Những lý do khiến 'Hữu phỉ' khó có thể trở thành bom tấn màn ảnh nhỏ
Tình trạng hiện nay của Hữu phỉ chính là không thành công nhưng cũng chưa đến mức thất bại.
Cuối năm 2020 thì Hữu phỉ chính là dự án nổi bật nhất khi đây là bộ phim tái xuất của Triệu Lệ Dĩnh cũng như là tác phẩm tiếp theo của Vương Nhất Bác sau Trần tình lệnh. Khán giả đã đặt kỳ vọng rất nhiều vào Hữu phỉ, tuy nhiên phim lại không thành công như dự kiến nhưng cũng chưa đến mức thất bại thảm hại. So với Sở Kiều truyện hay Trần tình lệnh thì sức hút của Hữu phỉ kém hơn hẳn, thậm chí phim còn có rất nhiều lý do khó có thể trở thành bom tấn màn ảnh nhỏ.
Biến võ hiệp thành ngôn tình
Nguyên tác của Hữu phỉ vốn là một bộ võ hiệp, kể về con đường gian nan vất vả của Chu Phỉ và Tạ Doãn để bước đến vị trí anh hùng trong thiên hạ. Khác với những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và Cổ Long thì Hữu phỉ chính là câu chuyện dưới góc nhìn của nữ chính Chu Phỉ, tạo nên hình ảnh “nữ cường nam nhược”. Chính vì cốt truyện tôn lên “nữ hiệp” này đã làm mới cho thể loại võ hiệp, đây cũng là linh hồn, là mấu chốt để Hữu phỉ khi chuyển thể có thành công hay không. Nếu không thể làm nổi bật lên điều này thì Hữu phỉ cũng chẳng khác gì những bộ phim cổ trang bình thường cả.
Thật đáng tiếc khi Hữu phỉ không thể đưa trọn vẹn điểm nhấn của nguyên tác lên màn ảnh. Đầu tiên, những manh mối về quá trình trưởng thành của Chu Phỉ đều đã bị lược bỏ. So với những nhân vật nữ khác thì Chu Phỉ là kiểu nhân vật rất tỉnh táo và luôn hiểu rõ ràng về bản thân mình.
Ví dụ như đoạn đầu trong nguyên tác, Chu Phỉ phản đối ý kiến của phu tử về việc người con gái phải tam tòng tứ đức. Bên cạnh đó những câu nói thể hiện sự mạnh mẽ của Chu Phỉ mà trong nguyên tác có đều không được đưa lên phim. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa Chu Phỉ cùng với các nhân vật trong gia đình cũng được “đơn giản hóa”, chính vì thế nên tính cách sắc bén và dứt khoát của nhân vật này đã bị làm cho suy yếu đi nhiều. So với vai Sở Kiều trước đó của Triệu Lệ Dĩnh thì Chu Phỉ chẳng có mấy khác biệt cả.
Nếu như trong nguyên tác, nhân vật Tạ Doãn trong 10 tập đầu không xuất hiện nhiều thì khi lên phim, điều này đã thay đổi. Đất diễn của Tạ Doãn tăng lên đáng kể, những tình tiết như truy đuổi trong rừng rồi, bế kiểu công chúa, uống rượu luận đàm đều không có trong truyện. Tăng đất diễn cho nam chính và giảm đi chi tiết về quá trình trưởng thành của nữ chính, cuối cùng đã biến một bộ phim võ hiệp trở thành phim ngôn tình.
Kỹ năng diễn xuất thiếu sự đột phá
Trở lại sau khi sinh con, Triệu Lệ Dĩnh đã chọn Hữu phỉ và đây có thể nói là một sự lựa chọn khá mạo hiểm. Nếu Hữu phỉ có thể bám sát nguyên tác thì chắc chắn sẽ trở thành một bộ phim ăn khách, đồng thời Triệu Lệ Dĩnh lại có thêm vai diễn ấn tượng nữa. Nhưng nếu Hữu phỉ chỉ là một bộ cổ trang – ngôn tình bình thường thì không gian thể hiện mình của Triệu Lệ Dĩnh sẽ rất hạn chế và sẽ phải đối mặt với nhiều phản hồi tiêu cực. Như hiện nay mà nói thì tình hình của bà xã Phùng Thiệu Phong đang ở vế thứ 2.
