Những lý do để Ấn Độ tham gia RCEP

Tuy nhiên, ngay cả khi không có Ấn Độ, RCEP vẫn là một hiệp định thương mại tự do lớn, bởi nó sẽ đưa 15 nền kinh tế vào một loạt nguyên tắc thương mại chung.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ấn Độ đã quyết định rút khỏi RCEP do quan ngại về một số vấn đề đáng lưu tâm của nước này có thể không được giải quyết.

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 tại Bangkok ngày 4/11 tuyên bố các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được hoàn tất sau 6 năm.

* Những nỗ lực làm hồi sinh chủ nghĩa thương mại tự do

RCEP bao gồm một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao, một số nền kinh tế công nghiệp hóa chủ chốt, các nền kinh tế có thu nhập trung bình với những nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn và cũng bao gồm các nền kinh tế chậm phát triển và có thu nhập thấp.

Một khía cạnh đáng chú ý của RCEP là vai trò trung tâm của ASEAN. Tất cả các nước không thuộc ASEAN trong RCEP được gắn kết với khu vực này thông qua các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ASEAN+1 đang tồn tại và RCEP được kỳ vọng là cùng với thời gian sẽ thay thế tất cả các FTA này.

Trong khi đó, những triển vọng hợp tác thương mại là đặc biệt mạnh mẽ đối với ASEAN và Trung Quốc. ASEAN vốn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, và việc thực hiện RCEP từ năm 2022 có thể chứng kiến thương mại và đầu tư lớn hơn rất nhiều giữa hai bên.

Một khía cạnh đáng lưu tâm khác của RCEP là quy mô rộng lớn hơn rất nhiều của nó. So với các thỏa thuận thương mại ASEAN+1 hiện đang tồn tại, RCEP phản ánh sự tiếp cận lớn hơn.

Điều này sẽ trở thành hiện thực thông qua việc loại bỏ rảo cản thuế quan đối với gần 90% lượng hàng hóa được trao đổi, sự cung cấp mạnh mẽ hơn về trao đổi dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới cũng như những quy định mới để tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi trong thương mại điện tử.

RCEP hứa hẹn là một thỏa thuận thương mại thế hệ mới, hiện đại và linh hoạt hơn, đồng thời phản ánh sự phát triển hiện đại hơn trong thương mại toàn cầu và có thể khuyến khích các nước thành viên tham gia thỏa thuận này trên cơ sở những lợi thế so sánh tương ứng của họ.

Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia đang đàm phán về RCEP đã từ bỏ việc đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay, mục tiêu mà họ đã không ngừng theo đuổi.

Tình hình trở nên nghiêm trọng khi Ấn Độ tuyên bố quyết định rút khỏi RCEP. Mặc dù vậy, 15 quốc gia còn lại khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan với hy vọng có thể ký kết hiệp định này vào cuối năm sau.

Ý nghĩa của RCEP nằm trong kịch bản theo đó Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước có dân số hơn 1,3 tỷ người, sẽ cùng tham gia. Tổng dân số của 16 nước chiếm gần một nửa dân số thế giới, và tổng GDP chiếm khoảng 30% GDP thế giới.

Nếu trở thành hiện thực, RCEP được cho là sẽ tiếp sinh lực cho thương mại và đầu tư toàn cầu đồng thời kiềm chế Mỹ vào thời điểm khi nước này có xu hướng tiến tới chủ nghĩa bảo hộ.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, thỏa thuận thương mại RCEP giữa 15 nước châu Á-Thái Bình Dương được cho là có thể đem lại cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc những cơ hội mới nhằm gia nhập các thị trường đang phát triển nhanh và đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á và đặt nền tảng cho một khối thương mại trong tương lai bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Nếu một thỏa thuận thương mại giữa 3 quốc gia này được ký kết, khối lượng thương mại có thể chiếm khoảng 19% tổng thương mại của thế giới, làm cho nó trở thành khối thương mại lớn thứ ba, sau Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ.

Các nhà lãnh đạo 15 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận đối với tất cả 20 chương của RCEP và bày tỏ sẵn sàng ký kết hiệp định này vào năm sau. Một ngày sau công bố này, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo đã triệu tập một cuộc gặp với các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức thương mại để thảo luận về tác động của thỏa thuận đối với nền kinh tế Hàn Quốc và tầm quan trọng của nó đối với các ngành công nghiệp nước này.

