẻ.
- Chỉ thoa kem chống muỗi lên các vùng da hở mà không được quần áo bảo vệ.
- Chuyên gia khuyến khích thoa kem chống muỗi cho trẻ khi ra ngoài, hạn chế khi ở nhà. Khi trở về nhà, rửa sạch vùng da đã thoa kem cho trẻ bằng xà phòng hoặc sữa tắm và nước.
- Khi thoa hoặc xịt kem cho trẻ, nên thoa ở khu vực thông gió tốt để tránh hít phải.
- Nếu sử dụng cho cả mặt, không lên dùng sản phẩm dạng xịt vì có thể ảnh hưởng đến mắt và hệ hô hấp. Cha mẹ nên lựa chọn sản phẩm dạng kem và trước đó hãy cho kem lên tay của bạn rồi thoa lên mặt cho con.
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng kem chống muỗi cho trẻ sơ sinh. Các biện pháp chống muỗi tự nhiên là tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn này.
4. Một số biện pháp khác phòng ngừa trẻ bị muỗi đốt
Ngoài việc dùng kem chống côn trùng, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khác để tránh tình trạng con bị muỗi đốt:
- Trang phục phù hợp: Khi ra ngoài, bạn nên cho con ăn mặc kín đáo như quần dài, áo sơ mi dài tay, đeo giày, tất,... nhất là khi đến khu vực có nhiều cây cối, ao hồ. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ vào xe lôi có màn bảo vệ.
Ngoài ra, cha mẹ tránh mặc cho con những bộ quần áo có màu sắc tươi sáng hoặc hoa văn. Vì những con côn trùng này dường như bị thu hút bởi quần áo sáng màu hơn và cả những hình in hoa.
- Khi ở nhà: Nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ các khu trú ngụ của muỗi như các chum vại đựng nước, phát quang cây cối xung quanh nhà,... Có thể dùng một số tinh dầu tự nhiên để đuổi muỗi.
- Không sử dụng cho trẻ các sản phẩm có mùi thơm vì muỗi và các loại bọ khác có thể bị thu hút bởi mùi ngọt hoặc nước hoa.
- Khi ngủ cần mắc mùng/màn.
- Hạn chế ra ngoài vào chiều tối vì lúc này muỗi hoạt động khá nhiều
Nguồn: Webmd.com