Triệu Lệ Dĩnh trong Hữu phỉ gặp phải 2 vấn đề lớn, đầu tiên chính là cô ấy không hợp với hình tượng nhân vật Chu Phỉ lúc bắt đầu. Trong nguyên tác, Chu Phỉ chỉ mới 13, 14 tuổi, không hiểu thế sự và cũng chẳng sợ hãi gì cả. Nhưng phiên bản Chu Phỉ của Triệu Lệ Dĩnh lại mang đến sự trải đời và “sành điệu” với lớp trang điểm dày cộm, ánh mắt thiếu đi sự trẻ trung vốn có. Điều thứ 2 chính là vấn đề kịch bản đã khiến cho không gian của nhân vật hẹp đi, sự biến hóa đa dạng của Chu Phỉ sẽ không còn.
Còn về Tạ Doãn, đây là một nhân vật lạc quan vui vẻ, tâm thái tự do tự tại như đang ngồi trên mây nhưng trong lòng lúc nào cũng có thiên hạ. Vương Nhất Bác đã hoàn thành khá tốt vai diễn theo góc nhìn này, đây là điều mà khán giả không thể phủ nhận. Nhưng trong phân cảnh đòi hỏi cao hơn về khả năng diễn xuất thì Vương Nhất Bác vẫn còn yếu kém, nội tâm của nhân vật không được phơi bày rõ ràng.
Những yếu tố khác
Hữu phỉ là một bộ cổ trang trọng điểm của Tencent, chính vì thế nên khán giả hy vọng sẽ thấy được một tác phẩm chất lượng cao. Nhưng khi nhìn vào thành phẩm, rất nhiều người chỉ có thể lắc đầu ngán ngẩm.
Đầu tiên phải nhắc đến vấn đề lồng tiếng, theo nhiều netizen thì họ cảm thấy vấn đề lồng tiếng trong Hữu phỉ giống như để “đối phó” cho xong vậy. Ví dụ như lồng tiếng cho Vương Nhất Bác không sát với khẩu hình miệng của diễn viên, một số đoạn bị hụt hơi và thiếu đi sự nhịp nhàng, còn lồng tiếng cho Triệu Lệ Dĩnh nghe giống như kịch truyền hình vậy.
Vì Hữu phỉ là phim võ hiệp chứ không phải huyền huyễn nên lượng kỹ xảo đặc biệt không có nhiều. Nhưng có vẻ việc “không nhiều” khiến nhà sản xuất cũng chẳng mấy chú trọng đầu tư, những cảnh quay khi xem đều rất giả, vẫn là “kỹ xảo 3 xu” đáng thất vọng.
Đương nhiên cũng không thể không kể đến tạo hình nhân vật, có rất nhiều fan của Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác không hài lòng về tạo hình của 2 người. Tạo hình của Chu Phỉ là thiếu nữ thanh lãnh chứ không phải “Sở Kiều thứ 2”, còn Vương Nhất Bác vốn có gương mặt dài, mà stylist lại cho anh thêm tóc mái càng khiến gương mặt anh thêm dài hơn.
Dưới tác động của nhiều yếu tố, Hữu phỉ từ một truyện võ hiệp đặc sắc khi lên phim đã trở thành một bộ ngôn tình nhàm chán và không có gì đặc biệt cả. Có thể thấy ngoại trừ việc fan sẽ ủng hộ thì khán giả thường sẽ không hứng thú và kiên nhẫn để theo dõi hết bộ phim. Sau 12 tập lên sóng, Hữu phỉ đã không tạo được thành công như dự kiến và đương nhiên với tình hình hiện tại thì bộ phim này khó mà trở thành bom tấn màn ảnh nhỏ được.