Ông phát biểu: “Trong bối cảnh xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm nghiêm trọng, RCEP sẽ cải thiện môi trường xuất khẩu cho các công ty Hàn Quốc bằng việc gia tăng khả năng tiếp cận thị trường và đa dạng hóa thương mại trong khu vực”.

* Ý nghĩa sự tham gia của Ấn Độ đối với các quốc gia thành viên

Trong khi các quốc gia còn lại tỏ ra háo hức về việc ký kết RCEP, Ấn Độ vẫn thận trọng về việc hạ thấp hay loại bỏ hàng rào thuế quan. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra một quyết định can đảm và táo bạo là không tham gia khối thương mại đa phương đồ sộ này tại hội nghị về RCEP ở Bangkok (Thái Lan) hôm 4/11.

Trên thực tế, lo ngại chính của Ấn Độ đối với RCEP là việc hạ thấp hàng rào thuế quan sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt đổ vào thị trường Ấn Độ. Điều này tác động đến các ngành công nghiệp trong nước và sẽ làm tổn thương sáng kiến “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Chính quyền Modi.

Trong khi đó, ngành sữa và các sản phẩm từ sữa cũng như lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ cũng sẽ bị tác động dưới cơ chế RCEP.

Mặc dù dường như cho đến nay, việc rút khỏi RCEP là quyết định cuối cùng của Ấn Độ, nhưng tuyên bố chung được 16 nước đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh cũng đã thừa nhận rằng những vấn đề đáng chú ý của Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết.

Tất cả các nước tham gia RCEP sẽ làm việc với nhau để giải quyết những vấn đề đáng quan tâm này theo cách thức thỏa mãn yêu cầu của cả hai bên. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã phát biểu rằng cánh cửa vẫn sẽ “rộng mở” để Ấn Độ tham gia RCEP. Bởi vậy, mọi thứ vẫn chưa phải kết thúc và vẫn có không gian cho các cuộc đàm phán.

Các cuộc đàm phán dựa trên văn bản đối với tất cả 20 chương của thỏa thuận đã được hoàn tất, nhưng RCEP sẽ được các nước thành viên ký kết tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức ở Việt Nam vào năm sau, khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN.

Việt Nam, là đối tác chiến lược chặt chẽ của Ấn Độ, được cho là có thể sử dụng vị trí của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết những mối lo ngại của Ấn Độ với các nước đối tác.

Tham gia RCEP có khả năng thúc đẩy các nỗ lực của Ấn Độ nhằm mở rộng xuất khẩu của nước này trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bao gồm lĩnh vực phần mềm mà New Delhi có lợi thế.

Việc tham gia RCEP cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Ấn Độ hoạt động tại thương trường nước ngoài sử dụng nguồn nhân lực trong nước có kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin.

Trong khi các đảng cánh tả ở Ấn Độ chỉ trích thỏa thuận này, phe đối lập chính - đảng Quốc đại - cũng đã lên kế hoạch cho một chiến dịch được sắp đặt kỹ càng nhằm chống lại RCEP. Tuy nhiên, nếu RCEP có thể được thay đổi theo hướng có lợi cho Ấn Độ, thì chắc chắn nó sẽ đem lại lợi ích cho nước này.

Ngoài ra, việc Ấn Độ ký kết RCEP cũng nằm trong lợi ích của Nepal. Nếu Ấn Độ không rút lại việc ký kết thỏa thuận này vào phút chót, thì có lẽ RCEP đã trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Bất chấp việc Ấn Độ không tham gia thì RCEP cũng vẫn sẽ tồn tại.

Trong bối cảnh này, một câu hỏi rõ ràng được đặt ra cho Nepal là: RCEP hay sự tham gia của Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Nepal? Nếu Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy sự hợp tác chiến lược thay vì cạnh tranh với nhau giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều đó có thể để cho Kathmandu tham gia thành công tam giác Nepal-Ấn Độ-Trung Quốc.

Nếu khối RCEP trở thành khu vực thương mại tự do thực sự, như Liên minh châu Âu, thì việc tiếp cận vào thị trường của một trong các nước thành viên của khối trên thực tế sẽ có nghĩa là sự tiếp cận không bị cản trở đối với toàn bộ khối thương mại này.

Do sự tương tác kinh tế được mở rộng giữa Nepal và Ấn Độ, nên việc Ấn Độ tham gia khuôn khổ thỏa thuận và kéo theo đó là khả năng tiếp cận thị trường khối thương mại khổng lồ này sẽ đem lại lợi ích cho Nepal./.

Nguyễn Thúy (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-ly-do-de-an-do-tham-gia-rcep/140991.html