Những lưu ý việc đổi tiền mới lì xì đầu năm
Đa phần, tiền được lựa chọn để lì xì vào dịp Tết đến xuân về là tiền mới và lẻ với ngụ ý 'Đầu năm nhận tiền lẻ, cuối năm tiền dư'. Tuy nhiên, có một lưu ý rất quan trọng là tiền không phải là hàng hóa nên sẽ không được mua bán, thu, đổi để hưởng chênh lệch. Nếu các cá nhân, tổ chức thu, đổi nhằm hưởng chênh lệch để chiếm lợi thì được xác định là hành vi vi phạm quy định về thu, đổi tiền.
Lì xì đầu năm mới là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt với mong muốn đem lại niềm vui, may mắn, tài lộc trong năm mới cho nhau. Nhu cầu đổi tiền mới vào mỗi dịp Tết đến Xuân về để lì xì là điều mà bao đời nay người Việt ta vẫn đang thực hiện. Việc đổi tiền mới để lì xì không được xem là vi phạm pháp luật nhưng đối với mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức để hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng internet đều vi phạm quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Long – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 12 Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân. Việc thu, đổi này phải được tiến hành theo quy định và tiền phải thuộc phân loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông mới thu đổi. Như vậy, trường hợp này pháp luật chỉ quy định về việc các tổ chức có thẩm quyền sẽ thực hiện việc thu, đổi tiền khi tiền đó không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Ngoài ra pháp luật không có quy định về việc cấm các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền cho nhau. Tuy nhiên, có một lưu ý rất quan trọng là Tiền không phải là hàng hóa nên sẽ không được mua bán, thu, đổi để hưởng chênh lệch. Nếu các cá nhân, tổ chức thu, đổi nhằm hưởng chênh lệch để chiếm lợi thì được xác định là hành vi vi phạm quy định về thu, đổi tiền.
Vì vậy, nếu các cá nhân thực hiện việc thu, đổi tiền không theo quy định nhằm hưởng chênh lệch thì sẽ có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Đối với các tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt gấp 2 lần.
Đồng quan điểm, theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thì hiện nay pháp luật chưa có quy định cấm người dân đổi tiền Việt ngang giá trong các giao dịch dân sự thông thường. Tuy nhiên người dân vẫn cần chú ý tuân thủ các quy định để đảm bảo tính minh bạch và không lợi dụng để kinh doanh trái phép.
Như đã phân tích, người dân có thể đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của pháp luật ở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và đơn vị thu đổi (Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 25/2013/TT-NHNN), tuy nhiên, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc đổi tiền lẻ tại các ngân hàng.
Để biết chính xác hơn về các chính sách đổi tiền lẻ tại ngân hàng hay chi phí phát sinh khác, khách hàng có thể chủ động liên hệ trực tiếp với chi nhánh ngân hàng để biết thêm thông tin chi tiết.
Theo Luật sư Bình, người dân không nên thực hiện việc đổi tiền qua các trang mạng xã hội hoặc các dịch vụ không chính thức. Những giao dịch này có thể vi phạm pháp luật và có nguy cơ bị phạt. Đồng thời, cần kiểm tra thông tin về các đơn vị được phép đổi tiền trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhà nước hoặc liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể.
Luật sư Long cho rằng, việc đổi tiền của người dân mỗi dịp Tết đến như một nhu cầu thiết yếu, người dân sẵn sàng bỏ ra phần chênh lệch để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, việc đổi tiền qua mạng mang lại rủi ro rất lớn, những cá nhân, tổ chức sẽ lợi dụng vào nhu cầu cấp bách của người dân nhằm chiếm đoạt tiền cọc hoặc gửi thiếu tiền, gửi tiền giả. Do đó, người dân cần tỉnh táo trong việc đổi tiền để không bị thiệt hại.
Cũng theo Luật sư Long, muốn xóa bỏ tình trạng đổi tiền ăn chênh lệch thì cần phải xóa bỏ nhu cầu cần đổi tiền mới mỗi dịp Tết đến. Cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng việc tăng nặng hình phạt với những người thực hiện hành vi đổi tiền nhằm hưởng phần chênh lệch. Liên quan đến việc này, Ngân hàng nhà nước có thể xem xét đến việc chủ động ban hành các quy định phù hợp để đáp ứng nhu cầu đổi tiền của người dân mỗi dịp Tết đến, nhằm có cơ chế quản lý kịp thời tránh tình trạng việc đổi tiền diễn ra tự phát gây ảnh hưởng đến việc quản lý tiền mặt.
Để giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc đổi tiền mới để lì xì đầu năm thì theo Luật sư Bình, nếu phát hiện các hành vi đổi tiền ăn chênh lệch, người dân nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Từ đó, giúp ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật và bảo vệ sự công bằng trong xã hội.
Các cơ quan chức năng thì cần tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến việc đổi tiền, giúp người dân nâng cao nhận thức và giảm thiểu các hành vi vi phạm.